Nâng cao hiệu quả sử dụng các đề thi tự luận
[ Ngày đăng: 14/01/2014 8:43:38 SA, lượt xem: 6644 ]

Cùng với sự phát triển của lý thuyết khảo thí hiện đại và những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, các dạng thi trắc nghiệm đã chiếm ưu thế hẳn so với các dạng thi tự luận trong các kỳ thi có qui mô lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế ở trường, khi chưa có ngân hàng câu hỏi thi, thì đề tự luận vẫn có nhiều ưu thế và trước mắt cần được tiếp tục sử dụng.

* Các ưu điểm của đề thi tự luận:

- Dễ làm và ít gây sai sót hơn so với các đề thi trắc nghiệm.

- Có thể làm trong một thời gian ngắn và dễ rà soát (vì số câu hỏi không nhiều).

- Công tác in và sao  đềnhẹ nhàng vì đề chỉ trong khuôn khổ không quá 1 trang giấy.

- Thí sinh không thể đoán được câu trả lời.

- Thuận lợi cho mục đích đánh giá các kỹ năng ở bậc cao của học sinh như tổng hợp, phân tích và sáng tạo …

* Các nhược điểm của đề thi tự luận:

- Không thể làm trước quá sớm vì dễ bị lộ

- Khó bao phủ toàn bộ chương trình

- Thí sinh dễ dùng ‘phao’ để quay cóp

- Rất phức tạp khi chấm vì tính chủ quan và tiêu cực

- Khó phân tích đánh giá các câu hỏi thi để rút kinh nghiệm

* Một số đề xuất để hạn chế nhược điểm của đề thi tự luận:

- Thiết kế mục đích của các kỳ thi: không nhằm kiểm tra kiến thức học thuộc mà chỉ nhằm đánh giá năng lực tổng hợp, phân tích và sáng tạo của thí sinh. Với mục đích như thế, có thể sử dụng kỳ thi mở sách (Open-book exams), cho phép thí sinh dùng tài liệu trong các kỳ thi.

- Các câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề cần hỏi.

- Tăng số câu hỏi trong mỗi đề đến mức tối đa để bao phủ chương trình được nhiều hơn, nhưng không quá nhiều vì tốc độ viết của thí sinh.

- Gắn điểm cho mỗi câu hỏi và tổng thời gian làm bài cho cả bài để thí sinh sử dụng thời gian có hiệu quả nhất.

- Đối với các môn khoa học xã hội nên giới hạn trang viết cho mỗi câu hỏi hoặc gợi ý thời gian thích hợp cho mỗi câu để tăng hiệu quả làm bài của thí sinh.

- Đề thi chỉ nên có 1 phương án đúng.

* Một số đề xuất khi chấm bài thi tự luận:

- Đánh giá bài làm của học sinh theo mục đích của bài thi, chú trọng theo sát nội dung và yêu cầu của chương trình đã được học;

- Với những câu hỏi tự luận ngắn, đáp án nên có câu trả lời mẫu cho mỗi câu hỏi và phân bố điểm cho những ý mà thí sinh có thể đạt được (ví dụ: nội dung trả lời đúng: ý 1, ý 2, ý 3…, lập luận logic, giải thích rõ ràng…);

- Với những câu hỏi tự luận mở, thí sinh có thể viết rất nhiều trang để trả lời một câu hỏi, không thể chấm từng câu, từng ý, do đó nên sử dụng phương pháp chính thể luận (Holistic method) để chấm;

- Đáp án là một bảng các tiêu chí đánh giá được soạn cho từng câu hỏi. Người chấm đánh giá chất lượng câu trả lời của thí sinh theo các tiêu chí trong đáp án. Các tiêu chí được xác lập căn cứ vào yêu cầu của câu hỏi và nội dung, yêu cầu của chương trình đã được học;

- Các tiêu chí đánh giá cần được chia thành một số mức chất lượng trả lời (ví dụ: 5 mức), nếu có thể thì xác định yêu cầu của mỗi mức, để người chấm dễ ước lượng;

- Chấm lần lượt từng câu hỏi cho tất cả các thí sinh. Mỗi câu trả lời của thí sinh cần được đọc 2 lần. Sau lần đọc thứ nhất, phân loại theo một số nhóm (có thể là 5 nhóm) từ tốt nhất đến kém nhất. Lần thứ hai, kiểm tra tính đồng nhất của mỗi nhóm, và có thể điểu chỉnh lại;

- Sau khi chấm từng câu trả lời theo các tiêu chí thì qui thành điểm trả lời cho câu hỏi đó. Nên dành một phần điểm cho việc đánh giá chất lượng tổng thể câu trả lời của thí sinh;

- Để đảm bảo công bằng khi chấm, cần chấm câu hỏi theo câu hỏi (question by question) cho tất cả các thí sinh, không chấm cả bài của thí sinh theo thí sinh (examinee by examinee);

- Để kết quả chấm câu sau không bị chi phối bởi kết quả chấm câu trước, không nên nhìn vào kết quả của câu trước. Có thể làm cho mỗi câu hỏi một phiếu chấm (chung cho tất cả các thí sinh) để ghi kết quả chấm vào đó. Sau đó cất đi trước khi bắt đầu chấm câu tiếp theo;

- Giáo viên chấm cần xem lại bài lần cuối trước khi chuyển cho người khác;

- Để tránh sai sót ngẫu nhiên khi chấm, hai người chấm phải hoàn toàn độc lập với nhau;

 

- Trần Thị Thanh Huyền -

* Tài liệu tham khảo:

Bài giảng: Nâng cao hiệu quả sử dụng đề thi tự luận của TS. Phạm Xuân Thanh – Cục Khảo thí và KĐCL, Bộ GD-ĐT và TS. Nguyễn Kim Dung – Viện Nghiên cứu GD, ĐHSP TPHCM.