Thư của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhân ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam 09/01/2008
[ Ngày đăng: 09/01/2008 9:22:12 SA, lượt xem: 3561 ]

Các em học sinh, sinh viên thân mến,

Khi đất nước bước sang năm mới cũng là lúc học sinh, sinh viên Việt Nam háo hức kỷ niệm 58 năm ngày hội truyền thống của mình - Ngày Học sinh, sinh viên 09/01.

Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, học sinh, sinh viên luôn là lực lượng xung kích, năng động và đầy sáng tạo, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, học sinh, sinh viên ngày nay đã và đang thể hiện sức trẻ của mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Các em thân mến,

Với việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới ( WTO ) ngày 0 7/11/2006 , đất nước ta đang bước vào một thời kỳ mới với những cơ hội và thách thức to lớn. Năm 2007 đã khép lại với tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của nước ta và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Chúng ta có khả năng đạt cơ bản các chỉ tiêu phát triển quốc gia năm 2010 vào năm 2008. Đây là các cơ hội và tiền đề mới rất quan trọng để phát triển giáo dục. Hội nhập và cạnh tranh quốc tế cũng vô cùng khắc nghiệt. Chỉ các quốc gia không ngừng đổi mới, chỉ các công ty có năng lực cạnh tranh thực sự, chỉ những người có có ý chí, tri thức và kỹ năng mới biến thời cơ thành kết quả thành công cho mình. Không có chỗ đứng cho các quốc gia trì trệ, không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém, không có chỗ đứng cho những người thiếu ý chí, tri thức và kỹ năng thực sự. Thời cơ và thách thức to lớn này chính là môi trường sống của học sinh, sinh viên chúng ta ngày nay. Không có sự lựa chọn nào khác.

Năm học 2007–2008 này, ngành giáo dục tiếp tục cuộc vận động “Hai không” với nội dung mới “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng yêu cầu xã hội” chính là nhằm chỉ rõ những yêu cầu mà chúng ta không thể né tránh trong các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học. Đào tạo phải có chuẩn và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đó là điều kiện để các em ra trường có việc làm và thu nhập, là điều kiện để các nhà trường tồn tại và phát triển, để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, để đất nước ta tiếp tục đi lên.

Chỉ riêng 5 công ty lớn của thế giới như: Intel, Renesas, Campal, Samsung, Foxcon (Hồng Hải) đã quyết định đầu tư gần 10 tỷ USD vào Việt Nam để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông … và đã mở ra một làn sóng đầu tư mới vào nước ta để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Lo lắng lớn nhất của các nhà đầu tư đó là tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của họ với chi phí lao động thấp hơn các nước khác. Nếu lao động Việt Nam có lợi thế chi phí thấp nhưng không có kỹ năng và tri thức phù hợp thì sẽ không có giá trị đối với nhà đầu tư và chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm sắp tới.

Để việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thì nhà trường phải đổi mới, doanh nghiệp phải đổi mới, nhà nước phải đổi mới và các em sinh viên cũng phải tự đổi mới. Chỉ có sự đổi mới của cả 4 chủ thể của đào tạo mới có thể tạo ra giải pháp có tính đột phá để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên Việt Nam. Ngày 27/12 vừa qua, tất cả các trường đại học và cao đẳng cả nước đã gặp Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng nhau xác định các biện pháp quyết liệt và khả thi nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường sẽ phải công bố rõ ràng chuẩn đào tạo của mình: ra trường các em có tri thức gì, kỹ năng gì, khả năng gì, làm được gì để các em và doanh nghiệp lựa chọn, đánh giá nơi học và nhận vào làm việc. Các trường phải tự đánh giá và công bố chất lượng, nhà nước sẽ đánh giá chất lượng và xếp hạng các trường đại học, cao đẳng. Trong năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp tổ chức 4 hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Qua đó, hơn 100 thoả thuận và hợp đồng đào tạo giữa các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính và các trường đại học, cao đẳng đã được ký kết, mở đầu cho thời kỳ mới của giáo dục đại học: đào tạo theo nhu cầu, theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Các công ty cũng đã cam kết và triển khai hỗ trợ thiết bị rất hiện đại ngành điện tử, công nghệ thông tin trị giá hơn 1 triệu USD cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp học bổng và cam kết nhận sinh viên thực tập. Ngày 10/01/2008, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra hội thảo và ký kết các thoả thuận đào tạo cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông cả nước. Bắt đầu từ năm học 2007-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai chương trình cho vay để mọi học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều có thể học nghề và học đại học. Chỉ trong vòng 3 tháng, hơn 600.000 học sinh, sinh viên đã được vay với tổng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng mà gia đình không cần phải thế chấp tài sản. Chính vì những lẽ trên mà ngày 09/01 năm nay đối với các em học sinh, sinh viên có một ý nghĩa thật đặc biệt. Chưa bao giờ cơ hội học lấy một nghề có chất lượng đối với các em lại lớn như bây giờ. Nhưng tất cả nỗ lực của thầy cô, của doanh nghiệp và của nhà nước chỉ có tác dụng nếu chính các em tự đổi mới, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm để biến cơ hội đó thành phẩm chất, tri thức, kỹ năng của mình, để các em từ một người không có nghề trở thành một người có khả năng nghề nghiệp thực sự. Các em hãy thảo luận với nhau, thảo luận trong chi đoàn, chi hội sinh viên, bàn bạc với bạn bè, xin ý kiến thầy cô và cha mẹ. Thầy tin là các em sẽ có sáng kiến, thầy tin là các em quyết tâm đổi mới, đổi mới quyết liệt vì chính tương lai của các em, vì niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ, gia đình các em, vì tương lai của dân tộc Việt Nam chúng ta. Mỗi em đều có thể là Thánh Gióng, là Trần Văn Ơn của thế hệ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 21.

Thầy chúc các em thành công và mong nhận được nhiều ý kiến và sáng kiến của các em.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân