Thư của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
[ Ngày đăng: 20/11/2007 4:57:31 CH, lượt xem: 3059 ]

Thư gửi các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ và các em học sinh,

sinh viên nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2007

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2007

Các thầy giáo, cô giáo thân mến,

Thưa các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên,

Các em học sinh, sinh viên thân mến,

Vậy là một năm đã lại trôi qua, khi ánh mặt trời của ngày 20 tháng 11 lại sắp làm rạng rỡ khuôn mặt và vóc dáng của hơn một triệu thầy cô giáo cả nước. Năm học " Hai không" đầu tiên của ngành giáo dục cũng đã khép lại và một năm học mới đã hối hả bắt đầu. Giữa hai năm học là một mùa hè không nghỉ của 200.000 giáo viên các lớp cuối cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo 64 tỉnh, thành phố, sự đồng tình của hàng chục triệu cha mẹ học sinh, với quyết tâm của toàn ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 đã thực sự đổi mới: Một kỳ thi nghiêm túc. Ngành giáo dục thật vui, khi đã bắt đầu làm được lời hứa với Đảng, Chính phủ và nhân dân: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng cả ngành giáo dục đều day dứt, tuy không quá bất ngờ trước kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Không phải 93% tốt nghiệp như năm 2006 mà là 66,6%. Không phải cứ 14 em đi thi thì 13 em đậu, 1 em rớt, mà là cứ 3 em đi thi, 1 em rớt. Có 6 tỉnh miền núi, cứ 10 em đi thi chỉ đậu 2 đến 3 em. Có 12 tỉnh tỷ lệ đậu dưới 50%. Suy cho cùng thì trách nhiệm lớn nhất của thực tế chất lượng yếu kém này thuộc về ngành giáo dục trong nhiều năm qua và hôm nay. Không chỉ ở lớp 12, mà ở tất cả các lớp dưới, nguy cơ chất lượng thật thấp hơn điểm số cũng rất lớn. Nếu các em sắp vào lớp 6, lớp 10 mà không đủ năng lực thật của lớp 5 và lớp 9, rất có thể các em sẽ không học được lớp 6, lớp 10 và cả các năm sau của mỗi cấp. Để ngăn chặn nguy cơ ngồi sai lớp này, các em yếu kém lớp 5 và lớp 9 phải được bồi dưỡng, nâng cấp trong hè cho đạt chuẩn để lên lớp 6 và lớp 10. Vì vậy mà ngành giáo dục có một mùa hè 2007 không nghỉ: tổ chức bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh lớp 12 để thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 và cho học sinh lớp 5 và lớp 9 để đủ chuẩn lên lớp. Sự nỗ lực, hy sinh của các thầy cô giáo, sự nỗ lực của các em học sinh, sự chia sẻ của gia đình đã mang lại kết quả: 43,16% thí sinh thi lần 2 đã tốt nghiệp, nâng tỷ lệ tốt nghiệp của năm học (qua 2 đợt thi) là 80,44%. Tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông lần đầu là 26,6%, kết hợp cả lần thi thứ 2 thì tốt nghiệp đạt 46,06%. Trong hè và bước vào năm học 2007-2008, ở tất cả các tỉnh, các trường có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông thấp đều diễn ra các cuộc tọa đàm, phân tích: Vì sao chất lượng giáo dục yếu kém? Phải làm gì ở mỗi lớp, mỗi trường, mỗi tỉnh để tỷ lệ học sinh yếu kém giảm thực sự, để dạy cho ra dạy, học cho ra học. Trong năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục để có cơ quan chuyên trách chăm lo cuộc sống và sự nghiệp của một triệu thầy cô giáo và hơn một trăm ngàn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bộ cũng đã thành lập Vụ Giáo dục dân tộc để chăm lo cho việc dạy và học của các tỉnh, các huyện, các xã, các trường có đông con em đồng bào dân tộc, lại đang là nơi khó khăn về kinh tế.

Tháng 12 năm 2006, hội nghị các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm cả nước đã được tổ chức, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra nghị quyết về các trường sư phạm và công tác sư phạm tới năm 2015.

Tháng 8 năm 2007, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết 42 năm các trường chuyên trong cả nước, khẳng định cần xây dựng các trường chuyên ở mỗi tỉnh thành để trở thành nơi bồi dưỡng nhân tài từ lứa tuổi học sinh cho mỗi địa phương và cả nước.

Cũng tháng 8 năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tuyên dương các cá nhân và tập thể đã đóng góp xuất sắc cho ngành giáo dục 10 năm qua. Hơn 300 nhà doanh nghiệp, công ty và cá nhân trong nước và ngoài nước đã góp tiền, công sức, hiến đất để làm quỹ học bổng, mua sắm thiết bị học tập và xây dựng trường lớp cho nhân dân các địa phương trong cả nước. Trị giá các đóng góp này sơ bộ đã hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đích thân trao phần thưởng và ghi nhận sự đóng góp cho từng người, từng công ty, từng tổ chức.

Thưa các thầy giáo, cô giáo,

Ngành giáo dục chúng ta bước vào năm học mới với một cục diện mới. Nhân dân tin chúng ta hơn, xã hội đồng lòng với ngành là cần phải dạy tốt hơn, học tốt hơn, chăm lo cho giáo dục thiết thực hơn. Nhưng các khó khăn, yếu kém của ngành không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Sau 4 năm thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, cả nước có thêm 70.000 phòng học mới với chi phí 9.000 tỷ đồng. Nhưng hiện nay vẫn còn 170.000 phòng học tạm, phòng học nhờ, phòng học bán kiên cố xuống cấp nặng, nhu cầu để xây dựng, sửa chữa là hơn 25.000 tỷ đồng. Sau 32 năm thống nhất đất nước, tính chung cả nước từ bậc mầm non tới trung học, có hơn 550.000 phòng học, trong đó phòng học kiên cố có hơn 280.000 chiếm 51%, còn phòng học tạm, bán kiên cố, phòng học nhờ là 270.000, chiếm 49%.

Nhà ở công vụ cho giáo viên ở các vùng núi, vùng khó khăn còn thiếu gần 65.000 căn, trị giá xây dựng là 3.370 tỷ đồng.

Năm 2000, Nhà nước chi cho giáo dục là 18.386 tỷ đồng chiếm 4,2% tổng sản phẩm nội địa. Năm 2006, chi cho giáo dục 54.798 tỷ đồng chiếm 5,62% tổng sản phẩm nội địa. Như vậy, chỉ sau 6 năm, ngân sách cho giáo dục tăng gần gấp 3 lần. Chúng ta không thể đòi hỏi nhà nước chi nhiều hơn nữa cho giáo dục, vì còn nhu cầu chi cho y tế, văn hoá, giao thông, thủy lợi… Tỷ lệ chi cho giáo dục của chúng ta từ tổng thu nhập nội địa là 5,6% đã vào loại cao nhất thế giới. Tỷ lệ chi cho giáo dục của một số nước như: Indonesia 0,9%, Philippin 2,7%, Nhật Bản 3,5%, Thái Lan 3,9%, Đức 4,3%, Hàn Quốc 4,4%, Mỹ 5,1%, Trung Quốc 5,29%, Pháp 5,7% và Malaysia 5,8%. Chúng ta phải sử dụng từng đồng tiền từ ngân sách sao cho hiệu quả cao nhất, chứ không phải đòi hỏi chi ngày càng nhiều từ ngân sách.

Chúng ta sẽ còn phải chịu đựng 10 năm hoặc lâu hơn nữa việc trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp cho đến khi tất cả phòng học đã được kiên cố hóa, không còn phòng học 3 ca, học nhờ, học tạm. Trong bối cảnh đó, chất lượng và lương tâm của thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Chúng ta phải suy nghĩ và sáng tạo, lao động và thi đua để chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao, cải thiện nhanh hơn là tốc độ kiên cố hóa trường lớp. Chính vì vậy mà năm học này, Công đoàn Giáo dục Việt nam đã phát động cuộc vận động trong toàn ngành tới năm 2012: " Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Đây là điều kiện cần thiết, không thể thiếu để nhà giáo chúng ta làm tròn trách nhiệm xã hội vô cùng vinh quang của mình: giáo dục cho các em học sinh từ tuổi thơ ngây trở thành con ngoan, hiếu thảo, công dân tốt, người có ích cho gia đình, dân tộc và nhân loại.

Trong thế kỷ 21 của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, của xã hội thông tin và kinh tế tri thức, thời gian là tài nguyên vô giá, không tái tạo được. Điều đó đúng không phải chỉ với người đang làm việc, người đã nghỉ hưu mà đúng với cả trẻ em. Hãy làm sao mỗi giờ các em tới trường là một giờ khám phá, nhận thức được nhanh, sâu sắc thế giới tự nhiên, cuộc sống văn hóa, lịch sử dân tộc và nhân loại. Hãy nói không với đọc và chép từ cấp trung học cơ sở trở lên. Học không phải là đọc và chép lại những điều đã có trong sách giáo khoa. Học không phải chỉ là thuộc một phần những gì đã có trong sách giáo khoa. Phải thuộc để biết, nhưng quan trọng hơn là hiểu và quan trọng nhất là phải biết vận dụng vào cuộc sống hàng ngày để mình sống có ích, để hoàn thành công việc được giao, để tự chịu trách nhiệm trước chính bản thân mình và những người xung quanh.

Khi thi ở bậc đại học, các thầy, các cô nên giảm dần việc hỏi các em những điều đã có trong sách, mà yêu cầu các em vận dụng các tri thức, kỹ năng đó vào giải quyết những nhiệm vụ giả định hoặc thực tế của ngành. Các em có thể mở sách xem nếu quên điều gì đó, vì khi ra trường, các em có thể xem bất cứ loại sách gì, tìm trong mạng thông tin điện tử bất cứ thông tin gì để các em giải quyết nhiệm vụ được giao. Chắc chắn các thầy cô sẽ vất vả hơn nhiều khi ra đề thi, đề kiểm tra khi cho các em được mở sách. Nhưng các em sẽ trưởng thành rất nhanh và đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi với các thầy giáo, cô giáo đã công tác ở miền núi, ở vùng khó khăn vốn không phải là quê nhà mà không được trở về vùng thuận lợi hơn sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình: thầy giáo phục vụ 5 năm, cô giáo phục vụ 3 năm. Năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, với các tỉnh, thành phố để thiết kế cơ chế, chính sách đảm bảo cho mỗi nhà giáo phải làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình, nhưng cũng được hưởng quyền lợi chính đáng.

Thưa các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên,

Ngành Giáo dục chân thành cảm ơn các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên đã ủng hộ cuộc vận động " Hai không" của ngành, mà năm học này có thêm 2 nội dung: Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi sai lớp. Đó cũng chính là vì tương lai của các em học sinh, sinh viên, vì tương lai của dân tộc. Là một dân tộc hiếu học, lại đứng trước thời cơ và áp lực của hội nhập và cạnh tranh kinh tế toàn cầu, nhu cầu đi học của các gia đình là rất lớn. Đó là phúc của dân tộc. Coi giáo dục là quốc sách, Chính phủ đã dành mức chi ngân sách rất cao cho giáo dục, bằng 5,6% tổng sản phẩm nội địa. Song do là nước nghèo, tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người còn dưới 1.000 USD, nên mức chi thực tế cho giáo dục còn rất thấp so với các nước phát triển hơn. Năm 2006, chi cho giáo dục một học sinh của Việt Nam là 700 USD theo sức mua tương đương, còn mức chi cho một học sinh ở Malaysia và Thái Lan gấp ta hơn 4 lần, ở Hàn Quốc gấp ta hơn 8 lần, ở Đức, Nhật Bản, Pháp gấp ta hơn 10 lần, còn ở Mỹ gấp ta 17 lần. Trong hoàn cảnh chi cho giáo dục của ta thấp như vậy, Nhà nước chi đã tới khả năng tối đa, thì sự đóng góp của người dân theo khả năng thực tế của mình vào giáo dục có tác dụng rất lớn. Đối với bậc học mầm non và phổ thông hiện nay, chi phí bình quân để một học sinh đi học là 2,57 triệu đồng/ năm, trong đó gia đình các em đóng học phí và các khoản khác cho trường bình quân là 0,55 triệu đồng/ năm. Tức là để cho một em được đi học, nếu em thuộc diện miễn học phí, nhà nước phải chi 2,57 triệu đồng/ năm, còn nếu em đóng học phí thì nhà nước chỉ chi 2,02 triệu đồng/ năm (bằng 79%), còn gia đình của em chi 0,55 triệu đồng/năm (bằng 21%). Như vậy, nếu 4 em xin được miễn học phí, thì số tiền Nhà nước phải chi bù vào để đủ chi phí cho 4 em được đi học là 2,2 triệu đồng/ năm, lớn hơn mức chi phí Nhà nước phải chi để 1 em được đi học là 2,02 triệu đồng/năm. Tức là cứ miễn học phí cho 4 em, thì một em khác phải nghỉ học, vì phần kinh phí Nhà nước dành cho việc học của em này (2,02 triệu đồng/ năm) không còn nữa. Ngược lại, cứ 4 em đóng học phí đi học thì có thêm một em khác cũng được đi học.

Xét trên phạm vi cả nước, phần đóng góp của nhân dân cho giáo dục (học phí, đóng góp khác cho trường ở bậc mầm non, phổ thông và đại học) so với tổng chi của xã hội cho giáo dục ở Việt Nam là 25%, còn ở một số nước khác như sau: Hàn Quốc 39%, Philipin 38%, Inđônesia 35%, Thái Lan 32%, Liên bang Nga 32%, Đức 27%, Hoa Kỳ 8%, Pháp 7%, Nhật Bản 6%. Như vậy, mức đóng góp của người dân ở nước ta cho giáo dục là 25% thuộc vào loại trung bình thấp.

Hiện nay Chính phủ đang thiết kế khung học phí theo nguyên tắc:

- Hộ diện nghèo, con đi học không phải đóng học phí (ở các cấp phổ cập tiểu học và THCS, ở các cấp học khác khi đã được xét hoặc thi tuyển vào trường công lập).

- Hộ cận nghèo, con đi học được giảm học phí (ở các đối tượng như trên).

- Diện chính sách khác được giảm, miễn theo quy định của Nhà nước.

- Các gia đình khác đóng học phí theo thu nhập và khả năng chi trả của gia đình, do chính quyền địa phương quyết định.

- Đối với học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thì học sinh, sinh viên gia đình diện nghèo được vay để học. Học sinh học giỏi được học bổng khuyến khích học tập.

Các em học sinh, sinh viên thân yêu,

Đất nước Việt Nam của chúng ta đang bước vào thế kỉ 21 với những thành tựu, những cơ hội và thách thức to lớn. Thành tựu phát triển gần đây thật đáng tự hào: Xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, xuất khẩu điều đứng thứ nhất, xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 10, xuất khẩu thủy sản thứ 12 và gần đây ngành đóng tầu xuất khẩu đứng thứ 7. Kết quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được các tổ chức quốc tế coi là mẫu mực. Thế nhưng nhân dân ta còn nghèo, đời sống còn khó khăn vì năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp. Tiền công may một áo sơ mi xuất khẩu chỉ 1 USD, bằng 2-3% giá bán là 30-50 USD. Tiền công may một bộ vét tông xuất khẩu chỉ 6 USD, so với giá bán 300 tới 600 USD chỉ chiếm từ 1 đến 2%. Chính vì không đủ năng lực tri thức, kỹ năng và quản lý kinh doanh để làm chủ khâu thiết kế sản phẩm, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, mà chỉ làm khâu gia công hoặc xuất nguyên liệu thô, ít chế biến nên hiệu quả kinh doanh của ta còn thấp.

Tuy nhiên 3 năm gần đây bắt đầu xuất hiện các cơ hội mới: các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam với các dự án hàng trăm triệu, hàng tỷ USD để thiết kế, chế tạo và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Tập đoàn Renesas của Nhật Bản, một công ty hàng đầu thế giới về thiết kế và sản xuất vi mạch đã mở Trung tâm thiết kế tại Việt Nam với 1.000 kỹ sư, thay thế toàn bộ thiết kế của tập đoàn đang làm ở Nhật Bản và Mỹ. Công ty Intel, nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới đã đầu tư nhà máy sản xuất và thử nghiệm vi mạch trị giá 1 tỷ USD vào Việt Nam. Công ty Hồng Hải (Foxcon), Đài Loan, đang đầu tư các dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị máy tính, điện thoại di động trị giá tới 5 tỷ USD tại nhiều địa phương trong cả nước.

Các trường dạy nghề, trung cấp và đại học cả nước từ năm học này bắt đầu triển khai mạnh mẽ việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các kỹ sư tin học của nhiều công ty Việt Nam như Công ty FPT mỗi người một năm tạo ra một giá trị gia tăng từ 15.000 đến 20.000 USD, gấp 10 lần giá trị gia tăng của một lao động ngành may tạo ra. Thu nhập một tháng bình quân của các kỹ sư này là 8 triệu đồng.

Thưa các thầy giáo và cô giáo,

Ngày 21 tháng 10 năm 1964, Bác Hồ đã nói: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang ".

Xin cảm ơn một triệu thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước, xin cảm ơn tám mươi vạn thầy cô đã nghỉ hưu mà lòng còn nặng trĩu với sự nghiệp trồng người. Chính các thầy cô đã góp phần rất quan trọng tạo nên vóc dáng, khí phách, ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20: Tự giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược, đô hộ của những đế quốc lớn nhất của thế kỷ, tô đậm 2 chữ Việt Nam trên bản đồ thế giới. Các thầy cô hãy tiếp tục vượt khó, cống hiến như những người anh hùng trong thời đại mới. Một dân tộc có một triệu anh hùng, dân tộc đó phải tỏa sáng trong thế kỉ 21./.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Thiện Nhân