Ngày nhà giáo các nước trên thế giới
[ Ngày đăng: 20/11/2011 10:38:55 SA, lượt xem: 4421 ]

NGÀY NHÀ GIÁO CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
                                                      Thanh Nga (sưu tầm)

Từ lâu, vai trò của Nhà giáo và nghề dạy học đã được đề cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp hết sức quan trọng của họ đối với sự nhgiệp giáo dục và  sự phát triển chung của toàn xã hội. Mỗi quốc gia có một cách tổ chức ngày lễ đặc biệt này theo cách riêng của mình.

1. Afghanistan (24/05)

Vào ngày này, các trường học ở Afghanistan vẫn mở, nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, chương trình toạ đàm, các sinh viên tặng quà cho giáo viên của họ. Các quan chức của Bộ Giáo dục cũng tham dự lễ kỷ niệm mang tính tượng trưng tại thủ đô Kabul. Họ khen ngợi và khẳng định vai trò của giáo viên trong xã hội. 

2. Brazil (15 /10)

  Ngày Nhà giáo hằng năm của Brazil được tổ chức vào ngày 15/10. Vào ngày này năm 1827, Dom Pedro, Hoàng đế đầu tiên của Brazil, đã ban hành Luật Giáo dục Tiểu học của nước này. Năm 1947, những người đầu tiên ở Brazil là giáo viên và học sinh tại một trường học ở thành phố S.Paulo tổ chức ngày Nhà giáo, và ngày này chính thức được chọn làm ngày Nhà giáo ở Brazil từ năm 1963.

3. Chilê (16/10)

 Chilê, ngày Nhà giáo được tổ chức hằng năm vào ngày 16/10. Trước năm 1947, ngày Nhà giáo Chilê được chọn là 10/12 để kỷ niệm ngày nhà thơ Chile Gabriela Mistral được trao giải Nobel Văn học (năm 1945). Nhưng đến năm 1977, ngày Nhà giáo Chilê được đổi sang 16/10, là ngày thành lập Trường Sư phạm Chilê (Colegio de Profesores de Chile).

4. Trung Quốc (10/9)

Ngày Nhà giáo được đề xuất bởi Trường Đại học Trung ương Quốc gia vào năm 1931 và nó được chính phủ thông qua vào năm 1932. Đến năm 1939, ngày Nhà giáo  được ấn định là 27.8 – ngày sinh của Khổng Tử. Tuy nhiên đến năm 1951, Chính phủ của nước này đã xóa bỏ ngày đó. Đến năm 1985, theo đề nghị của Wang Zishen (Nguyên Chủ tịch Đại học Bắc Kinh), Trung Quốc đã thống nhất chọn ngày 10 tháng 9 hàng năm là ngày Hiến chương Nhà giáo của mình. 

Là một quốc gia phương Đông vốn có truyền thống coi trọng đạo lý “tôn sư trọng đạo”, nhiều thế hệ học sinh cũng như ông bà, cha mẹ các em thường đến thăm các đền, miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...

5. Pháp  (5/12).

Ở Pháp, ngày lễ tết của Nhà giáo là 25/12. Vào ngày này, khắp nơi trên nước Pháp đều tổ chức lễ hội để biểu dương thành tích của các thầy cô giáo nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Phụ huynh và học sinh đều đi thăm hỏi gia đình các thầy cô giáo.
6. Ấn Độ (5/9)

Ở Ấn Độ, ngày Nhà giáo được tổ chức vào 5/9 hàng năm để tỏ lòng tôn kính bác sĩ Sarvepalli Radhakrishnan - Nguyên tổng thống Ấn Độ (5/9 là sinh nhật ông). Ông Sarvepalli là triết gia và Nhà giáo xuất chúng của Ấn Độ. Vào ngày này, ở một số trường học, học sinh sinh viên lớp lớn đảm nhiệm trọng trách dạy học như là một sự thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy cô. 

7. Indonesia (25/11)
Ngày Nhà giáo của đất nước Indonesia cũng là ngày kỷ niệm thành lập của Hiệp hội Giáo viên Indonesia. Ngày này thường được chọn để tổ chức các hoạt động nghi lễ công nhận giáo viên, hiệu trưởng và nhân viên trong của các trường. 

8. Hàn Quốc (15/5)
Ngày Nhà giáo ở Hàn Quốc được tổ chức hằng năm vào ngày 15/5 (từ năm 1963). Ngày này được chọn theo ngày một nhóm thanh niên là thành viên hội chữ thập đỏ đã đến thăm những thầy cô giáo cũ của họ bị ốm phải nằm trong bệnh viện.
Trong ngày Nhà giáo Hàn Quốc, thầy cô giáo thường được các em học sinh tặng những bó hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính. Ngoài ra, cũng giống như ở Việt Nam, các cựu học sinh thường đến thăm và tặng những món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ. Hầu hết các học sinh được nghỉ học trong ngày lễ này.

9. Mông Cổ (ngày chủ nhật tuần thứ nhất của tháng 2)
  Từ năm 1967 ở Mông Cổ, ngày chủ nhật tuần thứ nhất của tháng 2 hàng năm là ngày tết của Nhà giáo. Cả nước đều tuyên dương công trạng những người làm công tác giáo dục tiên tiến bằng buổi lễ trọng đại. Vào thời gian đó, báo chí đều đăng trên trang nhất những thành tích nổi bật của ngành giáo dục nước này.

 10. Peru (6/7)
Ngày Nhà giáo được tổ chức hằng năm vào 6/7, lần đầu tiên là vào năm 1822, sau khi giành được độc lập từ Tây Ban Nha.  Jose de San Martin, anh hùng dân tộc của Peru, đã thành lập trường học đầu tiên dành cho những người bình dân. Trước đó, ở Peru chỉ những quý tộc giàu có mới được đi học. Năm 1953, Tổng thống Peru khi đó là Manuel A. Odría đã quyết định lấy ngày 6/7 hằng năm làm ngày Nhà giáo Peru.

11. Balan (14/10)
Ở Ba Lan, ngày Nhà giáo hằng năm được tổ chức vào ngày 14/10, hay còn gọi là Ngày giáo dục Quốc gia Ba Lan. Ngày Nhà giáo Ba Lan được lấy theo ngày vua Ba Lan Stanisoaw Poniatowski đã thành lập ra Ủy ban Giáo dục Quốc gia vào năm 1773.
 Ngày Nhà giáo ở Ba Lan được các giáo viên và học sinh nước này rất coi trọng. Theo truyền thống, trong ngày hội này, các em học sinh mang những bó hoa tươi và món quà nhỏ nhưng ý nghĩa để kính tặng thầy cô giáo của mình. Những hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau được tổ chức ở trường học cho cả giáo viên và học sinh. Trong những buổi liên hoan được tổ chức ở trường, các em học sinh thường biểu diễn những tiết mục văn nghệ và hòa nhạc. Đây là dịp để những học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của thầy cô giáo đã dạy dỗ các em nên người. Những bậc phụ huynh cũng đến trường cùng với con cái họ để cảm ơn các thầy cô giáo.

12. Bồ đào Nha (18/5),
Bồ đào Nha là nước có ngày tết các Nhà giáo sớm nhất thế giới, vào năm 1899. Cứ đến ngày 18/5, cả nước này lại tưng bừng như mọi ngày hội để đón mừng các thầy cô giáo. Tất cả học sinh và phụ huynh cùng đem hoa quả đến nhà, đến trường chúc mừng các thầy các cô giáo.

13. Nga (5/10)
       Nước Nga lấy ngày 5 tháng 10 hàng năm là ngày hiến chương các Nhà giáo. Trước năm 1994, người Nga thường lấy ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 10 làm ngày Nhà giáo. Họ kỷ niệm ngày lễ này với nhiều hoạt động tưng bừng. Những bó hoa tươi thắm, những viên kẹo ngọt ngào và các món quà lưu niệm đầy ý nghĩa được tặng cho hơn 1,5 triệu Nhà giáo Nga.

14. Nepal (Ngày trăng tròn của tháng nepali Ashad)
Ngày trăng tròn của tháng nepali Ashad, còn được gọi là 'Ashad sukla Purnima "và ngày thường rơi vào giữa tháng Bảy. Ngày Nhà giáo được gọi là "Guru Purnima" ở Nepal, tiếng Phạn có nghĩa là "Thầy là Thiên Chúa", giáo viên rất được tôn trọng ở đất nước này. Học sinh bày tỏ lòng tôn kính các giáo viên của mình bằng hoa, quà tặng; đôi khi thực phẩm và đổi lại, giáo viên sẽ ban phước lành cho họ. 

15. Thailand (16/1)
Ngày 31 tháng 11 năm 1956, Nội các Chính phủ Thái Lan thông qua quyết định chọn ngày 16 tháng 1 hàng năm là ngày Nhà giáo Thái Lan. Ngày Nhà giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1957.
Ngày Hiến chương Nhà giáo Thái Lan là một ngày lễ tôn kính của Thái Lan. Ngày này, các học sinh và toàn thể cộng đồng cùng nhớ lại vai trò quan trọng của những người thầy giáo như những ân nhân và là người đem lại ánh sáng cho cuộc sống. Trong cả buổi sáng, họ thường tổ chức một lễ kỷ niệm đặc biệt dành cho giáo viên. Điểm nổi bật của ngày này bao gồm các hoạt động tôn giáo. Một buổi lễ tôn giáo được tổ chức để cầu nguyện cho các Nhà giáo và các hoạt động khác nhằm tăng cường sự thống nhất trong giới giáo viên.

16. Mỹ (ngày thứ Ba trong tuần đầu tiên của tháng 5)
Ngày Nhà giáo ở Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Ba trong Tuần lễ Tôn vinh các Nhà giáo - tuần đầu tiên trong tháng 5 hằng năm. Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ coi Ngày Nhà giáo Quốc gia là “một ngày để tôn vinh các Nhà giáo và ghi nhận những đóng góp của họ đối với cuộc sống của chúng ta”.
Trong Ngày Nhà giáo Quốc gia, các em học sinh Mỹ thường bày tỏ lòng biết ơn những thầy cô giáo bằng những món quà lưu niệm ý nghĩa.

17. Việt Nam (20/11)
Năm 1953, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này được tổ chức lần đầu tiên trên toàn miền Bắc nước ta vào năm 1958 và những nǎm sau đó còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam.
Khi đất nước thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167- HĐBT công nhận ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
Ngày 20-11 hàng năm là ngày hội có tính chất xã hội rộng lớn nhất ở nước ta. Bằng nhiều hoạt động bổ ích và phong phú, ngày 20-11 hàng năm là ngày biểu dương những người dạy học và nghề dạy học, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo; là dịp để học sinh và cha mẹ học sinh cùng toàn xã hội thể hiện tình cảm biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với Nhà giáo.

    Ngày Nhà giáo thế giới (5.10):
UNESCO đã chọn ngày 5.10 là ngày Nhà giáo Thế giới vào năm 1994 để kỷ niệm lễ ký kết chung giữa UNESCO và Tổ chức lao động Quốc tế ILO về vấn đề quy chế giáo viên vào 5.10.1966. Theo UNESCO, ngày Nhà giáo thế giới thể hiện sự biết ơn và tôn trọng đối với những đóng góp quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục và phát triển xã hội.