Trường CĐSP Quảng Trị tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
[ Ngày đăng: 26/02/2013 11:49:15 CH, lượt xem: 4127 ]

Ngày 20/2, Hội nghị lấy ý kiến CBGV, viên chức lao động của Trường CĐSP Quảng Trị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức. NGƯT. TS. Lê Thị Xuân Liên - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng chủ trì và khai mạc Hội nghị.

 


NGƯT. TS. Lê Thị Xuân Liên - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng

Đ/c Lê Thị Hương – Thường vụ Đảng ủy, P. Hiệu trưởng, thay mặt tổ công tác quán triệt các Chỉ thị, Kế hoạch triển khai lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến lần này được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, thiết thực và tiết kiệm; ý kiến đóng góp vào Dự thảo phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân nên cần được ưu tiên và tập trung thực hiện, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ đề ra.



ThS. Lê Thị Hương – Thường vụ Đảng ủy, P. Hiệu trưởng

Góp ý trực tiếp tại Hội nghị có 13 ý kiến tập trung vào 52 vấn đề cần sửa đổi trong bản dự thảo Hiếp pháp năm 1992. Các ý kiến đều thể hiện sự đồng tình và khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc. Sự trao đổi, góp ý thẳng thắn, tâm huyết và đầy trách nhiệm về những vấn đề mới, những vấn đề chưa rõ trong dự thảo lần này của CBGV đã thể hiện sự quan tâm và mong muốn hoàn thiện Hiến pháp thành một đạo luật cơ bản, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

 

Vấn đề được quan tâm nhiều đó là vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo bằng pháp luật. Chỉ có như vậy mới tạo được cơ sở cho việc “chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Nhiều ý kiến cho rằng, ở Điều 21 “Mọi người có quyền sống”, là chưa đầy đủ bởi ngoài quyền sống, mọi người còn có quyền học tập, lao động và mưu cầu hạnh phúc. Nên gộp điều 21 vào điều 22 để trở thành một điều vì thực tế điều 22 là cụ thể hóa điều 21.

Dự thảo hiến pháp lần này còn quy định về Hội đồng Hiến pháp (tại Điều 120), có nhiều ý kiến cho rằng đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn văn bản pháp luật cao nhất. Đó là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, vẫn còn một số thuật ngữ, câu chữ, ngữ pháp, kết cấu các chương, điều, khoản trong dự thảo hiến pháp cần được điều chỉnh cho thống nhất, bảo đảm sự nhất quán và phù hợp trong toàn văn bản.

Các ý kiến đóng góp trên sẽ được Ban tổ chức và thư ký Hội nghị tiếp thu, báo cáo về cơ quan có liên quan theo đúng quy định.

Hồng Hà (thực hiện)