A A+
Dấu ấn Phật giáo trong phong tục tang ma của Thái Lan
[ Ngày đăng: 13/06/2012 9:52:54 SA, lượt xem: 9591 ]

 Từ trước đến nay, tôn giáo vẫn luôn là một bộ phận quan trọng trong văn hóa tinh thần của nhiều cộng đồng xã hội. Riêng đối với Phật giáo – một tôn giáo ra đời ở Ấn Độ với nội dung cơ bản đề cập đến việc lý giải căn nguyên nỗi khổ và con đường giải thoát chúng sinh khỏi những nỗi khổ triền miên trong cuộc sống. Vì vậy, Phật giáo đã thu hút tín đồ khá đông.

 

Từ Ấn Độ, Phật giáo đã vượt qua dãy Hymalaya và lan toả ra toàn thế giới. Từ đó, tôn giáo này đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa của nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan. Với những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến thái độ - hành động của quần chúng nhân dân. Vì vậy, ngoài những tên gọi như: “Vương quốc của loài voi”; “Vương quốc của nụ cười”; “Vương quốc của sự mê hoặc”... Thái Lan còn được nhiều người biết với những tên gọi mang đậm dấu ấn, màu sắc Phật giáo như: “Vương quốc của những chiếc áo Cà sa”; “Vương quốc của ngàn ngàn ngôi chùa”.  

 Hiếm có đất nước nào trên thế giới mà hiến pháp lại quy định vua phải là Phật tử như ở Thái Lan. Tại đất nước này, Phật giáo đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng người dân và tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ Phật giáo đó là phong tục tang ma của người Thái Lan. 

Trong cuộc đời của mỗi người dân Thái Lan, ngay từ khi chào đời đến lúc rời cõi, họ vẫn luôn gắn bó và chịu ảnh hưởng đậm nét bởi tinh thần Phật giáo. Điều này thể hiện ngay trong quan niệm giao đứa trẻ cho nhà sư nuôi trong một giai đoạn nào đó và khi sinh con, cha mẹ thường thỉnh y các vị sư đặt tên cho con mình, vì họ tin rằng tên được chọn từ các thầy tu sẽ vừa đẹp về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa.

Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, chúng phải trải qua Lễ Thọ giới. Đây là nghi thức rất quan trọng và bắt buộc đối với mọi thanh niên Thái, kể cả các bậc vua chúa. Thông thường, họ vào chùa tu tập ba tháng, một năm hoặc ba năm, tùy theo sở thích và ước nguyện của mỗi người. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ được dự Lễ Thọ giới này trước khi lập gia đình hoặc khi bắt đầu một nghề nghiệp chính thức. Vì rằng, buổi lễ này sẽ giúp cho người ấy có được một tâm hồn rộng lớn hơn được kèm với giới luật, những lời phát nguyện trong buổi lễ này sẽ khiến cho người ấy phải trân trọng và gìn giữ suốt một đời người.

Khi đến tuổi kết hôn, trong quan niệm của thiếu nữ Thái dù ở giai cấp nào, các cô bao giờ cũng thích kết hôn với các thanh niên đã tu ở chùa ra. Bởi họ tin rằng, chỉ có những người chồng hiểu biết và thực hành giáo lý Đức Phật ít hay nhiều sau này mới có thể xây dựng được hạnh phúc cho gia đình. Và Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong hôn lễ, buổi lễ sẽ giúp cho hai người có một sự kết hợp thiêng liêng trong lễ cưới.

Đến khi mất, lễ tang được xem là nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân Thái. Tang lễ được tổ chức tùy theo phong tục của từng địa phương nhưng phần lớn vẫn được áp dụng theo nghi thức Phật giáo.

  Thông thường, khi một người đã qua đời, sau nghi thức tắm rửa người ta sẽ quấn vải trắng quanh thi thể (trừ tay để người viếng rảy nước thiêng) và để trong nhà suốt ba đêm đầu tiên. Thi hài được nhập tẩm liệm vào buổi chiều và được trang hoàng với nhiều vòng hoa tươi xung quanh quan tài. Ngay đêm đầu tiên, các nhà sư và bạn bè thay phiên nhau tụng kinh cầu siêu ở nhà, đồng thời hàng xóm tới thăm không quên mang theo tiền gạo để đỡ cho gia chủ. Đến buổi chiều ngày thứ hai, các sư lại đến tụng kinh để cầu cho linh hồn sớm siêu thoát.

 Đối với hình thức hoả táng thì vào sáng ngày thứ ba, gia chủ sẽ dựng giàn thiêu. Đến trưa gia đình sẽ mang thức ăn tới chùa dâng sư, sau khi dùng bữa xong các sư sẽ tới tiến hành nghi lễ cuối cùng tại nhà.

 Để hồn khỏi nhớ đường về nhà quấy quả, người Thái có tục đưa quan tài qua cửa sổ hay một lối vừa mở qua vách tường hoặc khênh qua cửa chính nhưng các bậc thang được trải lá chuối để đánh lừa hồn, tránh việc hồn nhớ đường quay về.

 Trong lễ đưa tiễn, các nhà sư là những người dẫn đầu đám tang. Các tiểu đi theo nắm tay vào sợi dây thiêng buộc cáng đặt quan tài. Dàn thiêu ở một khu đất hoang có dáng kim tự tháp ngược. Người ta bổ dừa non lấy nước tưới lên vùng đất gần chỗ đặt quan tài để cầu cho linh hồn được tái sinh nơi mảnh đất màu mỡ, đủ nước sinh hoạt và trồng trọt. Khi tụng kinh, các sư đẩy dần những mảnh vải buộc sẵn vào sợi dây thiêng đặt dưới chân quan tài xuống đất. Phật dạy rằng: Sư phải mặc quần áo may từ vải liệm người chết lấy từ nghĩa địa. Vì vậy, trong đám tang, các  nhà sư thường nhặt vải cùng dây thiêng về, trong đó, vải dùng may quần áo và sợi dây thiêng sẽ được gia công thành bấc nến.

 Trước lúc hoả táng, khi các sư tụng kinh, người ta thường vỗ nhẹ vào quan tài để nhắc hồn hãy chú ý nghe các sư tụng lời Phật dạy. Tụng kinh xong, sư về nhà. Những người tham gia đám tang châm những ngọn lửa nhỏ từ ngọn lửa gần đó và tới đốt giàn thiêu. Khi giàn thiêu bốc lửa, khoảng 10 người ở lại còn tất cả về nhà dự lễ Sankaba do các nhà sư chủ trì. Khi tụng kinh, các sư ngồi quanh bát nước nóng chứa một thứ đậu chưa khô đã dầm nát. Tiếp sau bài sankaba, các sư tụng một đoạn kinh Pali rồi về chùa. Người ở lại thường lấy cành lá nhúng vào bát đó, vẩy khắp nhà, rửa tay, vuốt lên đầu và rửa mặt để tẩy uế.

 Trước đây, sau vài ngày sẽ có một vị sư cùng người nhà thu nhặt hài cốt về và tiến hành một nghi lễ ngắn. Ngày nay, sau lễ hỏa táng, tro cốt của người mất được thu nhặt lại, một ít được đặt vào bình đựng cốt, thờ tại nhà hoặc chùa và phần còn lại được rải xuống biển hay được ném vào trong gió, biểu hiện việc làm lợi ích cho môi trường xung quanh.

 Ngày thứ tư sau khi chết, các nhà sư lại được mời tới nhà tiến hành nghi lễ ban phúc cho gia đình, họ hàng lối xóm cũng mang đồ ăn, cau, thuốc, hương, nến... đến cúng dường trai tăng để hồi hướng công đức siêu độ vong linh.

 Riêng hình thức địa táng chỉ được tiến hành đối với những gia đình quá nghèo không có tiền làm tang ma và những người chết do dịch bệnh, chết bất đắc kì tử và phụ nữ chết lúc đang mang thai vì họ quan niệm đây là những cái chết do ác ma gây ra.

 Với hình thức địa táng thì vào ngày thứ tư các sư không tới nhà tụng kinh nhưng người nhà vẫn phải mang thức ăn tới chùa.

 Mỗi năm đến ngày giỗ của người mất, các sư và bè bạn được mời đến nhà để tụng kinh siêu độ, ban phúc lành lên tro cốt của người mất và trong dịp này những lễ cúng dường cho nhà sư được tổ chức để tạo phước duyên cho người quá cố.

 Có thể thấy rằng, hầu như trong tất cả các công đoạn của một lễ tang của người Thái đều có sự tham gia của các sư, đây là nét đặc biệt trong phong tục văn hoá người Thái, khác với quan niệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có nhà sư tham gia của trong tang lễ của các gia đình theo đạo Phật nhưng tính chất phổ biến và hình thức lại có nhiều điểm khác biệt so với Thái Lan. Có cảm giác như đối với mỗi người dân Thái Lan, Phật giáo đã trở thành một phần máu thịt, không thể tách rời. Vì vậy, nếu ai đó có tham vọng bóc tách rạch ròi giữa Phật giáo và văn hoá ở Thái Lan sẽ rất khó khăn, vì trên đất nước xinh đẹp này Phật giáo là văn hoá và văn hoá là Phật giáo.

                                                               NGUYỄN NGỌC TƯỜNG VY

  

 
Đang trực tuyến: 608
Tổng lượt truy cập: 9841000
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }