Cải cách tiền tệ của Hồ Quý Ly - được và mất
[ Ngày đăng: 13/06/2012 9:58:05 SA, lượt xem: 10941 ]

 Hồ Quý Ly tự là Thánh Nguyên, cháu 16 đời của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, vốn gốc thuộc tộc Việt ở Chiết Giang, phương Nam Trung Quốc. Vào đời Hậu Hán (thời Ngũ Quý), Hồ Hưng Dật sang làm Thái thú Diễn Châu, sau định cư ở hương Bào Đột (Nghĩa Đàn, Nghệ An).

 

Nhà Hồ được thiết lập trong bối cảnh đất nước đầy biến động: Triều Trần sau hơn một thế kỉ tồn tại đã trở nên suy yếu, vua quan chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến đời sống của nhân dân, không thực hiện chức năng của nhà nước. Họ dường như đã quên mất lời dặn của Trần Hưng Đạo là: Phải biết khoan thư sức dân, lấy đó làm kế sâu rễ bền gốc, đó mới là thượng sách giữ nước [4], mặc cho bên ngoài nhà Minh đang nhòm ngó và tìm cách xâm lăng nước ta. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly - một viên quan có tư tưởng tiến bộ đã tìm mọi cách phục hưng đất nước. Với vị thế của một quan đại thần có quan hệ thân tộc (con rể vua Trần Minh Tông, cháu của hai người cô là mẹ của hai vua Trần) sau nhiều năm củng cố lực lượng, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần và lên ngôi hoàng đế, mở đầu triều đại nhà Hồ trong lịch sử trung đại Việt Nam.

 Trong khoảng thời gian nắm quyền, Hồ Quý Ly đã từng bước tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa - xã hội. Một trong những nội dung cải cách được chú trọng và được tiến hành khá sớm là cải cách trên lĩnh vực tiền tệ.  

Lịch sử tiền tệ của chế độ phong kiến Việt Nam trước Hồ Quý Ly là lịch sử tiếp thu có chọn lọc tinh hoa chế tác đồng tiền kim loại hình tròn - lỗ vuông của Trung Quốc vốn đã có ảnh hưởng khá sâu đậm đến nước ta qua hàng ngàn năm Bắc thuộc. Khác chăng là các ông vua Việt đã lấy biểu trưng niên hiệu hoặc tên triều đại của mình để đặt tên cho đồng tiền qua mỗi lần phát hành thay vì dùng tên tiền Trung Quốc cùng thời. Đây là một minh chứng để chứng tỏ tính độc lập của vương triều phong kiến Việt thông qua tiền tệ.

Thế nhưng, vào năm 1396 (dưới triều vua Trần Thuận Tông), Hồ Quý Ly đã nhân danh nhà Trần cho phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” thay cho tiền đồng. Đây là một việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phong kiến Việt Nam trước đó.

Những quy định về thể thức tiền “Thông bảo hội sao” thực hiện theo đề nghị của Thiếu bảo Vương Nhữ Chu [4]. Sắc dụ quy định thể thức các đơn vị tiền giấy như sau: Tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Về hình thức có thể cho rằng “Thông bảo hội sao” là cách phỏng theo “Quan Giao tử” hoặc “Giao sao” của Trung Quốc nhưng về quan niệm tiền tệ thì Hồ Quý Ly đã xem ‘Thông bảo hội sao” là đồng tiền chính thức. Nếu như dưới thời Trần, tiền đồng đều gắn với niên hiệu vua như: Nguyên Phong thông bảo dưới triều vua Trần Thái Tông hay Thiệu Phong bình bảo, Thiệu Phong nguyên bảo, Đại Trị thông bảo đều do vua Trần Dụ Tông phát hành thì với cải cách của Hồ Quý Ly, tiền giấy phát hành không ghi niên hiệu vua. Đây được xem là một phép thử ngoại lệ trong tiền tệ Việt Nam, khai tử niên hiệu của triều Trần, chuẩn bị cho một triều đại mới.

 Việc quyết định phát hành tiền giấy có lẽ xuất phát từ nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đồng khan hiếm và rất cần thiết. Nếu duy trì việc đúc tiền đồng trong hoàn cảnh việc rèn đúc vũ khí để bảo vệ đất nước (đặc biệt là đúc súng thần công của Hồ Nguyên Trừng) cần có một nguồn nguyên liệu đồng rất lớn thì đây quả là một thách thức không nhỏ. Và trong bối cảnh nước ta đang đứng trước nguy cơ bị nhà Minh (Trung Quốc) đe dọa xâm lược thì Hồ Quý Ly phải đứng trước hai lựa chọn hoặc đúc tiền, hoặc đúc súng. Và ông đã lựa chọn đúc súng.

 Nếu đây là một trong những nguyên nhân cơ bản thì việc chuyển sang dùng tiền giấy là một quyết định đúng với xu thế phát triển và thể hiện cái nhìn vượt thời đại của Hồ Quý Ly. Chỉ có điều, việc hoạch định chính sách cải cách và biện pháp thi hành đã chứa đựng những yếu tố cực đoan, thiếu các cơ sở có tính chất nền tảng để thực thi, khi mà việc phát hành tiền giấy rất khác với tâm lý tiêu dùng thông thường, lại không giống quốc gia nào xét trên bình diện chung của tiền tệ trong khu vực. Thực tế thì ngay từ thời thịnh Trần (có thể kể đến Anh Tông, Minh Tông) tuy đồng tiền đã được sử dụng rộng rãi nhưng cũng chưa có nhu cầu phát hành tiền giấy. Huống chi đến cuối Trần, khi kinh tế hàng hoá đã suy thoái thì tiền giấy ra đời không những chưa cần thiết mà còn gây phiền hà cho dân chúng. Điều này đã vượt quá ngưỡng khuôn phép mà hoàn cảnh kinh tế - xã hội đương thời có thể chấp nhận được.

 Những sự thay đổi đó vô hình trung đã đi ngược lại quyền lợi thiết yếu của người dân, với thói quen tiêu dùng và giao thương hàng hóa lâu đời bằng tiền đồng có lỗ xỏ dây, với việc cất trữ, tích lũy tiền với số lượng lớn của tầng lớp quan lại, địa chủ, thương lái... một bộ phận không nhỏ tầng lớp trên trong xã hội. Hơn nữa, theo tỉ giá hối đoái thì tiền giấy lại sụt giá hơn so với tiền đồng (1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy). Điều này đã kéo theo một phản ứng dây chuyền vì lẽ dĩ nhiên là khi người giàu, thương nhân không muốn thi hành vì không tin ở giá trị đồng tiền thì nông dân sử dung tiền giấy khó mua được hàng hóa; người có thể tích lũy được tiền tệ thì lo lắng, không yên tâm.

 Do không nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và gặp nhiều khó khăn trong việc khép dân chúng tiêu dùng tiền giấy nên Hồ Quý Ly đã đưa ra nhiều điều luật cứng rắn có tính chất ép buộc như: Phải dùng tiền giấy không được dùng tiền đồng, bao nhiêu tiền đồng đều nộp vào quan, rồi dồn vào kho Ngao Trì ở kinh thành [1]. Nếu người nào tàng trữ riêng hoặc tiêu dùng riêng phải tội tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Người làm giả tiền giấy cũng bị xử tội như vậy [3]. Điều này khiến người dân không tin tưởng vào đồng tiền giấy mà họ bị bắt buộc phải sử dụng.

Ngoài những biện pháp cứng rắn, nhà Hồ còn đưa ra nhiều biện pháp mềm dẻo khác để làm cho tiền giấy được lưu hành rộng rãi trong dân như năm 1401, Hồ Hán Thương đã quy định: Mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng nhưng nộp bằng tiền giấy thì được giảm đi. Thuế đinh cũng tương tự, thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước nhưng thu bằng tiền giấy thì lại giảm đi. Năm 1402, định lại các thuế về tô ruộng. Nhưng trong thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, đến nỗi dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng để tránh phạm luật. Có thể thấy việc nhà Hồ đề ra những biện pháp cưỡng ép nghiêm ngặt như trên đã phần nào phản ánh sự mất lòng dân.

 Hơn nữa, vào năm 1400, Hồ Quý Ly lại cho đúc tiền “Thánh Nguyên thông bảo” trong khi trước đó Hồ Quý Ly đã ra lệnh tịch thu hết tiền đồng và cấm tiệt nhân dân sử dụng tiền đồng. Mặc dù chúng ta chưa biết được tiền đồng đúc năm 1400 có được lưu hành rộng rãi không, nhưng nếu nó được sử dụng song song với tiền giấy thì công cuộc cải cách tiền tệ của nhà Hồ đã thể hiện sự mâu thuẫn và không triệt để.

Năm 1407, cùng với sự sụp đổ của nhà Hồ, cải cách tiền tệ của Hồ Quý Ly xem như thất bại, tiền giấy cũng chấm dứt lưu hành. Đánh dẹp xong quân Minh, năm 1429 (năm thứ hai sau khi lên ngôi), vua Lê Thái Tổ đã cho đúc tiền kim loại trở lại, nhân dân trở về tiêu dùng đồng tiền tròn - lỗ vuông.

 Trước đây, khi nhìn nhận về triều Hồ và những vấn đề liên quan đến triều đại này, nhiều người thường chỉ phê phán vì cho rằng hành động của Hồ Quý Ly là cướp ngôi và triều Hồ là “nguỵ triều”. Nhưng ngày nay, giới sử học đã có cái nhìn khách quan hơn về Hồ Quý Ly khi cho rằng ông là một nhà cải cách táo bạo, hiếm có và là người mở đầu cho một thời điểm cải cách quan trọng trong lịch sử trung đại Việt Nam. Trong đó, cuộc cải cách trên lĩnh vực tiền tệ được xem là một cái nhìn mới mẽ và đi trước thời đại của Hồ Quý Ly, bởi trong dòng phát triển của lịch sử nhân loại sau thời kì trung đại, tiền giấy đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng khi đặt vào đúng thời điểm và hoàn cảnh xuất phát của nó thì cuộc cải cách tiền tệ của Hồ Quý Ly có thể nói là chưa hợp thời. Vì vậy, những hệ luỵ mà cuộc cải cách này mang lại cho nhà Hồ quả là không nhỏ. Lẽ ra với một triều đại mới lập trong hoàn cảnh hết sức khó khăn thì việc đầu tiên cần làm đó là củng cố chỗ đứng của vương triều trong lòng nhân dân, nhưng cuộc cải cách về mặt tiền tệ của Hồ Quý Ly đã không đáp ứng được yêu cầu của hầu hết các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, ngay cả tầng lớp địa chủ, một lực lượng quan trọng có thể giúp nhà Hồ trong việc chuyển tiếp từ chế độ “quân chủ quý tộc” sang “quân chủ quan liêu” cũng không thoả mãn. Chính những hạn chế của công cuộc cải cách của triều Hồ (trong đó có cải cách tiền tệ) đã tác động xấu đến khả năng đoàn kết toàn dân để chống ngoại xâm, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

                                                             TRỊNH NGỌC TƯỜNG VY

                                                       TT. NCVH Tiểu vùng sông Mê Kông

 

Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Sỹ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, (chính biên - quyển 8), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Lê Đình Phụng (2010), Tiền giấy: Cuộc cải cách tiền tệ vô tiền khoáng hậu, http://bee.net.vn.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, (chính biên - quyển 11), NXB Giáo Dục, Hà Nội.
4. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (cb), (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.