Tốt nghiệp Khoa Văn Sử Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vào năm 2010, cô giáo trẻ Phạm Thị Hoài Thương thực hiện mong muốn ấp ủ bấy lâu là giúp đỡ những em học sinh còn nhiều thiếu thốn ở thôn bản vùng cao. Do vậy, sau khi ra trường, cô giáo Thương xin về dạy học ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang. Mới ra trường, cô giáo trẻ Hoài Thương gặp những khó khăn khi dạy học ở nơi mà người dân còn chưa coi trọng việc học hành. Nhưng những thử thách, gian khổ đó chỉ càng làm cô giáo có cá tính mạnh mẽ và đầy tâm huyết này thêm vững tin tiếp bước.
|
Cô giáo Hoài Thương hướng dẫn học trò làm bài tập
|
“Lúc mới về trường, tôi được phân công dạy học tại điểm trường lẻ ở bản Trầm. Từ điểm trường chính lên tới bản Trầm hơn 10km đường rừng. Xe máy không vào được điểm trường mà phải cuốc bộ, lội hết con suối này đến trèo ngọn đồi kia vài giờ đồng hồ mới tới. Dù vất vả, thiếu thốn nhưng tôi không hề nản chí vì khi nhìn vào những ánh mắt hạnh phúc, vui vẻ của các em học sinh khi thấy cô giáo đến với bản, với lớp là tôi càng có thêm nghị lực” - Hoài Thương bộc bạch.
Sau một học kỳ “cắm bản”, Hoài Thương không đếm nổi số lần cô cùng đồng nghiệp cuốc bộ cả ngày trời, đến tận từng nhà vận động học sinh đến trường. Năm 2011, cô giáo Hoài Thương được điều chuyển về chủ nhiệm lớp 6 Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang. Từ nhà cô giáo Thương (khóm 1, thị trấn Krông Klang) đến trường gần 22 km nên cô giáo Thương phải ăn ở, sinh hoạt tại ngôi nhà bán trú dành cho giáo viên của trường. Cô giáo Thương và các giáo viên ở đây phải sinh hoạt trong những căn phòng nhỏ, mùa nắng thì bức bối chật chội, còn mùa mưa thì ẩm thấp lạnh lẽo. Thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, cô giáo Thương về nhà với bố mẹ rồi đầu tuần lại “cơm đùm, gạo bới” lên trường với học sinh thân yêu. Trong công tác giảng dạy, cô giáo Thương là một giáo viên có nhiều tâm huyết và trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, được ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp tin cậy, quý mến. Cô giáo Thương luôn quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ học sinh trong việc học tập và cả về đời sống riêng. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô thường lấy tiền túi mua sách vở, áo quần cho các em. Bên cạnh đó, cô thường xuyên đến từng nhà vận động các bậc phụ huynh và học sinh rằng chỉ có con đường học tập mới giúp họ nâng cao dân trí, thay đổi cuộc sống.
“Tâm lý của đồng bào vùng cao thường để các em nhỏ đi làm phụ giúp bố mẹ thì mới có cái ăn. Phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập của con cái. Vì thế, tôi và các giáo viên ở đây phải thường xuyên vận động, kêu gọi các em học sinh siêng năng đến lớp, tuyên truyền, giải thích với các bậc phụ huynh cho các em đi học”, cô giáo Thương tâm sự.
Nhờ tâm huyết và sự chỉ bảo tận tình của cô giáo Thương, năm vừa qua, có 3 em học sinh trong khóa do cô giảng dạy được tuyển chọn nhập học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Ngoài ra, lớp 6 do cô Thương chủ nhiệm có nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến.
Thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang cho biết: “Cô giáo Phạm Thị Hoài Thương là một giáo viên trẻ tuổi nhưng có rất nhiều đóng góp cho nhà trường và được các bậc phụ huynh, học sinh quý mến. Ngoài chuyên môn giỏi, cô Thương còn thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp và các em học sinh khi họ gặp khó khăn. Năm 2014, cô Thương đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Vào tháng 11/2015, cô Thương được nhà trường chọn đi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Đây là một tấm gương sáng để giáo viên và học sinh trường chúng tôi noi theo”.
Bài, ảnh: TRẦN TUYỀN
http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=77&modid=408&ItemID=103156