Ghi nhận về hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị
[ Ngày đăng: 25/10/2011 9:57:23 SA, lượt xem: 2582 ]

 Công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) là quá trình tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) nhằm thực hiện mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, khoa học và công nghệ có vai trò hết sức to lớn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã nhấn mạnh vị trí quốc sách hàng đầu của khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo, “coi trọng cả ba mặt, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả”.

 

 Xuất phát từ thực tiễn địa phương, tỉnh Quảng Trị chú trọng đúng mức “ hoạt động khoa học công nghệ phục vụ có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” (Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII). Đặt sự vận hành trong quỹ đạo đó, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị đặc biệt “khuyến khích, đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm trong đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường, đặc biệt là các đề tài trực tiếp phục vụ cho các hoạt động giáo dục - đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ”. Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm, nhà trường xác định nhiệm vụ “ nghiên cứu khoa học là một trong ba hoạt động quan trọng của nhà trường”, “cán bộ giảng viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ”, và coi đó là  giải  pháp “nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công tác dạy - học”.

 Hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học không ngừng được thúc đẩy, đổi mới và trên thực tế đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài về hoạt động này còn phải phấn đấu nhiều hơn. Đó là vấn đề cần thiết tìm tới những biện pháp khả dĩ quản lý hoạt động KH &CN tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi những hiểu biết vừa có tính phổ quát vừa có tính chuyên sâu trong quản lý một hoạt động đặc thù như khoa học và công nghệ.
 
 Từ định hướng tầm nhìn có tính chiến lược, công tác NCKH được nhà  trường coi trọng đúng mức, định hướng cụ thể, triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả. Do xác định được tính chất mức độ nghiên cứu, hàm lượng đầu tư trí tuệ nên có sự phân hóa, phân cấp đăng ký và xét duyệt. Tính hợp tác (nhiều người cùng tham gia) trong NCKH với những đề tài đòi hỏi xử lý lượng thông tin lớn được quan tâm nhiều hơn trước. Nhiều đề tài bám sát nội dung, chương trình dạy - học ở các hệ đào tạo bồi dưỡng, nhiều đề tài được thực hiện “dài hơi”, phổ nghiên cứu rộng và vấn đề nghiên cứu giàu tính thực tiễn, hiệu ứng cao.

Một cách tổng quan, có thể thấy được hướng nghiên cứu mang tính thực nghiệp của trường sư phạm (tuy không chỉ đào tạo riêng cho ngành sư phạm). Tính từ năm 2001 đến nay, 100% CBGV có đề tài NCKH và SKKN từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có trên 90% tập trung nghiên cứu ứng dụng và đổi mới phương pháp dạy học. Sự phân bổ đề tài ở các lĩnh vực (căn cứ vào đội ngũ nghiên cứu và ngành đào tạo) khá cân đối.  Chất lượng các đề tài nghiên cứu khá đồng đều, có tính khả thi cao.

Việc đánh giá dựa trên hướng dẫn xếp loại đề tài theo 05 tiêu chí cơ bản. Đó là các yêu cầu cần và đủ: Đảm bảo kết cấu, biết cách trình bày, thể hiện một ĐT nghiên cứu khoa học hợp lý; biết vận dụng những phương pháp vào việc nghiên cứu một vấn đề cụ thể; biết tập trung phân tích, lý giải vấn đề trọng tâm; có các giải pháp đúng, sáng tạo, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong trong công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; có hướng tìm tòi, phát hiện, khám phá những vấn đề mới về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Tất nhiên, việc đánh giá phải được tiến hành theo một qui trình chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, khoa học.

 Dễ thấy, các đề tài triển khai đồng bộ ở các bộ môn, bao gồm bộ môn khoa học cơ bản (KHCB), khoa học ứng dụng (KHƯD), đổi mới phương pháp dạy học (ĐMPPDH); trong đó KHƯD, ĐMPPDH chiếm tỉ lệ cao (93%). Chất lượng ĐT khá đồng đều, gắn với thực tiễn giáo dục đào tạo hiện nay. Chủ yếu tập trung vào một số vấn đề sau:

1. Khuynh hướng khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy.

2. Tập trung nhấn mạnh yếu tính thực hành trong học tập, nghiên cứu của HSSV.

3. Nghiên cứu tình hình dạy - học trước yêu cầu đổi mới, vấn đề thay sách giáo khoa (nội dung, chương trình) và phương pháp dạy - học tích cực, chủ động, sáng tạo.

4. Nghiên cứu biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo (kể cả giáo án điện tử).

5. Chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường theo hướng đào tạo đa ngành, đa hệ.

6. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển tiềm năng khoa học giáo dục, v.v...

Điều đáng ghi nhận là nhiều tác giả ngay từ đầu có hướng phát triển các ĐT cấp cơ sở thành các ĐT bảo vệ sau đại học khi có điều kiện chín muồi. Thực tế từ nghiên cứu và bằng nghiên cứu đã giúp cho đội ngũ nâng cao trình độ rõ rệt . 02 tác giả bảo vệ thành công học vị Tiến sỹ, 66 tác giả bảo vệ thành công học vị Thạc sỹ ở trong nước và nước ngoài ở các lĩnh vực (chưa kể đến 14 CBGV hiện là Nghiên cứu sinh và 10 đang theo học cao học). Kết quả hãy còn khiêm tốn nhưng đã phản ánh đúng những nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, của các tổ chức đoàn thể trong việc khuyến khích, tạo được phong trào rộng khắp. Cụ thể là “định chế hóa” thành các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng kịp thời để động viên, sắp xếp đội ngũ phù hợp năng lực trình độ đào tạo. Phát huy tiềm năng đội ngũ, nhà trường đã và đang tạo nhiều điều kiện cho lực lượng trẻ có cơ hội học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của nhà trường.

 Từ những thành quả bước đầu, nhà trường đang tiếp tục định hướng nghiên cứu cập nhật những vấn đề cụ thể về Đổi mới phương pháp dạy - học, gắn sự liên thông giữa trường Cao đẳng với trường Phổ thông, Mầm non. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Khuyến khích nghiên cứu các đề tài liên quan đến sự phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của địa phương. Coi trọng đúng mức việc hưởng ứng tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật của Tỉnh, thi viết tài liệu tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mở rộng tính hợp tác nghiên cứu với các cơ sở trong, ngoài nước để nâng cao chất lượng phục vụ công tác dạy - học có hiệu quả. Những định hướng trên gắn với yêu cầu cụ thể để đáp ứng thực tiễn của trường, của ngành và của địa phương. 

                                                                              VÕ VĂN LUYẾN