A A+
NGÀY NHÀ GIÁO LÀO
[ Ngày đăng: 12/10/2012 12:33:11 SA, lượt xem: 4922 ]

1. Nguồn gốc ngày nhà giáo Lào

Vào thế kỷ thứ XIV, nước Lào dưới thời vua Phạ Ngùm chưa có trường học. Sau khi đế quốc Pháp chiếm đóng Lào vào năm 1893, Pháp đã xây dựng các trường học công giáo, người dân chỉ có thể đi học ở các trường này. Hai trường công lập đầu tiên của Lào được xây dựng ở Luang Pha Bang và Viên Chăn. Phải học theo chương trình của Pháp, nói tiếng Pháp không được nói tiếng Lào. Người học đa số là con của cán bộ và tay sai Pháp, trong đó có một người Lào yêu nước tên là Khăm được học xong cấp 1. Năm 1907, thầy Khăm được đào tạo về phương pháp dạy học và là người đầu tiên trong lịch sử nước Lào được đào tạo trở thành giáo viên.

Ngày 07/10/1907, thầy Khăm chính thức được công nhận là giáo viên. Với tinh thần yêu nước sâu sắc, ông là người dẫn đầu phong trào yêu nước, chống thực dân. Ông bí mật dạy tiếng Lào cho học sinh trong trường, giáo dục lòng yêu nước và vận động học sinh tham gia phong trào chống thực dân.

Tháng 11/1920, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào tại Viên Chăn thất bại, thầy Khăm bị Pháp bắt. Sau đó ông đã vượt ngục thành công, vượt sông MêKkong tạm thời đến Thái Lan lánh nạn và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đã hy sinh vào năm 1949.

Cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của thầy Khăm đã gắn bó với quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong mọi giai đoạn khó khăn nhất của đất nước Lào. Ông là tấm gương nhà giáo yêu nước, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và phong trào giải phóng dân tộc. Để ghi nhận công lao đó cũng như nêu tấm gương sáng cho các thế hệ giáo viên Lào, năm 1994, nước Lào đã chọn ngày 07/10 là Ngày nhà giáo của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

2. Các hoạt động thường tổ chức trong ngày Nhà giáo Lào.

Vào ngày 7 tháng 10 hàng năm, các trường học tập trung học sinh - sinh viên cùng các thầy cô giáo để tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo. Trong lễ kỷ niệm, người ta đọc lý lịch của thầy Khăm, quá trình giảng dạy và hoạt động cách mạng của thầy. Đọc bài chúc mừng các giáo viên và nói đến tình yêu nước, yêu nghề nghiệp của người giáo viên. Sau đó các học sinh - sinh viên mời các thầy cô giáo lên đón nhận những bó hoa tươi thắm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao dạy dỗ của các thầy cô. Kết thúc buổi lễ sẽ là buổi liên hoan thân mật tại trường. Cũng trong ngày này, để tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo, các học sinh cũ thường gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy cô giáo của mình bằng tin nhắn hoặc những món quà nhỏ đầy ý nghĩa.

3. Ý nghĩa của ngày Nhà giáo đối với học sinh - sinh viên và các thầy cô giáo Lào.

Ngày Nhà giáo Lào có ý nghĩa rất lớn đối với các học sinh - sinh viên Lào, đây là dịp để các em bày tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo. Các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo cũng góp phần giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân Lào.

Cũng trong dịp này, các thầy cô giáo có dịp ôn lại lịch sử của ngành giáo dục, hun đúc lòng yêu nghề và tự hào nghề nghiệp, noi theo tấm gương nhà giáo anh hùng Khăm. Noi gương Thầy, các thế hệ nhà giáo và học sinh Lào nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để dạy tốt - học tốt.

Nguyễn Thị Thanh Nga

(Trung tâm NCVHTV Sông Mê Kông)

 

 
Đang trực tuyến: 749
Tổng lượt truy cập: 7592183
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }