Chương trình tình nguyện hè với nhiều nội dung phong phú đã được ĐTN – HSV lên kế hoạch cụ thể từ nhiều tháng trước: Tình nguyện đến với Mái ấm Tình hồng nơi có những mãnh đời không may mắn. Thắp lên những ngọn nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ, nơi các anh hùng đã nằm lại vì sự bình yên của Tổ quốc. Đến với các bản làng xa xôi, nơi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn vất vả,... Và chuyến đi tình nguyện về với các bản làng vùng cao luôn được các sinh viên chờ đón. Công tác tình nguyện của sinh viên luôn được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, tinh thần tình nguyện và tâm huyết của tuổi trẻ với phong trào thì luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức cũng gặp không ít khó khăn: nguồn kinh phí chưa có nhiều, các đồng chí trong Ban thư ký hội sinh viên phải chạy ngược chạy xuôi để tìm mua vật liệu, để mượn các dụng cụ, nhờ xe của các đơn vị khác,... Mỗi đợt tình nguyện như thế cần 65 tình nguyện viên thôi, nhưng danh sách đăng ký lên đến vài trăm, thật khó khăn để chọn lựa, bởi sinh viên nào cũng muốn được chung sức chia sẽ những khó khăn vì một cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Thế mới biết, không như nhiều người vẫn nghĩ, tuổi trẻ hôm nay vẫn giữ được ngọn lửa truyền thống mà cha anh để lại bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày lên đường cũng đã đến. Hành trình dài hơn 80km đã đưa đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi đến với xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Điểm dừng chân của đoàn là một trường THCS. Không phải tự nhiên mà đoàn chọn nơi đây làm điểm đến, đã hơn một năm trôi qua nhưng dấu tích của trận lũ quét lịch sử vẫn còn in dấu trên từng ngọn cỏ, từng bức vách của những căn nhà sàn đơn sơ đã nói lên những khó khăn vất vả của bà con nơi đây. Một ngôi trường hai tầng khá bề thế, nhưng xung quanh vẫn còn ngổn ngang nào là tre, là gỗ và cả bùn non, những bức tường cũng loang lỗ bởi dấu tích của cơn lũ.
Ngay sau khi ổn định chổ ở, các tình nguyện viên đã bắt tay ngay vào công việc vệ sinh xung quanh trường Tiểu học và THCS xã Húc Nghì, Uỷ ban nhân dân xã, nhà sinh hoạt cộng động và các con đường trong thôn bản. Một sân bóng chuyền cũng được chúng tôi làm mới ngay trong chiều hôm đó. Trận giao lưu “khai trương” sân mới được các tình nguyện viên và bà con trong bản cổ vũ nồng nhiệt. Buổi tối đầu tiên ấy, bà con đã tập trung rất đông để xem những thước phim tư liệu đầy cảm động về Chủ Tịch Hồ Chí Minh do đoàn tình nguyện chuẩn bị.
Ngày hôm sau, đoàn tiếp tục hành trình dài thêm 7km nữa để vào thôn 37, một trong những bản nghèo của xã Húc Nghì, những bậc thang đã được làm mới, những ngôi nhà đã được các tình nguyện viên sửa sang và vệ sinh sạch sẽ, ...
Một ngày tình nguyện nữa đã trôi qua, đoàn lại chuẩn bị vật liệu để làm lại ngôi nhà bán trú cho học sinh trường Húc Nghì, những cây tre từ trong rừng, cây gỗ từ dưới suối đã được các tình nguyện viên tập kết về sân trường. Sau gần 2 ngày lao động, không còn nữa một ngôi nhà phủ bạt đơn sơ mà thay vào đó là một công trình thanh niên khang trang, kính đáo hơn.
Lao động vất vã là thế, nhưng mỗi khi đêm về, các tình nguyện viên lại nhiệt tình tham gia các chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ với các chi đoàn thanh niên và bà con trong xã. Nhưng lời ca tiếng hát như xua bớt đi không khí tĩnh lặng của núi rừng về đêm.
Đêm cuối cùng của đợt tình nguyện, một chương trình sinh hoạt văn nghệ và lửa trại đã được các tình nguyện viên chuẩn bị một cách công phu. Nhiều phần quà đơn giản nhưng mang cả tấm lòng của thanh niên tình nguyện đã được đoàn trao cho nhà trường và những gia đình khó khăn trong xã. Những điệu nhảy, những cái nắm tay thân thiện, không còn nữa khoảng cách giữa các sinh viên tình nguyện với các đoàn viên trong xã Húc Nghì.
Bốn ngày tình nguyện đã trôi qua một cách nhanh chóng, ai cũng muốn lưu lại lâu hơn, muốn làm nhiều việc hơn nữa. Đồng chí Nguyễn Anh Sơn - trưởng đoàn tâm sự: “chuyến này làm được khá nhiều việc có ý nghĩa hơn những chuyến tình nguyện trước, cũng muốn làm một vài công trình thanh niên cho to đẹp hơn nhưng kinh phí khó khăn quá”. Các sinh viên cũng không kém nhiệt tình: “rứa là gần về rồi hả thầy, bọn em chưa thấy mệt nơi, sao không làm thêm vài ngày,...”.
Chuyến xe lại đưa chúng tôi trở về với mái trường thân thương với bao công việc đang chờ đợi. Không còn nữa những giờ lao động mệt nhọc nhưng ý nghĩa, không còn nữa những bữa cơm rau dưa nhưng rộn rã tiếng cười, không còn nữa những đêm giao lưu vui vẻ, đầy nghĩa tình,....núi rừng ơi, xin hẹn đến hè sau.
Một số hình ảnh hoạt động của chiến dịch SVTN – Hè 2010 tại Xã Húc Nghì - Đakrông
Sinh viên tình nguyện cải tạo khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng
Đ/c Nguyễn Anh Sơn – Chủ tịch HSV và đ/c Phạm Văn Ánh – Phó chủ tịch HSV tặng quà cho gia đình chính sách xã Húc Nghì – Huyện Đakrông
Giao lưu văn hoá văn nghệ với bà con xã Húc nghì Huyện Đakrông
Giao lưu văn hoá văn nghệ với bà con xã Húc nghì Huyện Đakrông
Sinh viên tình nguyện vận chuyển vật liệu để làm nhà Bán trú dân nuôi ở trường THCS Xã Húc Nghì - Đakrông
Cô giáo Lê Thị Hương, Thường vụ Đảng uỷ, phó Hiệu trưởng trường CĐSP Quảng trị và thầy giáo Anh hùng lao động Hà Công Văn, Hiệu trưởng trường THCS Xã Húc cắt băng khánh thành Công trình thanh niên Nhà bán trú dân nuôi.
Ban chỉ đạo Chiến dịch SVTN Hè 2010 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo nhà trường
Tin bài và ảnh: Phạm Văn Ánh