Nhiều rào cản trong phát triển chương trình giáo dục phổ thông
[ Ngày đăng: 27/10/2021 09:44:38, lượt xem: 1734 ]

Phát triển chương trình giáo dục nhằm tạo cơ hội cho các trường phổ thông phát huy sức sáng tạo của giáo viên, khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, nội dung giáo dục; tạo nên những giá trị và bản sắc đặc thù của mỗi nhà trường.

 Phát triển chương trình giáo dục là yêu cầu bắt buộc

Một trong những quan điểm của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời, trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Trên cơ sở đó, lần đầu tiên yêu cầu phát triển chương trình giáo dục được đưa vào trong chương trình phổ thông tổng thể, đây là định hướng tạo luồng gió mới trong tiếp cận chương trình giáo dục đối với nhà trường phổ thông.

Sách giáo khoa bậc phổ thông được thiết kế, biên soạn theo từng chủ đề, theo mạch kiến thức đòi hỏi mỗi nhà trường phải nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm kinh tế xã hội địa phương, đặc điểm của học sinh tại trường để xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, phù hợp với đối tượng.

Mục tiêu của phát triển chương trình giáo dục nhằm hiện thực hóa mục tiêu giáo dục một cách hiệu quả nhất, đồng thời khẳng định bản chất hoạt động dạy học của người thầy đó là tính sáng tạo, định hướng, dẫn dắt và tính chủ động, tích cực, độc lập, hứng thú trong hoạt động của trò - chủ thể thực sự của hoạt động học tập.

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc dạy học phát triển năng lực cho học sinh

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo cách tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Vì vậy, sự chủ động trong việc phát triển chương trình giáo dục đối với mỗi nhà trường sẽ tạo ra sự mềm dẻo, linh hoạt, cho phép các trường phổ thông thiết kế chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh mình, cũng như phù hợp với các phong cách học khác nhau của học sinh, đặc điểm văn hóa vùng miền, những thay đổi trong điều kiện kinh tế - xã hội và phù hợp với những yêu cầu, kì vọng của cộng đồng địa phương.

Từ đó, chương trình dạy học sẽ kiến tạo cho người học những kỹ năng cần có trong thế kỷ 21 như: kĩ năng tự chủ, tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác và giao tiếp.

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và đến năm học 2024 - 2025 sẽ thực hiện đồng bộ các lớp cả ba cấp học học (tiểu học, THCS, THPT).

Tuy vậy, việc chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu phát triển chương trình giáo dục để phù hợp với từng nhà trường đã làm thay đổi vai trò của giáo viên.

Trước đây, trong một thời gian dài, chương trình giáo dục được xây dựng gắn liền với một bộ sách giáo khoa với các bài học, tiết học được quy định một cách chi tiết.

Đội ngũ giáo viên phổ thông thực hiện nhiệm vụ của mình dựa vào chương trình và sách giáo khoa bậc phổ thông tất cả các khâu trong kế hoạch dạy học, bao gồm: Xác định chuẩn kiến thức, kĩ năng cần hình thành cho học sinh, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức, phương tiện kĩ thuật dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập,… đã tạo nên tâm lý thụ động đối với đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, theo cách tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên được khẳng định là nhà giáo dục trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Giáo viên được chủ động thiết kế kế hoạch dạy học theo từng chủ đề và mạch kiến thức trong sách giáo khoa để phù hợp với đối tượng dạy học.

Sự dịch chuyển vai trò của giáo viên từ người dạy sang người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển trong quá trình dạy học và đặc biệt là yêu cầu thiết kế lại kế hoạch giáo dục dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông đã tạo ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay.

Đa phần đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được bồi dưỡng về kiến thức, phương pháp, kĩ năng về phát triển chương trình giáo dục nhà trường cũng như thiết kế lại kế hoạch giáo dục đối với từng lớp học, môn học hay bài học. Vì vậy, họ sẽ lúng túng cũng như không thống nhất trong quá trình triển khai phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Mặt khác, mặc dù phát triển chương trình giáo dục nhà trường không phải là một mô hình mới trong giáo dục, tuy nhiên để phát triển chương trình giáo dục một cấp học, lớp học, môn học, hay từng chủ đề đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có nền tảng vững chắc về khoa học liên ngành.

Ngoài kiến thức về khoa học cơ bản theo yêu cầu của môn học, giáo viên còn phải nắm chắc về tâm lý học, giáo dục học, xã hội học, đặc biệt là phải am hiểu sâu sắc cơ sở khoa học khi thực hiện các bước trong quy trình phát triển dạy học môn học.

Bên cạnh đó, để phát triển chương trình giáo dục có hiệu quả, đội ngũ giáo viên phổ thông cần có “khoảng không gian tác nghiệp”, đó là các nguyên tắc và đặc biệt là quy định vai trò của giáo viên trong phát triển chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn thiết kế hoạch hoạch giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn trên bình diện định hướng trong việc quản lý - tổ chức thực hiện.

Tuy vậy, dư luận cho rằng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn thiết kế của Bộ còn quá nặng đối với giáo viên và tính khả thi không cao.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý trường phổ thông hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực tế về xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển chương trình giáo dục phổ thông có hiệu quả. Mặc dù vậy, ở những vùng miền khó khăn, cơ sở vật chất nhà trường phổ thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Sĩ số học sinh trên lớp học còn quá đông ở một số tỉnh, thành phố cũng gây ra những cản trở trong việc phát triển chương trình giáo dục trường phổ thông.

Phát triển chương trình giáo dục sẽ tạo ra sự chủ động cho nhà trường phổ thông trong việc khẳng định chất lượng giáo dục đối với cộng đồng địa phương, cũng như việc thực hiện sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và xây dựng thương hiệu nhà trường.

Trước mắt, các cơ quan quản lý giáo dục và đặc biệt là các trường phổ thông cần có kế hoạch để khắc phục những rào cản để hướng đến xây dựng một nhà trường sáng tạo theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

TRẦN HẢI - HOÀNG ANH TUẤN

                                                                                                                                                                                                                 (Bài viết đăng trên Báo Lao Động ngày 24/10/2021)

Đính kèm:
 

Tin nổi bật

Hình Ảnh

Thống kê

Lượt truy cập:9951568
Đang online:455

Video

Liên kết