Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: 'Thí sinh mệt nhưng ít rủi ro'
[ Ngày đăng: 16/08/2015 22:15:43, lượt xem: 1147 ]

"Để xét tuyển vào đại học năm nay, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn, tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói.

 

 

Trả lời trực tuyến ngày 14/8 về công tác thi và tuyển sinh năm 2015, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chia sẻ với thí sinh và phụ huynh những lo lắng, vất vả trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1 những ngày qua.

Ông giải thích, cách tuyển sinh của năm nay khác với các năm trước. Như cách cũ, học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các học sinh khác, nên tỷ lệ may rủi rất lớn. Năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

"Như vậy, các cháu có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ", Bộ trưởng nói và khẳng định đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho học sinh chủ động tự cân nhắc.

635953-27-5-448-2013-20-44-28-1863-5401-

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn, tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học. Theo Bộ trưởng, qua việc này, học sinh sẽ nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, trưởng thành hơn.

Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định của Bộ. Ngoài ra, các nhà trường cũng tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường.

Học sinh nếu không muốn tăng thêm cơ hội bằng cách theo dõi diễn biến hồ sơ nộp vào các trường đại học, có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Như vậy, Bộ Giáo dục chỉ cho thí sinh thêm các cơ hội, còn quyền lựa chọn là của thí sinh.

Ông Luận nhấn mạnh, Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình.

"Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh Bộ tạo mọi điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định sử dụng cơ hội đó hay không. Để tận dụng lợi thế đó, các cháu sẽ phải vất vả hơn", ông Luận nói.

Về việc ứng dụng Công nghệ thông tin - truyền thông trong giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng nhận định đó là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng thành công với hiệu quả cao ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng Công nghệ thông tin - truyền thông của các đại học, cao đẳng không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin - truyền thông còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.

Bộ Giáo dục khuyến khích các trường có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng để giảm bớt vất vả cho thí sinh. Thực tế, hiện nay có nhiều trường sử dụng hình thức này.

Hoàng Thuỳ

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-truong-pham-vu-luan-thi-sinh-met-nhung-it-rui-ro-3264090.html