Bun Bang Phay (Thái Lan) - Một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực
[ Ngày đăng: 27/06/2012 10:18:03 SA, lượt xem: 6565 ]

       Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng: Để duy trì sự sống, cần mùa màng tốt tươi - Để phát triển sự sống, cần con người sinh sôi. “Hai hình thức sản xuất lúa gạo, lương thực để duy trì cuộc sống và sản xuất con người để kế tục dòng giống có bản chất giống nhau. Đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại: Đất và trời, mẹ và cha” [3]. 
 

      Từ thực tiễn chung này, tư duy cư dân nông nghiệp Nam Á đã phát triển theo hai hướng: “Những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khoa học để lí giải hiện thực và họ xây dựng được triết lí âm dương; những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên nhưng họ chưa đủ tầm để lý giải và đi đến sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở)” [3]. Tín ngưỡng phồn thực đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử và có tới hai dạng biểu hiện: Thờ cơ quan sinh dục nam nữ được gọi là thờ sinh thực khí (sinh = đẻ, thực = nảy nở, khí = công cụ) và thờ hành vi giao phối. Đây là những hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực, hình thái này rất phổ biến ở các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới trong đó có Thái Lan.
       Thái Lan là vương quốc có lịch sử phát triển gắn liền với nghề nông trồng lúa nước. Vì vậy, người Thái rất chú trọng đến các hình thức lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Một trong những lễ hội biểu đạt rõ nhất về tín ngưỡng này là Bun Bang phay (Bun: Lễ hội). Lễ hội bắn pháo thăng thiên thường được tổ chức ở các tỉnh vùng Đông Bắc, khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 (có thể đến tháng 8 nếu mưa muộn). Được biết, lễ hội này đã diễn ra đều đặn trong khoảng 100 năm nay để đánh dấu thời điểm kết thúc mùa khô và bắt đầu mùa mưa, vốn là lúc các nông dân bắt đầu gieo hạt và cấy mạ.
       Đây chính là nghi lễ cúng Thần Trời để cầu mưa, thể hiện ước vọng phồn vinh, sinh sôi cho mọi cá thể và cộng đồng xã hội. Theo quan niệm của người Thái, nếu vì lý do nào đó lễ hội không được tổ chức thì trong năm sẽ không tránh khỏi rủi ro, đói kém, ốm đau và nhiều tai họa khác. Dựa vào tình hình thực tế, lễ hội có thể tổ chức hay hoản lại theo quyết định của đại diện các gia đình lấy theo đa số. Nhưng dù tổ chức hay chưa thì đến hạn định cũng phải có một số người đàn ông mang rượu tới biếu thành hoàng làng và nhảy múa theo đúng nghi thức lễ hội để xin thành hoàng ban cho sức khỏe và hạnh phúc.
       Trong những ngày hội, không khí trong làng sôi động hơn bởi các hoạt động múa hát của những người tham dự và những bữa thiết đãi bạn quý được dân làng mời tới của từ các vùng lân cận. Vào buổi tối tại Sala, những người đàn ông say trong những bộ quần áo rực rỡ cùng những chiếc khăn rằn trên đầu và đôi giày vải dưới chân, say sưa nhảy múa quay cuồng.
       Trước khi được bắn, pháo được rước tới miếu thờ thành hoàng rồi mới ra khu đặt bệ phóng. Bệ phóng là một tòa kiến trúc giống như một chiếc thang cao hoặc có thể dùng một cây cao để đặt pháo. Các nhà sư phụ trách kỹ thuật làm pháo. Tiếng pháo nổ đanh giòn hay không liên quan đến tương lai của dân làng. Người ta rất kiêng pháo xịt, kiêng khi có phụ nữ đi vào khu vực cấm của chùa hay có ai đó sơ suất là thần linh không hài lòng. Vì thế khi pháo nổ giòn, bay cao thì mọi người đều reo hò và tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp.
       Trong quan niệm của người Thái, tục thăng thiên pháo là cách để kích thích sự hưng phấn của Bố Trời để cầu mong mưa thuận gió hòa. Vì vậy, trong đêm chuẩn bị pháo cho lễ hội, ngay giữa chốn thâm nghiêm bậc nhất, trước mặt các vị sư cùng các già làng cao tuổi đáng kính, đám thanh niên kéo tới tán tỉnh nhau, chọc ghẹo và cợt nhã rất tự nhiên trong tiếng chày xen lẫn với những tiếng cười đùa. Vào dịp này, “trẻ con đua nhau làm, nặn hình các dương vật đủ kiểu to, nhỏ, dài, ngắn và cầm chúng múa hát hoặc bắn những quả “đạn” đặc biệt vào các cô gái” [4]. Các hoạt động này là dấu tích của nghi thức phồn thực nhằm cầu mong sự sinh sôi trù phú. Tục đốt pháo thăng thiên cũng có ở Lào. Trong đêm đốt pháo, người ta cầm hình dương vật, âm vật diễu hành và mô phỏng động tác giao phối, biểu hiện ý niệm tạo ra sự phồn thực cho mùa màng, cây cỏ, hoa lá, gia súc và con người.
       Vào hôm 13/5 vừa qua, hàng trăm nông dân Thái Lan đã cùng nhau tham gia Lễ hội pháo thăng thiên tại làng Yasothon thuộc miền Đông Bắc Thái Lan để ăn mừng thời khắc bắt đầu mùa mưa. Năm nay, có tổng cộng 26 quả pháo thăng thiên tự chế đã xuất hiện tại lễ hội. Trước khi các quả pháo thăng thiên được phóng lên, một cuộc diễu hành đầy màu sắc dành cho các quả pháo này đã được tổ chức. Các quả pháo tại lễ hội được làm từ những ống nhựa có chiều dài khoảng 9m, bên trong mỗi ống chứa ít nhất 120kg thuốc súng, nhằm bảo đảm cho các quả  pháo bay thật cao và xa. Lễ hội cũng có một giải thưởng trị giá 150,000 baht, tương đương 5,000 USD, dành cho quả pháo nào có thời gian bay trong không trung lâu nhất [1].
       Có thể nói, tín ngưỡng phồn thực (culte de fécodité) là một hiện tượng tôn giáo có tính toàn thế giới. Hầu như ở đâu ngày nay người ta cũng bắt gặp những vết tích của nó. Người ta tôn thờ những biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài và xem việc cụ thể hoá nó trong hiện thực như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng và cả con người. Lễ hội bắn pháo thăng thiên của Thái Lan chính là cách bày tỏ sự biết ơn của người dân với vị thần mưa Vassacan - một vị thần rất thích lửa và đổi lại thần Vassacan sẽ ban tặng cho họ những cơn mưa để đồng ruộng màu mỡ và mùa màng tốt tươi. Hay nói cách khác, đây chính là mong muốn, khát vọng của người dân Thái Lan về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


                                                                  Trịnh Ngọc Tường Vy
                                                        TT.NCVH Tiểu vùng sông Mekong

                                                     Tài liệu tham khảo
1. “Lễ hội pháo thăng thiên tại Thái Lan” (2012,) http://www.saigontv.vn.
2. “Lễ hội Thái Lan”, http://nancotravel.com.
3. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục.
4. Trường Khang, Văn Tiến, Văn Điều (2011), Tìm hiểu văn hoá Thái Lan, Nxb Thông tin.