Về khách quan , hạn hán làm cho nguồn nước nhiều nơi bị khô cạn hoặc ô nhiễm, các loại côn trùng có điều kiện phát triển và bùng phát bệnh dịch như sốt xuất huyết, sốt rét. Đặc biệt, mối nguy hại dễ lây nhiễm nguồn bệnh từ khâu vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể như salmonella, E.coli, V.cholera. Bacillus cereu, lỵ trực trùng, tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn....
Về chủ quan , việc sử dụng nguồn nước mất vệ sinh, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm và bảo quản thực phẩm, không sử dụng găng tay, khẩu trang bảo vệ cá nhân; ngủ nghỉ không mắc màn...
Những lý do đó tạo cơ hội cho dịch bệnh xảy ra trong HS-SV, nhất là HSSV ở Ký túc xá. Vì vậy, cần nhận biết một số triệu chứng mang các nguồn bệnh sau:
1. Ngộ độc thức ăn:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Cơn đau quặn bụng
- Đại tiện nhiều lần, phân lỏng
- Nhiệt độ có thể bình thường hoặc sốt
Nếu nhiễm tả thì bệnh nhân vừa nôn như nước vo gạo và vừa tiêu chảy liên tục, dễ truỵ tim mạch và tử vong
2. Sốt xuất huyết:
- Sốt liên tục từ 38-40 độ
- Nhức đầu và nhức hốc mắt
- Phát ban khắp cơ thể
- Xét nghiệm máu tiểu cầu giảm...
Khi có những dấu hiệu phát bệnh, tốt nhất các bạn HSSV cần báo sớm với cán bộ y tế Trường để có hướng chữa trị kịp thời, tránh những trường hợp xảy ra đáng tiếc.
Để phòng chống dịch bệnh, ngoài trách nhiệm của y tế trường học, sự phối hợp của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nhà trường, bản thân mỗi HSSV phải ý thức sâu sắc việc tự phòng chống bệnh dịch. Cụ thể:
- Kiểm tra vệ sinh an toàn nguồn nước, thực phẩm bếp ăn tập thể; khử trùng khu vực nội trú, diệt ấu trùng bằng hoá chất; tránh muỗi đốt.
- Trước khi ăn uống phải rửa tay bằng xà phòng, không ăn tiết canh, mắm tôm, lòng lợn, thịt chó, rau sống (ngâm rửa bằng nước muối hoặc thuốc tím trước khi dùng), gỏi cá thịt.
- Ra đường cần có khẩu trang bảo vệ cá nhân....
Vấn đề thời sự hiện nay là mối đe doạ từ nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh cúm A (H1N1), Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cần được mọi người quan tâm, nhất là học sinh – sinh viên. Chúng tôi xin nêu lại 4 dấu hiệu của bệnh dịch để các bạn phòng chống:
1/ Dịch có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc nên có khẩu trang bảo vệ cá nhân.
2/ Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước sát khuẩn.
3/ Nếu có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về, phải khai báo với y tế để cách ly điều trị sớm.
4/ Khi có dịch cần hạn chế ngay việc đi lại, hội họp đông người.
Người xưa cho rằng, “nước xa không cứu được lửa gần”. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào xem nhẹ việc phòng chống dịch bệnh, nơi đó thường gánh lấy những hậu quả khôn lường. Vì thế, phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mỗi người luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ mình và mọi người sẽ là một hạt nhân quan trọng làm nên niềm vui, hạnh phúc cuộc sống.
Nguyễn Văn Đức