Chiều ngày 25/12, UBND tỉnh làm việc với Đại học Huế để xây dựng đề án thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Huế tại Quảng Trị trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị và Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương chủ trì buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị Đại học Huế rà soát xem các ngành hiện đang đào tạo của nhà trường có trùng với các ngành dự kiến triển khai đào tạo tại Quảng Trị
để thu hút sinh viên đến học - Ảnh: NV
Lãnh đạo Đại học Huế cho biết, ngày 3/5/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Đây cũng là cơ sở đào tạo đại học duy nhất tại Quảng Trị cho đến nay.
Việc sáp nhập Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nhằm tập trung nguồn lực cho việc thành lập trường đại học tại Quảng Trị, phù hợp với chủ trương, định hướng nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thành trường đại học đã được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010- 2020.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập hai đơn vị để thành lập trường đại học tại Quảng Trị phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Chính phủ dự thảo để ban hành cũng như phù hợp với định hướng phát triển của Đại học Huế và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Sau khi sáp nhập sẽ đặt tên là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Huế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo đề án (dự thảo lần 1) của Đại học Huế rất công phu cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của Đại học Huế cũng như nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Trị.
Tuy vậy, để đảm bảo các điều kiện cần và đủ, Đại học Huế cần tiến hành thêm một số công việc như rà soát xem các ngành hiện đang đào tạo của Đại học Huế có trùng với các ngành Đại học Huế dự kiến triển khai đào tạo tại Quảng Trị để thu hút sinh viên đến học, đồng thời quan tâm đến công tác tuyển sinh đào tạo cho các tỉnh nước bạn Lào.
Mặt khác, cần tính toán đến khai thác cơ chế sử dụng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất dùng chung của Đại học Huế để đảm bảo các điều kiện dạy và học ở trường đại học tại Quảng Trị.
Về bố cục của đề án cần có 4 phần gồm sự cần thiết phải thành lập trường; mục tiêu đào tạo và các điều kiện đảm bảo hoạt động của trường; kế hoạch đào tạo cũng như trách nhiệm của tỉnh Quảng Trị và Đại học Huế; hiệu quả kinh tế, xã hội, đồng thời xác định cụ thể việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước như thế nào cho hiệu quả...
Sau cuộc họp này, các sở, ngành và đơn vị liên quan cần có ý kiến chính thức bằng văn bản để việc xây dựng dự thảo đề án lần thứ hai đầy đủ đảm bảo các yếu tố về thực tiễn và pháp lý sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Theo Nguyễn Vinh - baoquangtri.vn