Vậy văn hóa chất lượng là gì?
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm “chất lượng”.
Chất lượng là khái niệm “đa chiều” và bao hàm nhiều yếu tố. Nó được định nghĩa không những là sự phù hợp với mục tiêu mà còn chứa đựng trong đó tính có thể tin cậy được, tính bền vững, tính thẩm mỹ … Tại Hội thảo Giáo dục Thế giới chào Thế kỉ XXI được tổ chức tại Paris năm 1999, chất lượng GDĐH được hiểu là “khái niệm đa chiều, bao gồm tất cả các chức năng và hoạt động (của trường đại học): giảng dạy và các chương trình đào tạo, nghiên cứu và sự uyên bác, cán bộ, sinh viên, cơ sở hạ tầng và môi trường chuyên môn”. Đánh giá chất lượng của một chương trình đào tạo hay một khoá học là làm việc với những tiêu chí và những mong đợi khác nhau.
Chất lượng còn được định nghĩa khác nhau từ những góc nhìn khác nhau (Reynolds, 1990). Nói cách khác, chất lượng có thể được áp dụng ở nhiều cấp độ : cấp độ quốc gia, trường, khoa và bộ môn. Cách hiểu về khái niệm ở các cấp độ đó cũng thường không giống nhau. Trong giáo dục, các yêu cầu đối với sinh viên cũng được định nghĩa trong các mối quan hệ đa chiều. Chất lượng được nhìn từ quan điểm của những người hưởng lợi (chính phủ, phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ sở truyền thông đại chúng, cộng đồng và các dân tộc) có những đặc điểm không tương đồng.
Chất lượng được xem là một đích tới luôn thay đổi, phụ thuộc vào các mục tiêu của một hệ thống giáo dục cụ thể nào đó. Các định nghĩa chất lượng có vẻ như luôn được chuyển đổi cùng với sự chuyển đổi các giá trị của các cộng đồng khác nhau trong một xã hội và niềm tin của những người có ảnh hưởng và nắm quyền lực của một hệ thống. Trong bất cứ trường hợp nào, các quan điểm về chính sách giáo dục và chất lượng giảng dạy đều thay đổi theo thời gian. Từ đó, chất lượng được xác định như “một khái niệm có tính tương đối và có ý nghĩa chỉ đối với những ai đánh giá nó ở thời điểm nào đó và theo chuẩn mực, mục đích nào đó” (Hội đồng GDĐH - Australia, 1992). Nghĩa là chất lượng luôn có tính lịch sử cụ thể.
Chất lượng thường được định nghĩa như sự phù hợp với mục tiêu. Chất lượng có được khi một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó đáp ứng được sự mong đợi của khách hàng.
Ở Việt Nam, định nghĩa của Harvey và Green đã được các nhà giáo dục chuyển dịch và phổ biến rộng rãi. Các nhà nghiên cứu khác, quan niệm chất lượng là sự đáp ứng các nhu cầu của người học và các nhà tuyển dụng lao động. Theo Nguyễn Đức Chính, chất lượng được xem như việc đáp ứng mục tiêu dựa vào định nghĩa của Hiệp hội Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Đại học. Lâm Quang Thiệp và Vũ Văn Tảo cũng cho rằng chất lượng giáo dục là phù hợp với mục tiêu.
Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam, ‘Chất lượng’ được xem là ‘phù hợp với mục tiêu’ – đáp ứng hoặc xác nhận các tiêu chuẩn đã được công nhận nói chung theo định nghĩa của một cơ quan kiểm định chất lượng hoặc một cơ quan đảm bảo chất lượng. Do đó, chất lượng (giáo dục trường đại học) ở Việt Nam được xem là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đại học của Luật Giáo dục, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Văn hóa chất lượng
Khái niệm “văn hóa chất lượng” cũng được nhiều nhà giáo dục nhắc đến nhiều từ khi khái niệm chất lượng được đặc biệt quan tâm. Ở nhiều nước, các khái niệm như ‘chất lượng’, ‘đảm bảo chất lượng’ hay ‘kiểm định/kiểm toán chất lượng’ đã trở thành những từ dùng quen thuộc. Có một thực tế là trong khi các các trường/đơn vị giáo dục quan tâm đến chất lượng thì phần lớn giáo viên, sinh viên tỏ ra thờ ơ hoặc không tham gia vào các hoạt động ‘chất lượng’ này. Chính vì lẽ đó, khái niệm ‘văn hóa chất lượng‘ được đề cập nhiều trong thời gian gần đây khi nói về sự tham gia thường xuyên của người dạy, nhân viên và người học trong các hoạt động của đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, khi nói đến văn hóa chất lượng, cần đề cập đến khái niệm “văn hóa”.
Ở Việt nam, “văn hóa” được hiểu là: 1) Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; 2) Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần; 3) Tri thức, kiến thức khoa học; 4) Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh (Sống có văn hoá; Ăn nói thiếu văn hoá; và 5) Nền văn hoá của một thời kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.
Từ văn hóa đến chất lượng
Hiện nay, mối quan tâm về văn hóa như một công cụ nhằm cải tiến chất lượng trong một tổ chức ngày càng lớn và được nghiên cứu rất nhiều ở các nước. ‘Quản lý dựa vào các giá trị’ đang được xem là mô hình hiệu quả giúp các nhà quản lý thay đổi cách thức tổ chức truyền thống bị xem là cứng nhắc chuyển sang mô hình linh hoạt và có tính mềm dẻo hơn nhằm đáp ứng với các thay đổi và nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Ở nhiều nước, sự gắn kết giữa các trường đại học và các cơ sở xã hội ngày càng cao, các mô hình quản lý theo doanh nghiệp ngày càng được nhiều trường áp dụng, trong đó có mô hình quản lý dựa vào giá trị. Các nghiên cứu của Rovik (1996) cũng chỉ ra rằng, có nhiều điểm tương đồng giữa cách quản lý theo truyền thống và hiện đại, trong đó, các yếu tố văn hóa, giá trị, niềm tin của thành viên tổ chức vẫn đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi cho rằng, khi xã hội thay đổi, các thay đổi đó luôn tác động đến con người, dù trong môi trường nào, và khi quan điểm, niềm tin, giá trị của thành viên trong tổ chức thay đổi, cách thức điều hành, quản lý sẽ buộc phải thay đổi. The European Universities Association (EUA) cho rằng văn hóa chất lượng được xem xét dựa trên 02 yếu tố khác nhau. Yếu tố thứ nhất của văn hóa chất lượng là một tập hợp các giá trị, các niềm tin, những mong đợi hướng đến chất lượng. Yếu tố thứ hai, yếu tố quản lý/cơ cấu có các quy trình đảm bảo chất lượng và các nỗ lực hợp tác được xác định từ trước (EUA 2006).
Có thể nói rằng việc hiểu và quan niệm về văn hóa chất lượng gắn liền với niềm tin, giá trị và quan điểm nhiều hơn là kiến thức, nghiên cứu thực tiễn hay phân tích các qui trình chất lượng, dù rằng có nhiều mối liên kết giữa các yếu tố này với nhau. Nói cách khác, để hiểu và xây dựng văn hóa chất lượng, cần phải tác động chẳng những đến hiểu biết, qui định/tổ chức và các biện pháp quản lý mà còn đến quan điểm, niềm tin về các giá trị của những người cùng tham gia trong tổ chức. Ngoài ra, văn hóa tổ chức cũng không phải là khái niệm vô hình, nó được hình thành trong khuổn khổ một tổ chức/thể chế và cũng có cơ sở, giới hạn cũng như các mối liên hệ với nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, muốn hiểu được khái niệm văn hóa chất lượng cũng cần đặt tổ chức/thể chế/cơ sở đào tạo đó trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định trong quá trình mà văn hóa chất lượng được hình thành và phát triển.