A A+
Nguyên lý Giáo dục gắn với thực tiễn theo quan diểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
[ Ngày đăng: 11/11/2013 7:18:42 SA, lượt xem: 8582 ]

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc, tư tưởng của Người trong đó có giáo dục đã trở thành kim chỉ nam cho quan điểm hành động. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục được thể hiện trên nhiều bình diện. Trong đó nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn được Bác đề cập trong nhiều bài nói, bài viết của Người.

 

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, giáo dục là con đường quan trọng để hình thành nhân cách của cá nhân, đồng thời thực tiễn là môi trường để kiểm nghiệm nhân cách. Trong bài thơ Nửa đêm, Người viết:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Bài thơ thể hiện quan điểm duy vật biện chứng về nhân cách. Nhân cách ở đây theo Người là “Hiền” - “Dữ” và chỉ thể hiện trong trạng thái động - “tỉnh dậy”, còn ở trạng thái tỉnh - “ngủ” mọi người dường như đều thuần hậu, lương thiện. Thực tế nhân cách chỉ được thể hiện qua cách ứng xử giữa con người đối với con người, cũng như đối với sự việc trong cuộc sống, để đánh giá nhân cách một con người cần phải thông qua hành vi của của họ trong hoạt động thực tiễn. Bên cạnh đó, Người cho rằng nhân cách không phải là thứ có sẵn mà được hình thành qua con đường quan trọng đó là giáo dục “Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Việc hình thành và phát triển nhân cách theo Hồ Chí Minh cần kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn, được đặt trong mối quan hệ “Học và Hành”, “Hành” chính là mục đích của “Học”. Ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (hiện nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi:

“Học để làm việc

              làm người

              làm cán bộ

Học để phụng sự đoàn thể

                            giai cấp và nhân dân

                            Tổ quốc và nhân loại

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6/5/1950, Người đã luận giải mục đích việc học cũng như mối quan hệ biện chứng giữa “Học” và “Hành”:

“Học để làm gì?

...

Học để hành

Học với hành phải đi đôi

Học mà không hành thì học vô ích

Hành mà không học thì hành không trôi chảy”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục,  không tuyệt đối hóa một hình thức giáo dục nào,  Người khẳng định: "Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn"

Theo Người, một người được xem có tri thức khi bản thân họ biết áp dụng có hiệu quả những tri thức của mình vào thực tế.

Người nêu lên công thức Tri thức hoàn toàn = Tri thức sách vở + Áp dụng thực tế. “Một người học xong đại học có thể gọi là có tri thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa. Tri thức của y là học sách chưa phải tri thức hoàn toàn. Y muốn thành người tri thức hoàn toàn thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế”

Nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn được còn được Người khẳng định khi nói về phương châm giáo dục nhà trường, Người nhấn mạnh việc tổ chức học tập cần kết hợp với lao động, lý thuyết gắn với thực hành. Khi đến thăm trường Chu Văn An vào ngày 31/12/1958, Người đã nêu lên luận đề về nhà trường xã hội chủ nghĩa như sau:

“Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa...

Nhà trường xã hội là nhà trường:

- Học đi với lao động

- Lý luận đi với thực hành

- Cần cù đi với tiết kiệm”

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo giáo dục phải tích cực phục vụ hoạt động kinh tế, làm cho hai lĩnh vực này liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngày 23/3/1958, trong bài nói tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Người chỉ thị: “Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế, giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế... Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển...”

Nhấn mạnh vai trò của thực tiễn trong giáo dục, song Người nhắc nhở phải coi trọng học tập lý luận, coi “lý luận là kim chỉ nam” để thực hiện tiến hành công việc thực tế. Người luôn luôn yêu cầu nhà trường phải coi mục tiêu chính là giáo dục.

Ngày 17/8/1962, khi đến thăm trường Thanh niên lao động XHCN, Người đã dặn cán bộ quản lý giáo dục phải phát triển loại trường vừa học vừa làm. Người nói nhà trường này là “Trường nông”, chớ biến thành “Nông trường” để kinh doanh.

Nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn được Người đúc kết qua quá trình hoạt động cách mạng, từ tuổi thiếu niên Người đã thấm nhuần tư tưởng giáo dục gắn với lao động của các sĩ phu yêu nước thế kỉ XIX, theo Nguyễn Tư Giản thì: “Nhà trường không phải dạy cho người ta hư văn mà phải cung cấp cái học hữu dụng, phải vừa học vừa biết làm ruộng. Đó là cách kết hợp Tri và Hành”.

Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Học là gì? Học tức là học cái chưa biết để mà biết để mà làm việc. Làm việc gì, làm ở đâu? Làm tức là làm công việc trong nước hiện nay và để việc làm hữu dụng đó cho đời sau mãi mãi.”

Sau này trong quá trình hoạt động ở Châu Âu, Châu Mỹ, Người tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhiều triết gia,... và đặc biệt là Người đã nghiên cứu các tác phẩm của Mác và Lênin về vấn đề giáo dục và lao động, giáo dục kĩ thuật tổng hợp trong nhà trường. Tuy vậy, minh chứng cơ bản nhất về nguồn gốc nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự trải nghiệm từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Nhân loại đã và đang bước vào thế kỷ XXI, lịch sử phát triển nhân loại đã chứng minh những quốc gia có nền kinh tế phát triển là những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Năm 1996, Jacque Delors - Chủ tịch Uỷ ban quốc tế về giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO đã nêu lên 4 mục tiêu giáo dục của thế kỉ XXI đó là: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để cùng chung sống (Learning together), Học để tồn tại (Learning to be). Chúng ta có quyền tự hào khi đối sánh những mục tiêu đó với nguyên lý giáo dục gắn với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng giáo dục gắn với thực tiễn mà Người đã nêu lên cách đây hơn nửa thế kỉ là triết lý giáo dục vượt thời đại có giá trị không chỉ hôm nay mà cả mai sau.

 

Trần Hải

 

* Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H,2001

2. Đặng Quốc Bảo (tổng thuật). Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà giáo dục vĩ đại của nhân dân ta, thời đại ta.

 
Đang trực tuyến: 1193
Tổng lượt truy cập: 8822481
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }