A A+
Ngày 9 tháng 11: Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
[ Ngày đăng: 12/11/2013 8:01:57 SA, lượt xem: 2667 ]


Cách đây 67 năm, ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã trở thành lịch sử, ngày đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam - đây chính là ngày mà Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người, sau 66 năm, ngày 09 tháng 11 lại được khẳng định giá trị, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến và sự tham mưu của ngành Tư pháp về Ngày Pháp luật Việt Nam - ngày 09 tháng 11.

 

  Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến Giáo dục Pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến Giáo dục Pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Ngày 04 tháng 04 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó “Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là “Ngày Pháp luật”) được tổ chức hằng năm vào ngày 09 tháng 11. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức “Ngày Pháp luật” của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật”. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức “Ngày Pháp luật” cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

 Với ý nghĩa và tầm quan trọng của “Ngày Pháp luật”, ngày 25 tháng 09 năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rất nhiều hình thức thực hiện như: Tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về “Ngày Pháp luật” trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Năm An toàn giao thông”, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận pháp luật ở cơ sở…

 Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, “Ngày Pháp luật” trong các cơ quan Nhà nước được thực hiện theo kế hoạch của mỗi đơn vị. Cụ thể, hàng tháng các đơn vị quy định một ngày, một thời gian nhất định trong ngày hoặc lồng ghép vào các chương trình khác của cơ quan, đơn vị mình một cách hợp lý và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, nhân viên của đơn vị được học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật. Trong học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật, các đơn vị chú trọng đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực do ngành được giao quản lý, chú ý đến các văn bản pháp luật có tác động nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, được nhiều người quan tâm như: Đất đai, hôn nhân - gia đình, lao động - thương binh - xã hội, tài nguyên môi trường; giao thông, xây dựng...

Chủ đề thực hiện Ngày Pháp luật năm nay là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với các khẩu hiệu:

- “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”;

- “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”;

- “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”;

- “Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân”;

- “Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân”;

- “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật”;

Theo đó, mỗi bộ, ngành, địa phương phải quán triệt đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu về Ngày Pháp luật quy định trong Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Việc triển khai Ngày Pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành pháp luật của bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Thời gian triển khai Ngày Pháp luật được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 04/11/2013 đến ngày 10/11/2013 và tổ chức cao điểm vào ngày 09/11/2013 (thứ Bảy).

Trong tuần lễ này, các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; phổ biến, giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những đạo luật có liên quan đến mọi cá nhân, tổ chức được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 như Luật đất đai (sửa đổi), Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi)…; phổ biến và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành. Ở mỗi địa phương phải phổ biến,thông tin về pháp luật và thi hành pháp luật trong những lĩnh vực đang được nhân dân tại địa bàn quan tâm như: Biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… qua đó, giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật. Cũng trong tuần lễ này cần nêu gương, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Các bộ, ngành, địa phương tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mình để triển khai Ngày Pháp luật bảo đảm hiệu quả. Riêng trong ngày 09/11/2013 tập trung thực hiện một trong các hình thức như: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức hội nghị, hội thảo về Ngày Pháp luật và các nội dung liên quan tới chủ đề Ngày Pháp luật.

 

Tuyên truyền Ngày Pháp luật trong trường học

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của toàn ngành Giáo dục về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật. Đây cũng là dịp để các đơn vị trường học tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PB-GDPL) và thực thi pháp luật.

Theo đó, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều biện pháp triển khai các quy định của Ngày Pháp luật theo quy định của Luật PB-GDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các văn bản có liên quan khác. Trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan thiết thực đến hoạt động của ngành (như Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Viên chức… Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học theo từng cấp học và các quy định có liên quan do Bộ GD-ĐT ban hành.

Ngoài đẩy mạnh triển khai các văn bản pháp luật, Bộ GD-ĐT còn đưa ra các khẩu hiệu tuyên truyền như: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân; Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân; Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật.

Việc triển khai, thực hiện Ngày Pháp luật được thực hiện đồng bộ gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật được triển khai dưới các hình thức hội nghị, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung PB-GDPL với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời tuyên truyền, cổ động trực quan bằng hình thức treo băng-rôn, áp-phích tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học theo chủ đề, khẩu hiệu tuyên về Ngày Pháp luật. Tùy tình hình thực tế, các đơn vị trường học có thể triển khai Ngày Pháp luật thông qua các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật để có thể quán triệt đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu về Ngày Pháp luật theo quy định tại Luật PB-GDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để Ngày Pháp luật có sức lan tỏa lớn và trở thành ngày hội pháp lý của toàn ngành, toàn dân, nhiều cơ quan, đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh tùy theo điều kiện riêng đã đưa pháp luật vào giảng đường, lớp học qua các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước . Đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi). Do đó, việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013 thật sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, viên chức và nhân dân trong thực hành Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

                                                                                Nguyễn Thị Thùy Trang

 

 

 

 
Đang trực tuyến: 50
Tổng lượt truy cập: 8825327
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }