Thứ nhất, về cụm thi: Quy chế quy định có 2 loại cụm thi. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, tổ chức thi cho thí sinh ít nhất 2 tỉnh gần nhau, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT.
Đối với cụm thi này, học sinh sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước, cụ thể, di chuyển sang tỉnh lân cận với khoảng cách gần hơn khi đi thi.
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tùy theo số lượng thí sinh đăng kí, có thể tổ chức cho liên trường THPT, trung tâm GDTX của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Đối với cụm thi này, các em có thể thi tại trường mình hoặc thi tại các cụm thi liên trường lân cận đó sao cho các em không phải đi thi quá xa.
Thứ 2, về môn thi: Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại gồm Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học.
Điều này tạo thuận lợi cho thí sinh là được chọn môn thi thứ tư phù hợp với năng lực của mình.
Thứ 3, điểm xét tốt nghiệp: Gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12.
Việc cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 với trọng số 50% cũng tạo thuận lợi cho thí sinh vì kết quả thi cũng dựa vào việc đánh giá cả quá trình học, qua đó hạn chế yếu tố may rủi khi làm bài thi.
Thứ 4, giữ nguyên thang điểm 10: Đây cũng là việc rất hợp lý, tránh tạo tâm lý xáo trộn cho cả học sinh và người tổ chức thi.
Thứ 5, cho phép thí sinh được mang Atlas Địa lý vào phòng thi: Quy chế cho phép thí sinh được mang Atlas vào phòng thi khi làm bài thi môn Địa lý, đây là điểm thuận lợi cho thí sinh, phù hợp với việc dạy học môn Địa lý ở trường trong thời gian qua và qua đó cũng giúp cho học sinh rèn luyện năng lực tư duy, hạn chế học thuộc lòng các kiến thức.
Thứ 6, miễn thi Ngoại ngữ: Việc miễn thi Ngoại ngữ với những thí sinh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT có thể tạo động lực, khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.
Riêng các trường hợp học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn và đây cũng là điểm thuận lợi cho thí sinh.
Thứ 7, bảo lưu điểm: Cũng theo quy chế, thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, áp dụng cho cả thí sinh giáo dục THPT, chứ không phải chỉ cho thí sinh hệ GDTX như trước đây và đây cũng là điểm mới, sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh.
Thứ 8, giấy chứng nhận kết quả thi: Thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để dùng cho xét tuyển.
Khi xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thứ nhất để đăng ký.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng kí xét tuyển để nộp vào trường khác. Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Như vậy cơ hội đỗ vào ĐH, CĐ của thí sinh tăng lên.
Ngoài ra một điểm mới so với trước đây là khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia rồi các em mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ĐH, CĐ, các em sẽ có cơ sở để lựa chọn trường phù hợp hơn.
Thứ 9, thời gian tổ chức thi: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7/2015, muộn hơn các năm trước 1 tháng, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho học sinh có thêm thời gian ôn tập, chuẩn bị tốt hơn cho kì thi.
TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng: Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành nằm trong lộ trình đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện về GD&ĐT.
Có thể nói rằng quy chế này là sự kế thừa những ưu điểm của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ trong những năm qua.
Quy chế này có nhiều điểm mới, hướng tới việc tạo nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Huấn cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn sớm và cụ thể hơn những điểm mà quy chế chưa nói rõ để chất lượng kỳ thi đảm bảo và các địa phương thuận lợi hơn trong tổ chức kì thi.
Cụ thể như: Việc phân bố các cụm thi, điểm thi, ngày thi, điều kiện thi thay thế môn ngoại ngữ, cấu trúc đề thi như thế nào để đáp ứng 2 mục tiêu là vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ….
“Việc thu gọn 2 kì thi thành 1 kì thi quốc gia chung giúp tiết kiệm đáng kể về chi phí và thời gian, tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc lựa chọn các trường ĐH, CĐ. Có thể nói, quy chế thi mới hướng tới việc bảo đảm sự thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh” - TS Nguyễn Văn Huấn khẳng định.