Một số bài viết giới thiệu về dân tộc, văn hoá Lào
[ Ngày đăng: 30/11/2007 2:15:52 CH, lượt xem: 13004 ]

Tiến tới kỉ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, T.S. Từ Thu Mai có một số bài viết giới thiệu về dân tộc, văn hoá Lào. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


VÀI NÉT VỀ CÁC DÂN TỘC Ở LÀO

Từ Thu Mai
Khoa Xã hội – CĐSP Quảng Trị

Quốc gia Lào lạn - xạng độc lập thống nhất ra đời năm 1353 nhưng trước đó hàng ngàn năm, trên lãnh thổ Lào đã có ngươì cổ sơ sinh sống. Ngay từ đầu công nguyên, nhiều nhóm người thuộc hệ Môn-Khơ me và Thay-lao đã sống xen kẽ bên nhau. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đã hình thành một xã hội hỗn hợp giữa các dân tộc thuộc hệ Môn-Khơ me – Thay-lao với trung tâm là những mường cổ đại như Tạ boong, Xai-phoong, mường Xẻn, mường Phuôn. Mỗi mường cổ đại là một tiểu vương, có tổ chức hành chính chặt chẽ, do một lãnh chúa đứng đầu gọi là “chạu mường” (chủ mường). Cơ sở kinh tế chủ yếu của các mường cổ đại là nông nghiệp lúa nước và nương rẫy.

Theo truyền thuyết Lào, do có trình độ sản xuất cao hơn nên mường Xoa - một mường nằm trên cửa sông Nặm-khàn của người Thay-lao đã giữ vai trò trung tâm trong việc tập họp các mường Lào cổ đại thành một quốc gia thống nhất và sau đó, mường Xoa trở thành thủ đô của nước Lào lạn-xạng. Mãi đến năm 1536, mới dời đô về mường Viêng-chăn.

Người Lào có các nhóm Lào lùm, Lào Thơng và Lào xủng.

Nhóm Lào lùm bao gồm các dân tộc thuộc ngữ hệ Lào - Thay như Lào, Thay, Phuôn, Lự, Phu - thay, Duôn (dân tộc Lào đông nhất). Họ sinh sống ở các vùng thấp. Các tộc thuộc Lào lùm có nền văn hoá chung phong phú, đa dạng và phát triển. Người Lào lùm đều dùng chữ phổ thông, cùng nói chung một thứ tiếng nhưng chỉ khác ít nhiều về thổ âm. Hầu hết họ đều theo đạo Phật phái tiểu thừa (gọi là Hỉn-nạ-nhan). Cùng với đạo Phật, người Lào lùm vẫn duy trì các hình thức tín ngưỡng cổ xưa, điển hình là thờ thần linh, thờ phỉ (ma).

Nhóm Lào thơng bao gồm hơn 20 dân tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khơme như Khơ-mú, Khơ- bít, Phoọng, Puộc, Kạ-tang, Pa-kô, Tà-ôi, Lạ-vên, Lạ-ve, Xẹc, Nha-hớn, Kạ-tu, A-lắc...(dân tộc Khơ-mú đông nhất). Họ sinh sống rải rác ở các địa bàn từ Bắc vào Nam, tại các miền rừng, triền núi, cao nguyên, dọc theo các con sông, con suối nhỏ. Người Lào thơng không có chữ viết riêng. Sau năm 1945, họ mới được học chữ Lào. Một số tộc sống gần người Lào lùm thì theo đạo Phật còn phần lớn đều thờ đa thần.

Nhóm Lào xủng bao gồm các dân tộc thuộc ngữ hệ Mẹo - Dạo và Tạng- Miến như Hơ- mông, Dao, Lô-lô, Hà-nhì...(dân tộc Hơ-mông đông nhất). Họ sinh sống trên những rẻo cao, đỉnh núi cao từ 1000m trở lên, ở Bắc Lào, thuộc các tỉnh Xiêng-khoảng, Luông-pha-băng, Sầm-nưa và Bắc Viêng-chăn. Trước kia, người Lào xủng không có chữ viết riêng. Sau năm 1960, họ mới được học chữ Lào. Người Lào xủng phần lớn đều thờ đa thần, cúng tổ tiên, một số vùng còn thờ phật tổ nhưng chỉ ở mức kiêng kị, không ăn và không giết mổ.

Nhìn chung, Lào là quốc gia có nhiều nhóm dân tộc, mỗi nhóm có sắc thái văn hoá riêng, trình độ sản xuất còn chênh lệch nhưng trong quá trình lịch sử, họ đã cùng kề vai sát cánh bên nhau, bền bỉ đấu tranh cho một quốc gia Lào độc lập, thống nhất. Sau ngày đất nước giải phóng, chính phủ nước CHDCND Lào đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm cải thiện đời sống nhân dân các nhóm dân tộc về cả tinh thần và vật chất, đặc biệt đối với nhân dân vùng xa xôi, hẻo lánh. Vì vậy, khoảng cách trên nhiều lĩnh vực giữa các nhóm dân tộc ngày càng được rút ngắn.

Tháng 11/ 2007


MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ TÍN NGƯỠNG CỦA CÁC DÂN TỘC LÀO

Từ Thu Mai
Khoa Xã hội – CĐSP Quảng Trị

1. Tín ngưỡng thờ thần linh

Thờ thần linh là tín ngưỡng cổ ở Lào. Mặc dù tôn sùng đạo Phật nhưng người Lào vẫn thờ các vị thần liên quan đến cuộc sống, đến sản xuất như trời, đất, nước, mưa, nắng, sấm, sét. Các vị thần linh lớn làm chủ trên trời, mặt đất và dưới nước là Phạ-thẻn (Ngọc Hoàng), Tho-ra-ni (Thổ Địa) và Nác (rồng, hà bá).

Đối với người Lào, thần còn là nhân vật lịch sử có thật đã có công lớn trong việc bảo vệ sản xuất, diệt trừ ác quái, thú dữ, dũng cảm đưa nhân dân, bản mường vượt qua những thử thách, khắc nghiệt, che chở và tiếp sức cho con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Tục thờ thần ở Lào tồn tại khá lâu nhưng vẫn không có hệ thống giáo lí, sự thống nhất giữa các địa phương hoặc có sự chuyển từ đa thần sang độc thần. Xu hướng phát triển chung của tín ngưỡng này là đơn giản hoá và thiết thực tôn thờ các đối tượng có quan hệ mật thiết đến thành quả lao động và đời sống con người.

2. Tín ngưỡng thờ phỉ (ma)

Người Lào quan niệm mọi vật đều có linh hồn, khi chết thì linh hồn vẫn tồn tại. Những linh hồn này nhập vào một vật thể nào đó có uy lực thì trở thành vật linh thiêng (khết). Phỉ có thể phù hộ nhưng cũng có thể gây tai hoạ cho con người nên đã hình thành hai khái niệm là phỉ đi (ma lành) và phỉ hãi (ma dữ). Phỉ đi là ma bản, ma nhà (ông bà, cha mẹ, người phúc đức, có công với bản) thường trú ngụ quanh bản làng, nhà cửa để che chở, bảo vệ con cháu, dân bản. Phỉ hãi thường là linh hồn của những người chết bất đắc kì tử, chết oan, chết yểu, không người thờ cúng. Loại ma này thường lẫn khuất ở những cây cao lớn, sum suê, tại các vực nước xoáy, mỏm đá cao... luôn quấy rầy cuộc sống bình yên của con người.

3. Các tín ngưỡng tôn giáo

3.1. Tín ngưỡng đạo Bà-la-môn

Đạo Bà-la-môn là một tín ngưỡng sớm thâm nhập vào Lào nhưng không rõ vào thời điểm nào. Qua một số nghi lễ, di tích cũ còn lại đến nay thì chùa Văt-phu xã Noỏng - viêng, huyện Chăm-pa-sắc, tỉnh Chăm-pa-sắc và chùa Xỉ-mường ở thủ đô Viêng- chăn đã chứng tỏ đạo Bà-la-môn có thời kì phát triển ở Lào. Tuy nhiên, hiện nay, tín ngưỡng này bị mờ dần và nhường chỗ cho đạo Phật.

3.2. Tín ngưỡng đạo Phật

Tuy được truyền bá vào lào sau đạo Bà-la-môn nhưng đạo Phật sớm bắt rễ và phát triển mạnh mẽ. Hiến pháp vương quốc Lào trước đây qui định đạo Phật là quốc giáo, nhà vua là người đỡ đầu cao nhất cho đạo Phật. Đến các công sở của vương quốc Lào trước đây thường thấy câu khẩu hiệu “Tổ quốc, nhà vua và đạo Phật”.

Đạo phật tiểu thừa (Hỉn-nạ- nhan) ra đời trước khi quốc gia Lào lạn- xang thống nhất ra đời. Sau đó, nó tiếp tục phát triển tại các mường Lào cổ đại qua các triều đại từ vua Phạ-ngừm đến Xay-nhạ Chắc-cạ-phắt Phèn-phèo, rồi đến các triều Vi-sun-na-lạt, Phô-thi-xả-lạt, Xay-nha Xệt-thả-thi-lát, Xu-li-nha Vông-xả, A-nũ và qua các thời kì đấu tranh chống giặc Hồ, chống phong kiến Xiêm, chống Pháp, chống Mĩ cho đến nay.

Đạo Phật tiểu thừa ở Lào có một hệ thống giáo lí chặt chẽ, được pháp luật thừa nhận. Đó là con đường tiếp thụ đạo Phật của tầng lớp quý tộc, phong kiến và các vị hoà thượng tốt nghiệp các viện Phật học. Còn quảng đại quần chúng nhân dân thì mỗi người, mỗi địa phương lại tiếp nhận đạo Phật theo tình cảm và sự hiểu biết của mình. Tuy vậy, những tín ngưỡng ở Lào đều mang dấu ấn của đạo Phật.

Hầu hết các bản mường của người Lào lùm đều có chùa. Đây là địa điểm thực hiện tín ngưỡng và để tụ họp, làm từ thiện. Hiện nước Lào có gần 3000 ngôi chùa.

Ở mỗi chùa đều có trống, mõ và chiêng đồng. Trống ở chùa là loại trống cái, hai đầu bịt da, treo ở a-lam hay hỏ-koong (ngôi nhà nhỏ). Mõ ở chùa gọi là pôông. Mõ hình tròn, thon thả, dài trên 1mét, làm bằng thân gỗ, bởi những người thợ lành nghề đục đẽo. Mõ ở chùa thường đánh mỗi ngày hai lần vào lúc tờ mờ sáng (pôông xạu) và lúc nhá nhem tối (pôông khặm). Tiếng trống, mõ, chiêng vang lên từ ngôi chùa là rất thiêng liêng và quen thuộc.

Cuộc đời mỗi người Lào có mối liên hệ gắn bó với ngôi chùa bản và các vị sư sãi. Lúc nằm trong bụng mẹ, họ được tăng lữ cầu mong cho mọi sự tốt lành. Lúc cất tiếng chào đời, đứa bé được sư sãi bấm số, đặt tên, cho bùa hộ mệnh đeo ở cổ để tránh tai nạn, ốm đau. Lúc biết chạy nhảy tung tăng thì sân chùa là nơi tụ họp. Khoảng 10 tuổi, đứa trẻ theo lời cha mẹ, cạo đầu đi tu để gần gũi sư thầy, sư bác mà học chữ, học đạo lí. Đến 18, 20 tuổi, họ lại lần nữa cạo đầu đi tu từ vài tuần đến vài năm. Thoát tục, họ được nhà chùa phong chức sắc là thít (sư ông) hay chan (sư bác) hoặc ma-hả (nếu được cử đi học tại Viện Phật giáo).

Chùa, tháp ở Lào thường được xây dựng trên những khu đất lớn, cao ráo, tại vị trí trung tâm của bản mường. Trên sân chùa có nhiều cây xanh toả bóng mát và không thể thiếu được cây bồ đề (nằm ở vị trí trung tâm) và các loại cây có hương thơm như chăm - pi (hoa lan), chăm-pa (hoa đại, hoa sứ).

Mỗi ngôi chùa có qui mô lớn nhỏ khác nhau nhưng thường được chia thành 3 khu vực là a-ham (lễ đường), hỏ-thạ-mạt (bục cao để tăng ni đọc kinh) và xỉm (Phật đường).

Những ngọn tháp cổ nhất ở Lào là tháp Xỉ-khốt-tạ-boong, tháp Phùn, tháp In-hăng. Ngọn tháp được xây lớn nhất, cao nhất, nổi tiếng nhất ở Lào là Thát-luông tại Viêng-chăn. Chùa lớn ở Viêng-chăn là chùa Xỉ-xa-kệt được khởi công từ 1818 và hoàn thành vào 1824. Đây là chùa có kiến trúc đẹp và rất linh thiêng.

Có thể nói, mỗi ngôi chùa, ngọn tháp ở Lào là một công trình nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn của một thời đại. Nó là biểu tượng của ý chí, sức mạnh của nhân dân các dân tộc Lào trong quá trình lịch sử. Song song tồn tại cùng các loại hình văn hoá vật thể đó, loại hình văn hoá phi vật thể - tín ngưỡng cũng được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ Đạo Phật (phái Tiểu thừa) đã làm nên màu sắc văn hoá đặc trưng, rõ nét và là điểm chung của các dân tộc ở Lào.

Tháng 11/ 2007


MỘT SỐ PHONG TỤC, TẬP QUÁN CHỦ YẾU CỦA NHÂN DÂN LÀO

Từ Thu Mai
Khoa Xã hội – CĐSP Quảng Trị

Nhân dân Lào có rất nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử. Những phong tục, tập quán ấy trở thành “hít bản không mường” (lệ làng) và được mọi người tự giác thực hiện. Thành viên nào làm trái lệ làng sẽ bị phạt bằng những hình thức khác nhau do các già làng và tập thể mường quyết định.

Sau đây là một số phong tục, tập quán của nhân dân Lào:

1. Về ăn uống

Cây lương thực chủ yếu của Lào là lúa nếp và lúa tẻ. Bữa ăn của họ thường có đồ nướng (cá, thịt) và gỏi chèo cùng những quả đắng, chua, chát như chuối xanh, me. Thức ăn được người Lào ưa thích là cá, ốc, ếch, tôm, tép và thịt các loại thú rừng nhưng loại thịt được xếp hàng thứ nhất là thịt trâu, thịt bò. Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn. Pà-đẹc (mắm cá) được dùng nêm vào các món ăn. Món lạp được dùng trong các bữa cơm lễ hội và tiếp khách.

Trong bữa cơm, dù thức ăn nhiều hay ít thì khách đều phải ăn mỗi thứ một ít cho hài lòng gia chủ nhưng cũng phải để lại một ít cơm, xôi để tượng trưng cho sự no đủ, thừa thãi cơm gạo.

2. Về nhà ở

Nhà ở của người Lào thường là nhà sàn gỗ. Để dựng được một ngôi nhà sàn, người ta thường sử dụng sức mạnh tập thể của bản, mường và làm đúng qui trình với các lễ nghi qui định. Nhà sàn của người Lào thường quay về hướng Bắc, lưng tựa hướng Nam. Nhà có ba gian, tám cột. Khi đào và chôn cột phải đào hố, chôn cột phía Nam (xảu hẹc) trước, sau đó là phía Đông (xảu khoẳn).

Ngôi nhà thường được chia làm hai phần chính. Phía ngoài là nơi ăn uống, bếp núc. Phía trong là một dãy buồng riêng dùng để thờ cúng và nghỉ ngơi.

3. Về trang phục, trang sức

Từ lâu, nhân dân Lào đã tự túc được các loại vải, chăn. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả, củ rừng để nhuộm vải. Các cô gái Lào thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu của rừng núi, hoa tươi...

Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn, tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc phạ-xạ-rông (khăn dài) màu hoặc kẻ ô. Những ngày lễ hội quan trọng, họ mặc y phục dân tộc là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái, quấn chiếc phạ-nhạo-nếp-tiêu màu sắc sặc sỡ và quàng chiếc phạ biềng (khăn) chéo qua ngực. Trong cuộc sống hàng ngày, người Lào thường dùng loại khăn gọi là phạ-phe. Đây là chiếc khăn vải kẻ ô màu trang nhã, thường dùng làm khăn tắm hay dùng che đầu, quàng cổ, gói quần áo buộc vào thắt lưng...

Với phụ nữ Lào, lúc còn nhỏ, họ có thể để tóc hoặc hớt tóc nhưng trên 10 tuổi thì phải bới tóc (chưa có chồng thì búi lệch, có chồng rồi thì búi thẳng), ngoài 50 tuổi, họ thường cắt tóc ngắn. Theo tập quán cổ truyền, phụ nữ Lào thường mặc váy có cạp, có gấu, không quá ngắn hoặc quá dài.

Váy có đường viền thêu hình hoa lá, chim muông, áo có đính khuy đồng hay khuy bạc; dây thắt lưng bằng bạc gọi là khểm-khắt cùng với đôi bông tai, dây chuyền, nhẫn, vòng tay là những kỉ vật mà người con gái được cha mẹ sắm cho từ lúc còn nhỏ.

4. Phân công lao động

Trong gia đình, người chồng thường làm những công việc nặng nhọc như cày bừa, phát nương, đắp mương phai, săn bắt, sửa chữa nhà cửa. Các em trai làm những việc nhỏ hơn như chăn trâu bò, trông coi ruộng rẫy, theo cha tập việc người lớn... như câu cá, gài chông bẫy... Những công việc nhẹ như gặt hái, trông nom vườn tược, chăn nuôi, hái lượm, nấu nướng, may vá, dệt vải, chăm sóc con cái đều do phụ nữ đảm nhiệm.

5. Quan hệ gia đình, họ hàng, xóm giềng

Các bản mường thường có một số dòng họ. Mỗi họ có nhiều gia đình. Các gia đình gắn bó với nhau về truyền thống, tình cảm và kinh tế.

Về họ hàng, người Lào có họ cha, họ mẹ, họ nhà chồng, nhà vợ. Gửi rể là tập quán phổ biến của nông thôn Lào. Chàng rể phải ở nhà vợ một thời gian nhất định, khi vợ chồng ra ở riêng sẽ được cha mẹ chia cho một phần tài sản.

Người Lào rất quý con và bình đẳng giữa con gái với con trai. Cũng như con trai, con gái được tự do đi dự lễ hội, được hưởng phần tài sản của bố mẹ. Chế độ một vợ một chồng là phổ biến trong các gia đình người Lào.

Tục kết nghĩa anh em, bạn bè và cách sống trung thực, thật thà, nghĩa tình tồn tại khá lâu và vẫn được duy trì.

Ngoài họ hàng, bà con ra, mỗi thành viên trong bản làng còn có mối quan hệ với cộng đồng. Tập quán đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và mến khách là một tập quán tốt của người Lào. Khách đến nhà, sẽ được chủ nhà cầu may và được chào hỏi thân tình, trang trọng.

Tuy nhiên, khách cũng phải biết ý tứ theo đúng phong tục, tập quán để khỏi phật ý gia chủ. Cụ thể, người Lào rất kị sờ đầu, tránh chui qua gầm nhà, dây phơi quần áo. Vì vậy, khách không được chạm vào đầu người khác hoặc xoa đầu trẻ em. Khi đi cần tránh đụng vào hoặc bước qua chân người khác. Khi đi qua mặt các cụ già phải xin lỗi và cúi thấp người xuống một chút. Khi chào phải chắp tay trước ngực, đầu hơi cúi xuống.

6. Lễ cầu yên (xù-khoẳn) và lễ buộc chỉ cổ tay (phục khẻn)

Xù-khoẳn là một nghi lễ đơn giản nhưng thiêng liêng, trang trọng, phổ biến trong nhân dân các bản mường. Chỉ cần cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ xù-khoẳn (vía trở lại). Mâm lễ (pha-khoẳn), người làm lễ (mỏ khoẳn) và nội dung cầu mong trong lễ (xụt-khoẳn) là các yếu tố có ý nghĩa có ý nghĩa cả về tâm linh và nghi lễ.

Phục-khẻn chỉ cần lễ vật là quả trứng luộc, quả chuối chín, nắm gạo, sợi chỉ trắng nhưng với nghi lễ của mình, người Lào buộc chỉ vào cổ tay khách và thể hiện sự chân thành, thận trọng và tin tưởng.

7. Tu hành

Tu hành là một bước ngoặt quan trọng đối với mỗi thanh thiếu niên Lào. Việc tu hành trở thành tục lệ phổ biến nhưng vẫn có những qui định tối thiểu. Trước hết, người xin đi tu phải đủ tuổi, phải là người sinh sống lương thiện, có gia đình, bà con ở một bản mường nhất định; phải có tư cách đúng đắn, sống lành mạnh, không nghiện rượu, đam mê cờ bạc hoặc thuốc phiện và phải có cơ thể lành lặn.

Khi có đủ các điều kiện trên, gia đình và người đi tu phải làm lễ koong-buột (nhập tu) và sau đó là lễ Pa-khên-nác (dâng rồng). Sau thời gian tu hành, nếu gia đình muốn cho con về với cuộc sống trần tục thì phải làm một nghi thức đơn giản là koong-síc.

8. Tục lệ cưới xin

Hình thức cưới xin ở Lào khá phong phú và phản ánh khá rõ nét một hình thức sinh hoạt tinh thần của người Lào và tích tụ nhiều tập quán cổ của mỗi nhóm dân tộc. Tục cưới xin của người Lào từ trước đến nay thường theo trình tự từ dạm hỏi, lễ cưới và lại nhà như ở Việt Nam. Chỉ có điều khác là đến giờ cưới, khi làm lễ, trưởng họ nhà trai chúc, vẩy nước và buộc chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể. Sau lễ cưới, chàng trai ở rể và tham gia lao động với gia đình vợ.

Việc cưới xin ở Lào còn có tục kan-xu (cho nợ lễ cưới). Vợ chồng nghèo có thể lấy nhau, sau khi làm ăn khá giả, sẽ tổ chức đám cưới theo tập tục của bản mường.

9. Ma chay

Trong gia đình, khi có người chết thì những người thân dù đau thương nhưng không khóc lóc thảm thiết mà nén lòng chịu đựng.

Người chết là ông bà, cha mẹ thì con cháu dùng nước dừa non để rửa mặt, dùng giấy in dấu chân tay để thờ cúng. Thi hài được vẩy nước thơm và được người thân lấy đồng tiền được mài sáng cho vào miệng, lấy chỉ trắng buộc một vòng vào cổ, hai tay và hai chân. Dù hoả táng hay chôn thì thi hài của người chết cũng được đặt vào quan tài.

Chọn vị trí chôn cất hay hoả táng trong bãi tha ma, người Lào thường dùng nắm xôi hay quả trứng tung lên. Nếu quả trứng hay nắm xôi rơi ở đâu thì chôn hay hoả táng ở vị trí đó.

Nếu hoả táng thì ba ngày sau, người thân mời bà con và các vị sư ra nhặt xương, đem bỏ vào hũ sành, đưa về đặt ở các tháp trong chùa để tiện thờ cúng.

10. Ca múa nhạc

Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn-nẳng-xử.

10.1. Lăm

Lăm có nhiều loại nhưng tập trung vào hai nhóm là lăm xẵnlăm nhao.

Lăm xẳn là những bài ca ngắn nhằm diễn đạt tâm tư, tình cảm của con người. Lời của lăm xẳn thường giàu vần điệu, được sáng tác để ứng khẩu theo tình huống. Còn Lăm nhao là những bài trường ca. Trong lăm xẳn có các loại sau:

- Lăm-loòng có âm điệu ngân dài, bổng trầm tha thiết, phù hợp với miêu tả cảnh mênh mông sông nước, mây trời, làng xóm ven sông.

- Lăm-vay (ở miền Trung Lào) có nhịp điệu sôi nổi, thôi thúc, phù hợp với các điệu múa theo động tác lao động.

- Lăm-tạy (ở Nam Lào) còn gọi là lăm-xỉ-phăn-đon có âm điệu dịu dàng, uyển chuyển; lời giàu hình ảnh ví von, tỏ ý, tỏ tình...

- Lăm-tắt thường biểu diễn khi có khèn đệm kết hợp với múa. Nhịp điệu của lăm tắt êm ái, trầm bỗng. Mở đầu là tiếng “ồ” ngân dài và tiếng hò reo đế theo.

- Lăm-tỡi là loại lăm phổ biến nhất của Lào. Nhịp điệu của lăm tỡi sôi nổi, dồn dập. loại lăm này được biểu diễn bởi hai người, một trai và một gái, vừa ca vừa múa theo điệu khèn. Điệu múa này (gọi là phõn kiểu, tức phòn) rất nhịp nhàng, tình tứ. Trong lăm tỡi lại có các làn điệu tỡi mang sắc thái địa phương như tỡi pha- mã ở các mường miền Bắc; tỡi ma-hả-xay ở Khăm-muộn, trung Lào....

10.2. Các loại hình ca múa nhạc khác

- Khắp là thể loại dân ca phổ biến tại các tỉnh miền Bắc nước Lào. Đó là những khúc ca ngắn giống các điệu hò ở Việt Nam.

- Xỡng là loại dân ca đơn giản thường kèm theo múa. Có các loại xỡng như xỡng bẵng-phay (ca trong lễ hội pháo thăng thiên), xỡng xuồng-hưa (ca trong lễ hội đua thuyền).

- Àn-nẵng-xử là đọc diễn cảm hoặc ngâm vịnh theo nội dung bài thơ, câu chuyện.

- I-kê-la-khon là hình thức ca nhạc kịch cổ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ.

- Loọng -phêng (hát) gồm những bài hát mới và những bài được tách từ i-kê-la-khon.

- Múa là loại hình dân gian phổ biến nhất. Điệu múa sớm nhất của Lào là múa Bẵng- phay, Lăm-phen, Xỉ-nuôn, Cò-thạt, Đoọc-bua (hoa sen).

- Nhạc cụ gồm Khen (khèn bè), Koong (trống), Koong tũng (trống cơm).

11. Những ngày hội truyền thống ở Lào

1. Bun-xẳng-khạ-chạu -khạu -cằm (hội cùng các vị thần linh, các loại ma tà) tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng.

2. Bun-khun-khãu (hội vía lúa) tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 2.

3. Bun-ma-kha-bu-xa (hội mừng ngày đắc đạo của Phật) tổ chức vào ngày 15 tháng 3.

4. Bun-phạ-vết (hội Phật Vết-xẳn-đon) tổ chức vào ngày 30 tháng 4.

5. Bun-pi-mày (hội năm mới) tổ chức vào ngày 13-15 tháng 5.

6. Bun-vĩ-xả-kha-bu-xa (hội Phật đản) tổ chức vào ngày 15 tháng 6.

7. Bun-xăm-hạ (hội tống ôn để cầu an, tẩy uế) tổ chức vào tháng 7.

8. Bun-khãu-phản-xả (hội vào chay) tổ chức vào 15 tháng 8.

9. Bun-khãu-pạ- đắp- đin (hội chúng sinh) tổ chức vào 15 tháng 9.

10. Bun-hò-khãu-xạc (hội cúng các oan hồn) tổ chức vào 15 tháng 10.

11. Bun-oọc-phản-xả (hội mãn chay) tổ chức vào 15 tháng 10.

12. Bun-kạ-thỉn (hội dâng lễ vật cho sư) tổ chức vào 15 tháng 12.

13. Bun-thap-luổng (hội tháp luông) tổ chức vào trung tuần tháng 12 tại thủ đô Viêng-chăn là lễ hội lớn nhất có ý nghĩa đề cao và củng cố Phật giáo ở Lào.

Tháng 11/ 2007