Nguyễn Ái Quốc với những tháng năm trên đất nước Lê-nin
[ Ngày đăng: 15/05/2008 10:59:26 CH, lượt xem: 9314 ]

Đất nước Xô viết là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm quý giá trong cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chính những năm tháng ở trên quê hương Lê nin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập với quyết tâm thu nạp thêm năng lượng trí tuệ để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Hành trình cứu nước của Bác là một chặng đường dài khó kể hết. Ở đây chúng tôi chỉ xin lược thuật một số sự kiện gắn với quảng thời gian Người sống và làm việc ở quê hương Cách mạng Tháng Mười.

Đó là buổi tối ngày 13 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô. Hơn nửa tháng sau, đến Pêtơrôgrát, nơi từ lâu Người từng mơ ước được tới. Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của Lênin vĩ đại, Người lao vào công việc nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị xã hội của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Ngày 10 tháng 10 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị Quốc tế nông dân tại điện Kremlin - Matxcơva, với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương. Người đã 2 lần phát biểu trước Đại hội. Trong lời phát biểu chiều ngày 13 tháng 10 năm 1923, Người đã nói: Quốc tế của chúng ta chỉ trở thành chân chính khi trong Quốc tế này có những người nông dân phương Đông tham gia, đặc biệt là nông dân các nước bị áp bức, bị bóc lột tệ hại nhất…Ở đại hội này, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Uỷ viên Hội đồng Quốc tế nông dân (trong số 52 uỷ viên). Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng, ngày 17 tháng 10 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch (gồm 11 uỷ viên).

Cùng với hoạt động thức tiễn, Nguyễn Ái Quốc luôn hiểu sâu sắc việc cần phải học tập nâng cao nhận thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, nên cuối năm 1923, Người tranh thủ vào học lớp ngắn hạn trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông tại Matxcơva. Cũng trong thời gian sống trên đất nước Xô Viết, Người đã gặp gỡ, làm quen với nhiều đồng chí trong Quốc tế Cộng sản (QTCS) và kiên trì thuyết phục QTCS tiếp nhận thanh niên Việt Nam sang học tập tại Matxcơva. Người đã viết nhiều bài đăng báo nêu rõ các quan điểm của mình về vai trò của các thuộc địa, trách nhiệm của những người Cộng sản chính quốc và thuộc địa, trách nhiệm của QTCS; về tình cảnh nông dân Trung Quốc. Ngày 21 tháng 1 năm 1924, tin V.I.Lênin qua đời gây cho Nguyễn Ái Quốc sự xúc động to lớn: “Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một tổn thất lớn trong đời tôi”, sau đó, Người viết bài “Lê Nin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tờ Pravđa để thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân bị áp bức Phương Đông và các thuộc địa đối với Lênin, đồng thời ca ngợi sự lãnh đạo tài trí và quyết đoán của Lê nin.

Ngày 14 tháng 4 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc có quyết định của Ban Phương Đông QTCS nhận vào làm cán bộ của Ban. Ngày 1 tháng 5 năm 1924, Tổng Bí thư Ban chấp hành QTCS mời Nguyễn Ái Quốc đến Quảng trường Đỏ nói chuyện với những người biểu tình trong 2 giờ (từ 12 đến 14 giờ).

Ngày 15 tháng 6 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ IV của QTCS thanh niên tại Mátxcơva, Người đã phát biểu và nêu ra những ý kiến quan trọng về: vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa phải gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa…

Do yêu cầu của phong trào cách mạng Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì, thuyết phục Ban chấp hành QTCS để được về Việt Nam. Đến ngày 25 tháng 9 năm 1924, Người được nhận quyết định của Ban chấp hành QTCS để Người đi Quảng Châu (Trung Quốc).

Trong thời gian hoạt động ở Quảng Châu, Người hoạt động rất tích cực và hiệu quả cao trong nhiều công việc quan trọng cho cách mạng phương Đông, như biên soạn cuốn “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc”. Từ năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc tập trung mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam; sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức; hoàn thành các tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh”.

Tháng 11 - 12 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc được QTCS cử đi công tác tại Pháp và tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc ở Brucxen (Bỉ). Ngày 25-4-1928, Người nhận Quyết định của QTCS trở về Đông Dương. Tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc đến Bản Đông, Uđon, Sacôn…nước Thái làm công tác xây dựng tổ chức, dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam ở Thái. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc rời Thái đến Trung Quốc vào đầu tháng 1-1930 để thực hiện việc bàn về vấn đề thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam. Hội nghị hợp nhất được tiến hành từ ngày 3 đến 7 tháng 2 năm 1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc). Hội nghị đã nhất trí hợp nhất Đảng và tán thành lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện chính của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cùng năm đó, Người viết tác phẩm “Nhật ký chìm tàu”.

Mùa xuân năm 1934, trong y phục người Trung, Nguyễn Ái Quốc bước lên một chiếc tàu hàng Xô Viết ở Thượng Hải trở lại Liên Xô. Đến Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã gặp nhiều người trong uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế Công sản. Khoảng tháng 10 năm 1934 của năm học 1934 – 1935, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lin, bí số 375 là đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương được nhận vào học trường Quốc tế Lê Nin. Đây là nơi đào tạo cán bộ chính trị cao cấp cho các Đảng Cộng sản của các nước trên thế giới. Ngoài giờ lên lớp, Người nghiên cứu công tác xây dựng Đảng ở Xí nghiệp bánh kẹo “Tháng mười Đỏ”, đi thực tế tại các nông trường của tỉnh Riazan.

Ngày 25 tháng 9 năm 1935, Nguyễn Ái Quốc cùng với Minh Khai, Tú Hưu dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế thanh niên.

Mùa hè 1936, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị kế hoạch về nước, song bị lỡ chuyến đi, phải chờ dịp khác. Trong khi chờ đợi, Người vào làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời là giảng viên dạy các lớp có sinh viên đến từ các nước Đông Dương và Bắc Phi, Người lên lớp về các vấn đề: tổ chức, lịch sử Đảng, đất nước học...và hướng dẫn nhóm sinh viên học tiếng Pháp…, vì Người hiểu sâu sắc vấn đề các nước đó, giao tiếp với với sinh viên bình đẳng như các cộng sự hàng ngày. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn tham gia nghiên cứu và dịch thuật ở tổ “Bộ môn Đông Dương”. Đặc biệt trong năm 1936 – 1937, Nguyễn Ái Quốc thực hiện những công việc như dịch và biên tập tài liệu Hội nghị 7 QTCS

Ngày 17 tháng 1 năm 1937, với mật danh Lin, Người lập kế hoạch nghiên cứu sinh và là một trong 21 người được tuyển vào lớp nghiên cứu sinh do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đào tạo. Bản kế hoạch với một số chỉ tiêu và thời hạn học tập như:

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Lin

2. Thời hạn thực hiện kế hoạch này: từ 1-1-1937 đến 31-12-1937.

3. Công trình nghiên cứu sinh, phải hoàn thành, nộp trong thời hạn trên.

Khoảng giữa năm, Người dự thi kỳ I năm học 1937 – 1938 với các môn Duy vật biện chứng, Lịch sử cổ - trung đại và hiện đại. Khoảng cuối năm, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu bắt tay vào viết luận án với đề tài tự chọn: “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”. Thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc làm nhiều việc, trong đó có cả công tác Đảng và liên hệ với các tổ chức ở trong nước. Người đã được các giảng viên người Nga đánh giá rất cao. Người còn quan hệ mật thiết với gia đình Vaxliepva, một giảng viên giỏi của Trường. Con gái bà Vxliepva kể lại: “ Lin đến nhà chúng tôi nhiều lần, thông thường bàn luận với mẹ tôi về vấn đề gì đó bằng tiếng Pháp. Thỉnh thoáng Người nói với chúng tôi vài câu tiếng Nga...Trình độ tiếng Nga của Người tương đối khá, Người ăn mặc rất lịch sự, thường là Complet, Người còn để lại nhà chúng tôi một chiếc va li to và rất đẹp…”

Nhận định tình hình thế giới và nhất là Đông Dương có nhiều chuyển biến có lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nôn nóng tìm cách xin ngưng học, rời khỏi học Viện để về nước. Ngày 6 thánh 6 năm 1938, Người viết thư (bằng tiếng Pháp) gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản, nội dung bức thư xin được bố trí công việc. Ngày 30 tháng 9 năm 1938, Phòng cán bộ của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ra Quyết định mật (số 60), nội dung như sau: sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29 tháng 9 năm 1938, rời khỏi biên chế của Viện về nước.

Bỏ dở luận án Phó tiến sỹ, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc chính thức đặt chân lên đất mẹ Việt Nam sau 30 năm xa cách.

Có thể nói, hai lần với bảy năm sống và hoạt động, học tập trên đất nước Lê nin tươi đẹp, nơi đã vun đắp cho Nguyễn Ái Quốc thực tiễn về chính trị, kinh tế, văn hoá phong phú và bổ ích; nâng cao nhận thức sâu sắc về lý luận Mác - Lênin. Tất cả những điều đó đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực mới, quyết tâm mới cho Nguyễn Ái Quốc vượt qua bao sóng gió, chông gai và thách thức ở phía trước, tiến lên thực hiện toàn thắng con đường cách mạng mà Người đã chọn.

Nguyễn Tiến Mẹo