Với mỗi quốc gia, dân tộc, Chào cờ và hát Quốc ca là việc làm hết sức quen thuộc, là nghi thức quan trọng không thể thiếu, trở thành nét đẹp văn hóa của quốc gia đó. Việc làm này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức lay động nhận thức, cổ vũ tinh thần to lớn.
Cũng như vậy, đã là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, thì có lẽ không có gì thiêng liêng hơn khoảnh khắc nghiêm trang trước lá cờ Tổ quốc, giơ cao tay chào, miệng cất vang lời bài hát “Tiến quân ca” hào hùng. Trong những giây phút ngắn ngủi ấy, tâm hồn mỗi người con đất Việt như hòa làm một với lá cờ đỏ sao vàng, tâm trí, ánh mắt hướng về vật chứng tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, cho bao năm chìm nổi của đất nước, bao vất vả gian lao để giành lại độc lập, tự do, chủ quyền, đem lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân. Khoảnh khắc ấy chính là khi ta đang thực hiện một nghi lễ trang trọng - nghi lễ chào cờ.
Có thể nói, chào cờ là nghi lễ thiêng liêng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc và nhân dân; đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn đối với các thế hệ cha anh đi trước đã đổi máu xương, tô thắm mãi cái màu đỏ oai hùng của lá quốc kì thiêng liêng, làm nên một nước Việt Nam như ngày nay. Đây cũng là một việc làm có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc, giúp mỗi chúng ta biết đoàn kết để tạo nên sức mạnh, biết tự hào về quê hương, nguồn cội. Điều này thật sự cần thiết đối với mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt đối với sinh viên, học sinh để từ đó nâng cao ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân qua từng việc làm, vị trí công tác cụ thể; để nguyện vọng của cả dân tộc chất chứa trong "Tiến quân ca" được chuyển thành hành động làm cho "Nước non Việt Nam ta vững bền".
Lễ chào cờ tháng 12
Tuy nhiên, trong một thời gian, vì chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục ý thức công dân về lễ thức trong xã hội, một bộ phận người Việt và thế hệ trẻ chưa có sự nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca, dẫn đến một vài biểu hiện tiêu cực trong các buổi lễ chào cờ: tiến hành qua loa, đại khái; chưa thể hiện sự trang nghiêm trong lúc chào cờ; hát nhép theo băng mà không thuộc lời bài hát "Tiến quân ca" – Quốc ca của đất nước. Điều này làm xấu đi hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, làm ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của buổi lễ, không những thế, nó còn bào mòn đi tinh thần yêu nước bên trong những con người không có ý thức chào cờ đó. Mà cái sự mục ruỗng tinh thần ấy mới thực là cái đáng buồn hơn tất cả. Chính vì những lẽ đó mà việc phải làm thế nào để nâng cao nhận thức của mỗi một người dân Việt Nam nói chung, thế hệ thanh thiếu niên nói riêng về giá trị tinh thần và sức mạnh giáo dục to lớn của nghi lễ này, để những buổi lễ chào cờ được diễn ra trang trọng và ý nghĩa hơn, là việc làm hết sức cần thiết.
Nhiệm vụ này cũng được đặt ra cho các nhà trường nói chung, bậc Đại học và Cao đẳng nói riêng, bao gồm trường CĐSP Quảng Trị chúng ta, nhằm giúp sinh viên thấy được ý nghĩa thiêng liêng của buổi lễ chào cờ và thông qua đó có những nội dung giáo dục phù hợp với ý chí, nguyện vọng, truyền thống dân tộc cũng như tâm lý của giới trẻ ngày nay. Vì sao? Vì trường học không chỉ là nơi đào tạo, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước về kiến thức, trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân. Nói cách khác, đây là là nơi không chỉ giáo dục, đào tạo ra những người làm công ăn lương mà chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Họ phải biết tự hào về Tổ quốc từ chính trái tim mình, như thế mới hun đúc thêm lòng yêu nước cho chính họ. Thông qua Lễ chào cờ, có thể giáo dục sinh viên thực hiện đạo đức, tinh thần đoàn kết, nếp sống văn hóa học đường, rèn kỹ năng sống thể hiện tình cảm, lòng kính yêu đối với lãnh tụ; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả học tập, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, từ đó thêm yêu mái trường, quê hương, Tổ Quốc. Là một sinh viên sư phạm, vấn đề này càng phải được coi trọng hơn, bởi lẽ các em chính là những người sẽ đi gieo hạt giống tâm hồn cho bao thế hệ mai sau.
Buổi chào cờ là khoảng khắc, là thời gian, là phút giây đáng trân trọng nhất của mỗi người, vì vậy không nên phá hỏng hay làm nó trở thành một vở kịch nhạt nhẽo, vô nghĩa. Đối với sinh viên, Nhà trường, các tổ chức Đoàn, Hội cần giáo dục cho các em biết, hiểu, cảm nhận về dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ta là từ đâu, cội nguồn ta ở đâu, quê hương ta là ở đâu, nhờ đâu mà có; hãy cổ vũ các em bằng những cảm xúc chân thực nhất, những lời khích lệ xuất phát từ tận đáy lòng. Vì, trên hết, tình yêu thương mới là thứ gắn kết con người ta lại với nhau nhanh nhất, gần gũi với mỗi chúng ta và có sức lan tỏa mạnh nhất.
Lễ chào cờ được tổ chức tại "Công viên thanh niên và Mô hình cột mốc Trường Sa"
Việc chào cờ đầu tuần, đầu tháng là một hoạt động sinh hoạt chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, trở thành động lực cho mỗi việc làm, mỗi hành động, là khởi đầu cho một tuần, một tháng làm việc tràn đầy xung lực với tinh thần mới, nâng cao lòng tự hào dân tộc, xây dựng nét văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi công dân, sinh viên Việt Nam. Và phải luôn ghi nhớ rằng, nghi lễ này không tách rời với việc hát Quốc ca bằng chính lời ca, xúc cảm của mình – hát bài ca vĩ đại, gắn với lịch sử của mỗi dân tộc, vận mệnh thiêng liêng và ý chí, khát vọng của đất nước, nó là tiếng lòng, là nhịp đập của con tim yêu Tổ quốc. Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi trang nghiêm đứng dưới cờ tổ quốc, cất tiếng hát Quốc ca trong ngày đầu tuần, đầu tháng sẽ tạo nên một khí thế mới, thúc dục mỗi chúng ta thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với đất nước, quê hương.
Bài: * Lê Thị Minh Huyền
*Đoàn Trường