ARIÊU PING - Lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc PA CÔ ở Quảng Trị
[ Ngày đăng: 05/06/2012 1:01:12 SA, lượt xem: 3464 ]

Trải qua quá trình lịch sử mấy nghìn năm tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam đã mang trong mình những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo với những dấu ấn riêng rất đậm nét, đặc biệt là văn hoá lễ hội. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hoá, Việt Nam có hơn 700 lễ hội cổ truyền lớn nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Vốn được coi là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử phong phú của dân tộc, lễ hội dân gian đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Dường như trên đất nước ta, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những lễ hội gắn liền với đời sống nhằm giải quyết nhu cầu giao lưu tình cảm, vui chơi giải trí và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khoẻ mạnh... Điều này đã tạo nên những nét văn hóa riêng cho từng dân tộc trên đất nước Việt Nam. 

Ariêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng và phong thần - là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Pa Cô trên địa bàn Quảng Trị. Theo lời kể của những già làng người Pa Cô, lễ hội Ariêu Ping đã có từ lâu đời và được duy trì cho đến tận ngày nay. Đây là một lễ hội bao hàm tổng thể cả đời sống văn hoá lẫn tâm linh. Người Pa Cô quan niệm, xung quanh đời sống của họ luôn có các linh hồn song song tồn tại, vì vậy, họ rất xem trọng các nghi lễ thờ cúng ông bà, tổ tiên. Lễ hội Ariêu Ping được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ xa xưa. Đây cũng là dịp để tụ họp cháu con trong dòng họ, là dịp để đồng bào giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống đã và đang tồn tại trong cộng đồng; phân định lại ranh giới đất đai; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày.... Có thể thấy, lễ hội này như là một sợi dây ràng buộc, gắn kết các thành viên trong cộng đồng, làng bản thành một khối thống nhất bền vững trong quá trình tồn tại và phát triển của đồng bào Pa Cô. 

Theo thông lệ, lễ hội Ariêu Ping không được ấn định niên hạn tổ chức cụ thể, thường đến mười năm mới tổ chức một lần căn cứ vào điều kiện đời sống và kinh tế của các hộ gia đình trong làng bản. Địa điểm tổ chức tuỳ thuộc vào sự bố trí của già làng đối với những thôn có nhiều mặt thuận lợi và đảm bảo việc đi lại của những người tham dự lễ hội như các xã: Tà Rụt, A Ngo, A Bung, A Túc, A Vao, A Xinh... Lễ hội này sẽ kéo dài trong ba ngày, ba đêm. Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý tham dự lễ đến ở trong suốt thời gian lễ hội. Tiếp đó, các nghi lễ thờ cúng sẽ diễn ra theo phong tục của đồng bào Pa Cô. Mọi người tham gia lễ hội nhảy múa xung quanh nhà mồ cho đến khi lễ hội kết thúc. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Ariêu Ping, đặc biệt là lễ hội đâm trâu - một nghi lễ quan trọng để cúng tế thần linh, khấn cầu cho bản làng yên vui, đoàn kết, tương thân tương ái...

Trong lễ hội, một ngôi nhà mồ sẽ được dựng lên để đặt những hài cốt được bốc từ các nơi khác nhau về. Sau đó, người ta sẽ tổ chức cải táng, quy tập phần mộ của người đã khuất thuộc tất cả các dòng họ trong làng bản đã được an táng rải rác ở các nơi trước đó về với ngôi nhà chung như khi họ đang còn sống để tiện thăm viếng, chăm sóc, hương khói. Đây được xem là mốc kết thúc vòng đời của một con người để họ thực sự yên nghỉ. Hoạt động này minh chứng cho sự gắn bó bền chặt của dòng họ, bản làng trong cộng đồng dân tộc Pa Cô lúc còn sống cũng như lúc về cõi vĩnh hằng và cũng là biểu hiện cho sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. 

Có thể nói, lễ hội Ariêu Ping đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong tiến trình phát triển của dân tộc Pa Cô ở Quảng Trị. Đây là một hình thức giáo dục nhằm chuyển giao cho các thế hệ sau biết kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dòng tộc. Đồng thời, lễ hội còn thể hiện nét văn hóa tâm linh, sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. Điều này sẽ góp phần khơi dậy truyền thống hiếu nghĩa, đoàn kết gắn bó bền chặt trong cộng đồng làng bản. 

Ngày nay, đứng trước những khó khăn, thách thức do bối cảnh đời sống văn hóa mang lại, nhất là tác động trực tiếp từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, việc mở cửa giao lưu, hội nhập quốc tế. Lễ hội Ariêu Ping của đồng bào Pa Cô hiện đang đứng trước nguy cơ bị mất dần bản sắc. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào là việc làm cần thiết. Lễ hội được tổ chức sẽ tạo ra không khí mới cho các làng bản; qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của dòng tộc được khơi dậy, giúp đồng bào lựa chọn, bảo tồn, phát huy những yếu tố văn hoá phù hợp. Và thông qua công tác bảo lưu, phục dựng lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô, sẽ góp phần gìn giữ những nhân tố văn hóa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ cháu con hiểu sâu sắc thêm những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã tạo dựng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là việc chỉ ngày một ngày hai có thể giải quyết được, mà còn cần có chiến lược lâu dài. Và bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả lễ hội của địa phương mình, ngành văn hóa Quảng Trị cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn lọc, phục dựng hoặc hướng dẫn việc tổ chức lễ hội một cách khoa học, thể hiện đúng đặc điểm, tính chất, trình tự tiến hành lễ hội. Đây là trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, đồng bào hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích đồng bào các dân tộc chủ động sáng tạo vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Trịnh Ngọc Tường Vy

TTNCVH Tiểu vùng sông Mekong