Chi bộ với việc giáo dục lý tưởng cho học sinh, sinh viên
[ Ngày đăng: 27/05/2015 14:11:52, lượt xem: 1179 ]

ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CĐSP QUẢNG TRỊ LẦN THỨ XVII NHIỆM KỲ 2015 - 2020

CHI BỘ VỚI VIỆC GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CHO HS-SV

 

 

 LƯƠNG THỊ TỐ UYÊN - Đảng ủy viên - Bí thư Chi bộ Tổng hợp 1

 

Bồi dưỡng lý tưởng cho HS-SV là một việc làm cần thiết, thường xuyên đối với mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng.Trong giai đoạn hiện nay- giai đoạn đất nước đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển- việc làm đó lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý thức được điều đó,trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BGH nhà trường, sự phối kết hợp giữa các đơn vị, các chi bộ trong Đảng bộ trường CĐSP Quảng Trị nói chung, Chi bộ tổng hợp I nói riêng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này

Là một Chi bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của 05 đơn vị thuộc các khoa, phòng: Xã hội, Tiểu học, Bồi dưỡng CBQL GV, NCKH- đối ngoại, TT-PC-KĐCL. Ngoài gần 30 CB-GV của 5 đơn vị nói trên, hàng năm tại 2 khoa Xã hội và Tiểu học có khoảng từ 500-700 HS-SV, đây là một lực lượng hùng hậu của tuổi trẻ nhà trường cần được tổ chức giáo dục, rèn luyện. Chi bộ đã luôn luôn thể hiện được vai trò của mình trong việc định hướng cho HS-SV có những nhận thức đúng đắn về Đảng, về Bác, về lý tưởng, khát vọng sống, về đạo đức nghề nghiệp…Từ đó, giúp HS-SV có động cơ phấn đấu, có ý thức được cống hiến, được phục vụ. Lồng ghép các hình thức sinh hoạt, Chi bộ luôn luôn đặt vấn đề giáo dục lý tưởng lên hàng đầu với mục đích giúp các em nhận thức được: việc phấn đấu để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng là nguyện vọng chính đáng, là lý tưởng cao đẹp nhất của cuộc đời mình.

          Vậy Chi bộ đã làm gì để giáo dục lý tưởng cho HS-SV?

Thứ nhất: Chi bộ thường xuyên gần gũi với HS-SV để kịp thời nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của các em bởi từ cấp ủy đến từng đảng viên đều hiểu được rằng: hiểu quần chúng là yêu cầu đầu tiên vừa cơ bản vừa cấp bách của công tác dân vận.

          + Chi bộ phân công các đảng viên là GVCN trực tiếp theo dõi, giúp đỡ SV. Từng đảng viên đi sát SV, hòa mình với SV, biết rõ tâm tư, tình cảm, yêu cầu, nguyện vọng của SV và phải biết giải quyết kịp thời các tình huống trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình và phản ánh với Chi bộ, với cấp trên để có biện pháp giải quyết tiếp theo.

          + Chi bộ đã quan tâm thường xuyên, chỉ đạo sát sao các hoạt động của LCĐ, LCH. Trong các đợt sinh hoạt cao điểm, các kỳ Đại hội, Chi bộ đã phân công các đồng chí trong cấp ủy, các đồng chí đảng viên về tận từng Chi đoàn để chỉ đạo trực tiếp phong trào. Không những quan tâm về mặt tinh thần, Chi bộ đã có những hỗ trợ kịp thời về mặt vật chất giúp tuổi trẻ thuận lợi hơn trong nhiều hoạt động.

 Thứ hai: Chi bộ có kế hoạch đưa HS-SV vào các hoạt động cụ thể để giúp các em có cơ hội thể hiện mình.Tùy theo nhu cầu,hoàn cảnh cụ thể, Chi bộ đã chỉ đạo LCĐ, LCH tổ chức các diễn đàn, các hội thi, các buổi sinh hoạt tập thể để Sv thể hiện ước mơ, khát vọng của mình. Và cũng thông qua hình thức này mà đã tập tợp được các em, gắn tất cả SV trong các khoa, các lớp thành một khối đoàn kết chặt chẽ.

 Thứ ba: Chi bộ đã kịp thời bồi dưỡng, nhân rộng điển hình và khuyến khích những hạt nhân tiêu biểu.Việc kịp thời ghi nhận sự đóng góp của các nhân tố tích cực trong các tập thể lớp là một trong những vấn đề được Chi bộ rất quan tâm.Thường kỳ khoảng 2 tháng/ 1 lần Chi bộ có kế hoạch về từng Chi đoàn, LCĐ, LCH để nắm bắt tình hình; hàng tháng, trong sinh hoạt Chi bộ, những đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ SV báo cáo trước Chi bộ kết quả phấn đấu của các em để có định hướng tiếp theo trong việc bồi dưỡng. giới thiệu các SV tích cực, tiêu biểu đi học các lớp nhận thức về Đảng.

 Thứ tư: mỗi một đảng viên trong Chi bộ phải trở thành một tấm gương sáng cho HS-SV noi theo. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, Chi bộ luôn nêu ra vấn đề vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi một đảng viên, nhất là trong một môi trường văn hóa, bởi Đảng lãnh đạo quần chúng không phải chỉ bằng đường lối, chính sách mà còn bằng hành động, bằng tác phong, lối sống của mỗi một đảng viên. Gặp những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, mỗi một đảng viên phải mạnh dạn đi đầu, nói đi đôi với làm, từ đó tạo được lòng tin của SV đối với Đảng.

 Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, tuổi trẻ LCĐ-LCH khoa Xã hội, LCĐ-LCH Khoa GDTH đã thường xuyên được bồi dưỡng về lý tưởng sống, khát vọng được cống hiến; nhiều đoàn viên trưởng thành và vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm năm qua, Chi bộ đã bồi dưỡng, kết nạp được 10 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 08 sinh viên; giới thiệu 74 HS-SV tham gia học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm sau đây:

- BCH Chi ủy phải thật sự đoàn kết, nhiệt tình, tận tâm với mọi phong trào, mọi hoạt động của tuổi trẻ; tập thể Chi bộ phải có sự phối hợp đồng bộ trong giáo dục.

- Muốn công tác này đạt kết quả như mong muốn, Chi ủy phải gần gũi SV, tránh giáo dục bằng mệnh lệnh, gò ép, tránh quan liêu, coi thường SV. Trong giáo dục phải lấy thuyết phục làm chính, phải kiên nhẫn giáo dục, động viên, khích lệ; biết khuyến khích những hạt nhân tiêu biểu nhưng đồng thời cũng không được bỏ rơi những thành phần chậm tiến.

- Kịp thời sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế, tránh tình trạng hình thức, chỉ làm rậm rộ ban đầu.

Giáo dục đạo đức, lý tưởng cho HS-SV là trách nhiệm của tất cả mọi cá nhân, tập thể trong nhà trường, công việc này đòi hỏi phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa nhiều bộ phận. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Đảng uỷ, BGH nhà trường tiếp tục có kế hoạch chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp giáo dục đạo đức, lý tưởng cho SV, đồng thời khuyến khích các tổ chức trong nhà trường tạo môi trường sinh hoạt cho HS-SV có điều kiện thể hiện mình và chia xẻ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, giúp các em phấn đấu tốt hơn.