So sánh - Biện pháp nghệ thuật đặc sắc trong thơ Lưu Quang Vũ
[ Ngày đăng: 07/06/2012 1:06:42 SA, lượt xem: 13918 ]

So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến từ trong chiếc nôi của văn học Việt Nam – văn học dân gian. Đã có những so sánh, ví von: Cổ tay em trắng như ngà, Thân em như hạt mưa sa, … các nghệ sỹ dân gian đã chứng tỏ trí tưởng tưởng của người bình dân vô cùng phong phú. Chính nhờ hiệu quả thẩm mỹ của biện pháp tu từ này đã mang lại cho ca dao – dân ca sức hấp dẫn riêng, nhất là ở địa hạt tình yêu. Bao nhiêu tình cảm thầm kín, những lời nhắn gửi ý vị đã được gửi gắm thông qua quan hệ so sánh này.

Trong thơ hiện đại, biện pháp so sánh lại được vận dụng với nhiều sắc diện mới. Các nhà thơ hiện đại có ý thức mở rộng trước hết là mối quan hệ ngữ nghĩa giữa hai vế so sánh, từ mối quan hệ giữa cái trừu tượng và cái cụ thể được mở ra thêm nhiều trường ngữ nghĩa rộng hơn. Như Chế Lan Viên, vốn là người rất thành công trong việc đặt hai cái trừu tượng bên cạnh nhau, khiến cho sự vật được nhận thức trong chiều sâu suy tưởng. Ví như nỗi nhớ trong thơ ông mang nét rất riêng và rất lạ chính cũng là nhờ cách so sánh độc đáo: Anh nhớ em như đông về nhớ rét. Cái nhớ nôn nao vô hình nay bỗng được mường tượng thông qua mối liên tưởng: mùa đông – rét. Sự thiếu vắng trong chia cách của lứa đôi cũng như mùa đông thiếu cảm giác rét buốt của con người. Sự sáng tạo mới mẻ trong thơ Chế Lan Viên đã mang lại cho hình ảnh so sánh một dư vị mới qua cái nhìn của một hồn thơ giàu trải nghiệm. Như vậy, qua lăng kính của con người hiện đại, phép so sánh truyền thống đã được cách tân và sử dụng như một phương tiện đắc lực cho nhận thức và tư duy. Tiếp nối những sáng tạo mới mẻ đó, Lưu Quang Vũ - một nhà thơ luôn muốn cảm nhận cuộc sống trong cái tường tận của không gian, của thời gian và của mỗi sự việc thường nhật đã hơn 100 lần sử dụng cấu trúc so sánh. Có thể nói, so sánh là một biện pháp nghệ thuật đặc sắc và chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ.

Trong thơ Lưu Quang Vũ, cấu trúc so sánh được xây dựng phức hợp từ nhiều mối quan hệ ngữ nghĩa, song đậm nhất vẫn là quan hệ giữa cái cụ thể và cái cụ thể: Mảnh trăng vàng như một trái xoài thơm/ Anh là con ong bay giữa trời lận đận/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Hoa hồng rụng trên bàn như máu ứa… Nhưng cũng chính từ qua hệ so sánh giữa hai đối tượng cụ thể này mà cái cụ thể được nâng lên tầm khái quát nhờ những nét nghĩa của hai đối tượng được bổ sung cho nhau.

Những hình ảnh ám gợi trong thơ Lưu Quang Vũ cũng được tạo nên bởi mối quan hệ so sánh này:

                              Những trái dâu da trên thềm không ai nhặt

                              Như những trẻ con bị bỏ rơi lăn lóc

                                                      (Mấy đoạn thơ…)


Cả hai hình ảnh so sánh gợi đến những thân phận tội nghiệp bị bỏ rơi lăn lóc trong hỗn loạn thời chiến. Những trái dâu da tưởng chẳng khiến ai bận lòng bỗng đánh thức nỗi xót xa của lòng trắc ẩn khi liên tưởng đến hình ảnh của những trẻ thơ không còn mái ấm. Không phải từ những đứa trẻ bị bỏ rơi so sánh với nhưng trài dâu da lăn lóc, mà ngược lại. Chính sự hoán đổi đối tượng so sánh và đối tượng được so sánh này đã làm nổi bật sự rẻ rúng, đau xót của số phận con người trong chiến tranh, đặc biệt là trẻ em. Hình ảnh thơ đã mang lại cho người đọc một hình ảnh xót xa đã từng có thật trong thời chiến.

So sánh cũng là phương tiện để Lưu Quang Vũ nhận thức và khám phá cuộc sống, hai hình ảnh so sánh như tự tìm đến nhau, bổ sung cho nhau:

                             Con sông như anh thợ tàu 17 tuổi
                             Quả cảm và du đãng
                             Nhem nhuốc và thơ mộng
                                             (Viết cho em từ biển)

Hình ảnh so sánh - anh thợ tàu được khắc hoạ rõ nét bằng những tính từ gợi cảm, tạo cho hình ảnh so sánh nhưng sắc thái miêu tả cụ thể hơn, rõ nét hơn. Từ đó, con sông – hình ảnh được so sánh được hình dung như một sinh thể gần gũi với độ tuổi thanh xuân đang dấn thân vào đời. Con sông như cuộc đời trai trẻ, vừa mộng mơ, vừa trần trụi, rất cụ thể, rất thật.
Lưu Quang Vũ có biệt tài trong việc mở rộng trường liên tưởng. Trí tưởng tượng phong phú cộng với những cảm xúc nồng nàn tạo nên trong thơ ông những hình ảnh điệp trùng giàu tính triết lí:

                          Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà
                          Như thác trắng vỡ tan như bạc của trời như bước chân ký ức
                                        (Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà)

Việc sử dụng trùng điệp nhiều vế so sánh tạo hiệu ứng tăng cấp cho sắc thái tu từ, tạo ra một chuỗi liên tưởng bất ngờ và thú vị. Kiểu so sánh này tô đậm thêm hình ảnh được so sánh, khiến cho hình tượng thơ trở nên sâu sắc và ám ảnh hơn.

Cũng bằng lối so sánh trùng điệp này, mà bao nhiêu cả xúc, bao nhiêu nỗi lòng của cái tôi trữ tình đã được trải phơi không kìm nén:

                          Em như thời khắc của anh như dáng hình như trí nhớ
                                                                           (Em vắng)

Thủ pháp so sánh trùng điệp còn làm tăng nhịp điệu và tạo nên sự chất chồng của các hình ảnh thơ, bồi đắp những cảm xúc mà tác giả giãi bày:

                         Con sông giống cuộc đời anh
                         Anh là cậu bé nhặt than
                         Là ông già buông câu im lặng
                         Là quả dưa tròn trên khoang vắng
                         Là lá sú vàng trôi ở cửa sông
                                         (Viết cho em từ biển)

Kiểu so sánh nhiều tầng bậc này vừa mở rộng những hình ảnh liên tưởng được so sánh, vừa tạo âm hưởng trùng điệp, biểu thị sự khẳng định, nhấn mạnh. Các hình ảnh hiện lên nối tiếp, dồn dập: Con sông – anh – cậu bé – ông già – quả dưa – lá sú

Có thể nói trong thơ Lưu Quang Vũ tràn ngập những hình ảnh so sánh mới lạ, những hình ảnh vốn rất khác xa nhau, nhưng khi được ông để cạnh nhau chúng bỗng tạo nên mối liên tưởng lạ kỳ và đầy hấp dẫn: Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu, Lòng như vầng trăng nhọn, Em nông nổi như một dòng suối chảy… Chính cách tư duy so sánh mới lạ này đã đem lại nhiều nét nghĩa mới cho sự vật và thể hiện một cách mạnh mẽ, sắc nhọn cảm xúc của chủ thể trữ tình:

                             Mái tóc em là xứ sở của anh
                             Mái tóc đen như một nỗi kinh hoàng
                             Phủ xuống hồn anh hoang dại mà ấp áp
                                                        (Những ngày chưa có em)

Đặc biệt qua đó, độc giả được nâng lên thành người đọc đồng sáng tạo:

                             Thời gian như bà điên ngoài chợ Sắt
                             Tóc trắng ôm hoa te tái mỉm cười
                                                    (Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa)

Hình tượng thời gian vốn khó nắm bắt lại được hình dung một cách cụ thể sinh động và giàu liên tưởng. Thời gian trong bài thơ là thời gian chiến tranh, thời gian chứa trong nó bao tang thương và chết chóc, vì vậy mà thời gian được tác giả miêu tả ở đây cũng lụi tàn, ngây dại, trớ trêu.

Trong thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ, như trên đã nói, sự thành công của việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh đã góp phần không nhỏ trong thành công về mặt nghệ thuật cũng như tạo nên dấu ấn rất riêng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Lưu Quang Vũ đã kết hợp giữa so sánh và ẩn dụ, so sánh - trùng điệp tạo nên những hình ảnh lạ, giàu sức ám gợi. Các hình ảnh vốn khác xa nhau nhưng qua bàn tay “phù phép” của nhà thơ đã mang lại nhiều liên tưởng bất ngờ, thú vị. Cách so sánh cũng rất riêng, rất độc đáo. Lấy sự vật để so sánh với con người: Con sông – anh thợ tàu, Con sông – cuộc đời anh, Trái dâu da – những đứa trẻ, Thời gian – bà điên… cách tư duy ngược này đã bất ngờ tạo hiệu ứng liên tưởng từ cái trừu tượng, mơ hồ đến cái cụ thể, gần gũi. Đây là một sự sáng tạo độc đáo đối với một biện pháp nghệ thuật vốn không còn mới mẻ trong thế giới nghệ thuật thơ.

Nguyễn Thị Thanh Nga

(TT. NCVHTV sông Mekong)