Hiệu quả từ công tác hợp tác quốc tế ở Trường CĐSP Quảng Trị
[ Ngày đăng: 16/03/2010 2:41:26 SA, lượt xem: 3731 ]

(QT) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong sự phát triển chung của nhà trường, ngay từ khi mới thành lập, song song với việc thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, Trường CĐSP Quảng Trị đã xác định công tác hợp tác quốc tế cũng là một nhiệm vụ trọng tâm.

     Nhờ đó, từ một trường trung cấp sư phạm cấp tỉnh với cơ sở vật chất thiếu thốn, quy mô đào tạo nhỏ bé, Trường CĐSP Quảng Trị đã không ngừng phát triển, trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa hệ lớn nhất của tỉnh, bổ sung nguồn nhân lực có năng lực, trình độ cho tỉnh trong tiến trình xây dựng và đổi mới.

 
Tổng kết khóa học "Phương pháp dạy học tiếng Việt" cho các học viên Lào.

     Với tinh thần chủ động phát huy lợi thế, nắm bắt thời cơ, khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Trị, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành liên quan trong tỉnh, Trường CĐSP Quảng Trị đã thực hiện công tác hợp tác quốc tế với nhiều nội dung phong phú, đạt hiệu quả cao.
 
     Nhà trường chủ trương củng cố quan hệ hợp tác đã có với các đối tác nước ngoài để phát huy tác dụng của các dự án, đồng thời, trên cơ sở đó mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Mặt khác, nhà trường cũng đã chủ động tìm kiếm, đề xuất hợp tác với các đối tác mới, đặc biệt là với các cơ sở GD-ĐT của các nước trong khu vực, trực tiếp tham gia thực hiện các dự án, chương trình hợp tác quốc tế.

     Thạc sĩ Lê Văn Ân, Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu khoa học - đối ngoại, Trường CĐSP Quảng Trị, cho biết: Nằm trong chương trình hợp tác, đối với các đối tác thuộc 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào), từ năm 2004 đến nay, Trường đã cử nhiều lượt giảng viên sang dạy các lớp tiếng Việt cho cán bộ, công chức và sinh viên dự tuyển tại các tỉnh bạn.

     Với sự giúp đỡ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của giáo viên và thái độ học tập nghiêm túc của học viên, các học viên sau khi tốt nghiệp đều có khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, đủ điều kiện ngôn ngữ để theo học tại Việt Nam.
 
     Phía Trường CĐSP Savannakhet cũng đã gửi 7 lượt giảng viên sang Trường CĐSP Quảng Trị dạy 5 khoá tiếng Lào (căn bản và nâng cao) dành cho cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Trị. Về đào tạo, bồi dưỡng CBGV, năm 2004, Trường CĐSP Quảng Trị đã tổ chức và hoàn thành khoá đào tạo Tin học ứng dụng (3 tháng) cho 3 giảng viên của Trường CĐSP Savannakhet.

     Trong năm học 2005-2006, Trường tiếp nhận đào tạo 10 lưu học sinh Lào sang học ngành CĐSP Toán - Tin học (thời gian học: 3,5 năm). Năm 2009, số sinh viên này tốt nghiệp và về nước nhận công tác, góp phần tăng số lượng đội ngũ giáo viên THCS, thúc đẩy sự phát triển giáo dục của tỉnh Savannakhet và một số tỉnh khác của nước CHDCND Lào.

     Trường đã thống nhất với Trường CĐSP Savannakhet chọn 3 trong số 10 sinh viên tốt nghiệp CĐSP Toán - Tin học nói trên để đào tạo về Phương pháp giảng dạy tiếng Việt, chuẩn bị cho các sinh viên này trở về giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Savannakhet; đồng thời cung cấp “Chương trình giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài” để Trường CĐSP Savanakhet lập đề án trình Bộ Giáo dục Lào xin thành lập Khoa Tiếng Việt tại Trường CĐSP Savannakhet.

     Đến nay, 3 học viên này đã hoàn thành tốt khoá học... Ngoài ra, từ năm 2006, Trường CĐSP Quảng Trị đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở của hai tỉnh Savannakhet và Salavan. Hiện nhà trường đã hoàn thành đề án “Đào tạo giáo viên cho tỉnh Savannakhet và Salavan giai đoạn 2009 – 2015” và sẽ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

     Cũng trong năm 2009, Trường CĐSP Quảng Trị tiếp nhận 6 học viên (gồm 3 giáo viên và 3 sinh viên) do Trường CĐSP Savannakhet tuyển sang học chương trình CĐSP Âm nhạc, Mỹ thuật, Mầm non và Văn - Tiếng Việt.
 
     Từ năm 2008 đến nay, Trường CĐSP Quảng Trị đã tổ chức khảo sát, tư vấn về chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và hoàn thành khoá bồi dưỡng về thực hành thí nghiệm Vật lý và Hoá học cho 4 giáo viên của Trường CĐSP Savannakhet, sẽ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn và thiết bị, dụng cụ thực hành thí nghiệm 2 môn học này.

      Trường đã đào tạo tiếng Việt căn bản cho 30 học viên của 2 tỉnh Savannakhet và Salavan được cử sang học Lý luận chính trị, bảo đảm nơi ăn ở và phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn quản lý học viên.

     Song song với thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác giáo dục với các đối tác Lào, Trường CĐSP Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình hợp tác với 8 trường đại học vùng Đông Bắc Thái Lan. Hai bên đã nhiều lần cử giáo viên sang phía bạn giảng dạy tiếng Việt và tiếng Thái cho cán bộ, nhân dân và học sinh, sinh viên đạt kết quả tốt.

      Trường CĐSP Quảng Trị và Trường Đại học Rajabhat Ubon Ratchathani đã thống nhất hợp tác về đào tạo trình độ cử nhân đại học theo hình thức liên thông và liên kết; phát triển hệ thống mạng máy tính và hệ thống CNTT; chia sẻ nguồn tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy trên Trung tâm học tập trực tuyến và nâng cấp hệ thống Trung tâm học tập trực tuyến; hỗ trợ xây dựng thư viện điện tử, ứng dụng CNTT trong quản lý thư viện điện tử và hệ thống quản lý Trung tâm thông tin thư viện; nâng cấp mạng nội bộ (LAN) và hợp tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực CNTT.

     Kết hợp giữa du lịch với hợp tác về giáo dục, Trường đã phối hợp với các Công ty du lịch trong tỉnh tổ chức đón nhiều đoàn CBGV và SV của Thái Lan sang tham quan, học tập kinh nghiệm và tìm hiểu về nhà trường. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2007, Trường CĐSP Quảng Trị tổ chức tuyển sinh và phối hợp quản lý lưu học sinh du học tại các trường đại học vùng Đông Bắc Thái Lan. 3 năm qua, trường đã tuyển và trực tiếp bàn giao hơn 110 học sinh cho các trường đại học Thái Lan đào tạo tiếng Thái và chuyên ngành.

     Trước khi sang Thái Lan, học sinh được học khoá định hướng du học để trang bị kiến thức về đất nước, con người, văn hoá, phong tục, tập quán Thái Lan, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Thái Lan, tiếng Thái giao tiếp căn bản. Đồng thời, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho lưu học sinh, nhà trường nộp phiếu đăng ký công dân của các em cho Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen.

     Thành lập các chi hội phụ huynh của từng trường, mỗi nhóm lưu học sinh của từng trường đều có đại diện do học sinh tín nhiệm bầu ra. Nhà trường cũng thiết lập quan hệ tốt đẹp với các Hội Việt kiều tại các địa phương Thái Lan để nhờ giúp đỡ và phối hợp quản lý lưu học sinh.

     Phía các trường tiếp nhận lưu học sinh đều thực hiện cam kết phối hợp quản lý và giáo dục các em trong suốt quá trình đào tạo và có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm học phí cho học sinh học khá, giỏi; tạo việc làm có thu nhập cho học sinh có khó khăn về tài chính. Nhờ đó, hầu hết các lưu học sinh do Trường CĐSP tuyển chọn đều có kết quả học tập tốt, không có học sinh nào vi phạm pháp luật của nước sở tại.

     Bên cạnh các hoạt động đào tạo, trao đổi cán bộ, giáo viên, thông qua các buổi tập huấn và hội thảo quốc tế, cán bộ, giáo viên của trường đã được chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ hiểu biết, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

     Nhà trường đã tổ chức, quản lý tốt việc đưa CBGV ra nước ngoài công tác, học tập, dự hội thảo khoa học và giao lưu văn hoá - văn nghệ, đồng thời, đón các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc. Vào các ngày lễ lớn của các nước, Trường CĐSP Quảng Trị cũng như các trường đối tác chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bên.

     Có thể khẳng định, hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế ở Trường CĐSP Quảng Trị những năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhà trường trên tất cả các lĩnh vực, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác phát triển giữa các trường nói riêng, các tỉnh nói chung và từng bước nâng cao hình ảnh của Trường CĐSP Quảng Trị ở trong nước và quốc tế.

                                                               Bài, ảnh: Thúy An (Báo Quảng Trị)