Công tác nghiên cứu khoa học ở trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị - Nhìn lại và hướng tới
[ Ngày đăng: 05/06/2006 11:55:58 SA, lượt xem: 9685 ]

Cùng với đào tạo - bồi dưõng, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của trường Cao đẳng, Đại học.

Tiếp tục triển khai Dự án Nâng cao chất lượng đội ngũ, mấy năm qua, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị đã lấy việc NCKH làm đòn bẩy nâng cao trình độ và chất lượng dạy - học của đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục - đào tạo hiện nay. Vì vậy, then chốt của vấn đề là cải tổ quản lý và NCKH. Một mặt phải xây dựng được Hội đồng Khoa học và Đào tạo với đủ thành viên có trình độ chuyín sđu, giàu kinh nghiệm và tác nghiệp tốt; mặt khác phải thúc đẩy được phong trào nghiên cứu cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trên tinh thần đó, từ năm 2001 đến nay, công tác NCKH được Nhà trường coi trọng đúng mức, định hướng cụ thể, triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả. Số lượng đề tài (ĐT) tăng lên rõ rệt vă do xác định được tính chất mức độ nghiên cứu, hàm lượng đầu tư trí tuệ nên có sự phân hóa, phân cấp đăng ký và xét duyệt. Tính hợp tác (nhiều người cùng tham gia) trong NCKH với những đề tài đòi hỏi xử lý lượng thông tin lớn được quan tâm nhiều hơn trước. Nhiều ĐT bám sát nội dung, chương trình dạy - học ở các hệ đào tạo- bồi dưỡng, nhiều ĐT được thực hiện "dài hơi", phổ nghiên cứu rộng và vấn đề nghiên cứu giàu tính thực tiễn, hiệu ứng cao.

Một cách tổng quan, có thể thấy được hướng nghiên cứu mang tính thực nghiệp của trường sư phạm (tuy không chỉ đào tạo riêng cho ngành sư phạm). Trong số 238 đề tài cấp Trường và cấp Tỉnh, 04 đề tài cấp Bộ của cán bộ giảng viên (CBGV) và 221 bài tập – NCKH của sinh viên cuối khoá, có trên 90% tập trung nghiên cứu ứng dụng và đổi mới phương pháp dạy học. Chất lượng các ĐT nghiên cứu khá đồng đều, có tính khả thi cao. Nội dung nghiên cứu tập trung chủ yếu vào một số vấn đề sau:

  1. Khuynh hướng khai thác thế mạnh của công nghệ tin học phục vụ giảng dạy. Đó là các đề tài “ Xây dựng giáo trình điện tử (E – BOOK) cho học phần Phân tích và thiết kế các hệ thống thông tin quản lý” (Cáp Xuân Tuấn), “Sử dụng các phần mềm The Geomete’s Sketchpat giúp dạy học Hình học, Giải tích ở THCS Và CĐSP” (Lê thị Hương- Nguyễn văn Kiếm - Hồ Xuân Thắng), “Thiết kế một số module mẫu về giáo dục môi trường khai thác từ môn Sinh học 6 trường THCS” (Trần Kim Việt).

  2. Tập trung nhấn mạnh yếu tính thực hành trong học tập, nghiên cứu của học sinh sinh viên. Các đề tài “Bài tập Đại số tuyến tính” (Nguyễn Trọng Hoà), “Hệ thống bài tập chọn lọc nhằm nâng cao tính tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh THCS” (Hoàng Thị Lệ Hằng)...góp phần củng cố, nâng cao kiến thức cho đối tượng. Đặc biệt, nhiều tác giả thông qua thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm, đề ra nhiều giải pháp hướng dẫn, bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng tự học, tự quản của học sinh sinh viên như các đề tài của các tác giả Trương Hữu Đẳng, Phan Văn Xung, Vũ Thị Quốc An...

  3. Nghiên cứu tình hình dạy - học trước yêu cầu đổi mới, vấn đề thay sách giáo khoa (nội dung, chương trình) và phương pháp dạy học tích cực, chủ động, sáng tạo. Tiêu biểu có các đề tài “ Khảo sát việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 mới ở trường Tiểu học” (Nhóm tác giả Nguyễn Thị Bình – Dương Thị Định - Đặng Thị Luề), “Góp phần nâng cao chất lượng dạy học Địa lý lớp6 mới trường THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” (Hồ Tùng Vĩnh), “Tìm hiểu tình hình đổi mới phương pháp dạy học Sinh học lớp 7 ở tỉnh Quảng Trị” (Phan Thị Loan), “Khảo sát việc thực hiện đổi mới nội dung, chương trình SGK môn Toán 2” (Nguyễn Hữu Bút – Phan Thuý Lâm).

  4. Chiến lược xây dựng và phát triển trường ở Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị có các đề tài “ Tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định chất lượng trường CĐSP Quảng Trị” (Nhóm tác giả Lê Thị Xuân Liên - Nguyễn Văn Quốc – Lê Văn Ân), “ Xây dựng Thư viện trường CĐSP Quảng Trị theo hướng hiên đại hoá” (Võ Thị Liên)

  5. Nghiên cứu biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo (kể cả giáo trình điện tử). Đó là các tác giả: Cáp Xuân Tuấn, Từ Thu Mai, Đặng Thị Chúc, Trịnh Thị Hà Bắc, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Trầm Ca, Nguyễn Tiến Mẹo...Ngoài ra còn có nhóm tác giả Lê Thị Hương, Nguyễn Văn Kiếm, Hồ Xuân Thắng “nghiên cứu tự giác” với việc biên soạn sách bài tập Toán các lớp 6, 7, 8 (do Nhà xuất bản Giáo dục đặt hàng, ấn bản) phục vụ tham khảo. Chưa kể các đề tài nghiên cứu sinh đang “ vẫn ở trên đường”
    nhưng đầy triển vọng của các Thạc sỹ Lê Thị Xuân Liên, Võ Tiến Dũng...

Điều đáng ghi nhận là nhiều tác giả ngay từ đầu có hướng phát triển các đề tài cấp cơ sở thành các đề tài bảo vệ sau đại học khi có điều kiện chín muồi. Thực tế từ nghiên cứu và bằng nghiên cứu đã giúp cho đội ngũ nâng cao trình độ rõ rệt. 31 tác giả bảo vệ thành công học vị thạc sỹ ở trong nước và nước ngoài, 01 tác giả bảo vệ thành công học vị tiến sỹ. Phát huy tiềm lực nghiên cứu, nhà trường hiện có 19 CBGV đang theo chương trình cao học, 02 CBGV tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh tiến sỹ. Kết quả hãy còn khiêm tốn nhưng đã phản ánh đúng những nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, của các tổ chức đoàn thể trong việc khuyến khích, tạo đươc phong trào rộng khắp.Cụ thể là ‘định chế hoá” thành các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng kịp thời để động viên, sắp xếp đội ngũ phù hợp năng lực trình độ đào tạo.

Từ những thành quả bước đầu, nhà trường đang tiếp tục định hướng nghiên cứu cập nhật những vấn đề cụ thể về Đổi mới phương pháp dạy - học, gắn sự liên thông giữa trường cao đẳng với trường phổ thông, mầm non. Khuyến khích nghiên cứu các đề tài liên quan đến sự phát triển văn hoá, kinh tế và xã hội của địa phương. Coi trọng đúng mức việc hưởng ứng tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật của Tỉnh, thi viết tài liệu tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mở rộng tầm nghiên cứu, tính hợp tác trong nghiên cứu để nâng cao chất lượng, phục vụ công tác dạy - học có hiệu quả. Những định hướng trên gắn với yêu cầu cụ thể và đáp ứng thực tiễn của trường, của ngành và của địa phương.

Võ Văn Luyến