Lớp tuổi thơ chúng tôi gắn với rơm rạ ruộng đồng. Gắn đến nỗi khi xa rời, mỗi lần tưởng vọng lòng nao nao mối “tương tư một mùi phân bò” như Nguyễn Duy từng đau đáu. Ngày ấy, đâu chỉ được nghe tiếng chim tràn ngập không gian, giòn tan như giọt sương mai lóng lánh mà con mắt trọn vẹn nhìn cả một vương quốc loài chim dựng tổ ấm cho riêng mình. Vút cao trên những luỹ tre dọc đôi bờ sông hoặc góc vườn, cơ man những cái tổ cao thấp lúc lỉu như hoa trái hạnh phúc. Ở đó, lanh lảnh tiếng chim tấu khúc thanh bình hoà âm nhịp chân thôn nữ rộn rã gánh lúa về.
Bây giờ thì tôi có thể thả sức bay theo tiếng chim. Và lòng thật nhẹ nhỏm bởi đây không phải là tiếng chim trong lồng nhan nhãn ở đâu đó muốn chứng tỏ sự cao sang, sành điệu hay ước tìm tới cái ảo diệu dưỡng tâm, dưỡng trí trước con đường lô xô nhân thế.
Vâng, lâu lắm rồi tôi mới được trở về giấc mơ thuở nhỏ và lại được nghe tiếng chim ngọt ngào nhả ra những giọt thánh thót từ khu vườn yêu dấu của đời tôi.
Cơn bão và cây sầu đông
Những ngày cuối cùng của tháng sáu ta đã khép, trời đang nắng như dỗi hờn bỗng dịu lại. Một chút gió se se kèm cơn mưa tới. Đài báo cơn bão số ba vừa dứt thì cơn bão số bốn lại có khả năng đổ bộ vào biên giới phía Bắc. Đứng lên bóc tờ lịch một ngày trôi qua, tự dưng lòng chùng lại. Khi không những câu hát về miền Trung bão lụt nhắc tôi nhớ trận đại hồng thuỷ năm 1999. Nhiều bà con quê tôi và cả người thân yêu nhất của đời tôi đã ra đi mãi mãi. Nhưng còn đó những tấm lòng vàng như ngọn lửa ấm thắp sáng niềm tin, dựng dậy hi vọng sau nhiều đau thương mất mát. Tôi lớn lên từng chứng kiến nhiều cơn bão khốc liệt. Cây đổ, nhà sập và tiếng thở dài trong cảnh tan hoang. Vậy mà vẫn không hãi hùng bằng cơn bão lòng đưa tới, làm suy sụp đời người. Mới hay, vốn quý của cuộc sống là tình cảm, là sức bật dậy như cây sầu đông bị gió xé ra từng mảnh, nhựa ứa bầm như máu nhưng chỉ với mấy giọt mưa móc vỗ về đã sớm lành vết thương để đâm chồi nảy lộc, xanh tươi sự sống.
Dường như người dân quê tôi sinh ra để đối mặt với thử thách. Mưa bom bão đạn thì đã vào truyện cổ tích đối với những đứa trẻ lọt lòng mẹ thời bình, còn ông trời thì chưa hết cay nghiệt. Có phải vì thế chăng mà lòng lạc quan và nhân hậu thấm tận ruột gan để đến bây giờ còn mãi hai bài ca dao, bài ca mười trứng và bài ca cái quán nổi tiếng đằm sâu trong trí nhớ như bài học nằm lòng mỗi khi không may gặp phải hoạn nạn.
Thật không thực tế chút nào khi tôi cầu mong trên cõi đời này không có bão. Tôi chỉ mong trong giông bão cuộc đời, ai đó hãy xích lại gần nhau hơn như chính tình yêu vẫy gọi:
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành, trụi lá
Anh dắt tay em qua đường cho khỏi ngã.
( Bão- Tế Hanh)
Võ Văn Luyến