Trên hành trình dọc theo xứ sở hình chữ S, trước hết chúng ta hãy ghé thăm Thủ đô Hà Nội, nơi có rất nhiều tượng đài mang tên Người. Trong đó, đáng chú ý nhất là công trình Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội, được khánh thành vào ngày 3/10/2011, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chúng ta hãy tiếp tục hành trình đến với xứ Nghệ - quê hương của Người để chiêm ngưỡng Công trình Tượng đài Hồ Chí Minh với dáng vẻ ung dung tự tại được đặt ở vị trí trang trọng ở phía Tây - Nam của Quảng trường Hồ Chí Minh.
Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt, tình cảm đó còn quý hơn chiêng, đẹp hơn cả hoa ê pang; và tình cảm của đồng bào đối với Bok Hồ cũng thật sâu sắc:
Người Êđê chưa gặp mặt Bác Hồ
Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ
Vì vậy, với mong muốn Bác luôn hiện hữu trên mảnh đất Tây Nguyên, ngày 9/12/2012, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với các dân tộc Tây Nguyên. Tượng đài được làm bằng đồng lớn nhất Việt Nam chiều cao 10,8m, nặng 16 tấn, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh trong tư thế đứng, đang giao tiếp với đồng bào Tây Nguyên.
Với trăn trở rằng mình là người “đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”, trong những ngày nằm trên giường bệnh, Bác vẫn luôn hướng về đồng bào Miền Nam ruột thịt: Ngày miền Nam còn chưa được giải phóng là ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên, miền Nam luôn trong trái tim tôi. Đáp lại tình cảm của Người, đồng bào miền Nam luôn hướng về Người như một vị lãnh tụ vô cùng tôn kính. Rất nhiều Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đựng lên trên thành phố mang tên Người.
Tượng đài “Bác Hồ với thiếu nhi” trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Tạm chia tay mảnh đất hình chữ S, chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình với nước Nga để thăm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tại Matxcơva. Tượng đài này được khởi công xây dựng từ cuối năm 1969, sau khi Người tạ thế. 40 năm kể từ khi Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường mang tên Người được khởi công, giờ đây sự hiện hữu của công trình tưởng niệm Người lớn nhất và sớm nhất ở nước ngoài này đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam đối với vi Lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Tượng đài Hồ Chủ tịch.
Không chỉ ở nước Nga, tại 2 thủ đô La Habana và Caracas của Cuba và Venezuelađều có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở thủ đô La Habana tượng bán thân của Bác được đặt trên một trụ đá hoa cương cao trong công viên mang tên Hòa Bình. Đại sứ quán Việt Nam cũng như phía bạn luôn chăm chút cho khuôn viên một màu xanh mà ở đó có tre, có trúc, có những loài cây của Việt Nam và cả một đài hoa có hình ngôi sao vàng trên nền đỏ. Ở Caracas tượng bán thân của Bác cũng được đặt trang trọng trên bệ đá cao 2 mét cùng một cột cờ có lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đại lộ Simon Bolivar - một đại lộ lớn nhất nhì của thủ đô Caracas. Điều đặc biệt là ở đây chỉ có 11 bức tượng cùng 11 lá quốc kỳ như thế trong đó có những người anh hùng của Mỹ - Latin và cả tượng của mục sư Martin Luther King nhưng duy nhất có một danh nhân châu Á là Hồ Chí Minh.
Thật khó để chỉ bằng vài dòng ngắn ngủi có thể kể hết những tượng đài mang tên Người, bởi bằng chính những hoạt động trong suốt cuộc đời của mình, Người đã đặt nền móng vững chắc cho những bức tượng đài sừng sững trong lòng mỗi người dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới - bức tượng đài mang tên vị Lãnh tụ kính yêu – vị cha già của dân tộc Việt Nam – danh nhân văn hóa thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trịnh Ngọc Tường Vy