CÁC CHỨC NĂNG CỦA VĂN HÓA ĐỌC
[ Ngày đăng: 20/05/2016 14:29:34, lượt xem: 2367 ]

            Tin bài: Bùi Thị Thu Hà

         Mỗi chúng ta ai cũng biết, sách là một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và được xem là gốc rễ của văn hóa đọc. Văn hóa đọc cũng xuất phát chính từ sự lan tỏa của thuật ngữ văn hóa trong cuộc sống. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Vậy văn hóa đọc là gì? Văn hóa đọc là hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc sách báo, tạp chí, tài liệu để nhận thức và xử lý thông tin, tri thức một cách khoa học, bổ ích. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Với những ý nghĩa như trên, văn hóa đọc có những chức năng như sau:

Chức năng giáo dục

Sách vẫn như xưa, là công cụ quan trọng nhất trong việc giáo dục con người. Văn hóa đọc thông qua các tấm gương người tốt việc tốt, những nhân vật đặc sắc, điển hình trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đã góp phần to lớn trong việc giáo dục lối sống đặc biệt là nhân cách con người.

Tác động của văn hóa đọc đến nhân các thanh niên là rất lớn, những nhân vật điển hình, những hình tượng tiêu biểu trong tác phẩm văn học sẽ là những tấm gương để họ học tập noi theo. Hàng triệu thanh niên trên thế giới, thanh niên Việt Nam đã từng say mê đọc tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của  Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki. Nhân vật Paven Corsaghin cũng chính là hình ảnh của nhà văn đã gieo vào tâm hồn thanh niên một sự cảm phục vì đã vượt qua số phận nghiệt ngã. Nhiều tác phẩm hay thực sự, có sức cuốn hút và mang hơi thở thời đại hầu như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, phát hành tới mấy trăm nghìn bản sách tạo nên bước đột phá mới trong làng văn học Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. 

Thực tế hiện nay thanh niên do thể lực, tâm sinh lý phát triển nhanh hơn và do tác động của phim ảnh, internet nên đã sớm nảy sinh tình yêu tuổi sinh viên, học trò. Việc cấm học sinh, sinh viên yêu trường sẽ không mang lại kết quả, thậm chí đấy là một hành vi phản văn hóa. Cách tốt nhất là định hướng cho thanh niên, học sinh sinh viên về tình bạn, tình yêu trong sáng thông qua phim ảnh, tác phẩm văn học viết về đề tài này có nội dung lành mạnh, hấp dẫn. Việc đọc như vậy có tác dụng hình thành phong cách văn học, phát triển óc tưởng tượng và năng lực tư duy sáng tạo. Hoạt động tư duy và đón nhận giá trị thẩm mỹ là hai mặt hợp thành một chỉnh thể thống nhất của việc đọc.

Chức năng giải trí

Việc đọc để giải trí vẫn luôn tồn tại. Nhu cầu đọc giải trí thường không có định hướng rõ rệt, hoặc định hướng mờ nhạt, đôi khi mang tính chất "giết thời gian" đọc cũng được không đọc cũng được. Tuy thế, cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của nhu cầu đọc hiểu biết chung và nhu cầu đọc giải trí tới mối tác động qua lại giữa người đọc với thế giới xung quanh, nhất là nhu cầu đọc vì hiểu biết chung.

Cuộc sống ngày nay có nhiều áp lực trong mưu sinh, công việc, học tập do đó dễ làm cho con người bị căng thẳng. Để giải tỏa sự căng thẳng, người ta chơi thể thao, xem truyền hình hay đọc sách báo để giải trí. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, con người cũng cần được giải trí. Một cuốn sách hay có thể đưa bạn tới một thế giới khác, một bài báo hấp dẫn sẽ giúp ổn định bạn trong thời điểm hiện tại, khiến tình trạng căng thẳng dần dần tan biến và cho phép bạn thư giãn. Văn hóa đọc với những tác phẩm, những câu chuyện, những bài thơ hay có nội dung trong sáng, nhẹ nhàng dễ làm người ta quên đi những lo toan hằng ngày.

Với những loại sách khác nhau, với những như cầu giả trí một cách tích cực khác nhau, người đọc có nhiều lựa chọn với những loại sách mà mình thấy thích. Cụ thể như: Đọc sách thể dục thể thao, chúng ta biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai bền bĩ hơn. Đọc sách triết học, chúng ta nhận ra những quy luật và những diễn biến ý thức hệ trong cuộc sống, từ đó hình thành cách nhìn và cách nghĩ của bản thân. Đọc sách vật lý chúng ta hiểu biết về quy luật vận động của thế giới tự nhiên hơn, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Đọc sách văn học để hình thành cảm xúc, thái độ hợp lý trước mọi cảnh ngộ, cuộc đời; xây dựng đời sống hài hòa, nhân văn, có chiều sâu… Tóm lại, văn hóa đọc đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp giữa bản thân với cộng đồng, môi trường xung quanh, xã hội và cả nhân loại.

Chức năng giao tiếp

Sách không phải đơn thuần là một vật mang tin mà là một trong số những công cụ giao tiếp có tác dụng đảm bảo sự thống nhất giữa con người với nhau. Đọc sách thực chất là một quá trình giao tiếp, khi đó tác giả quyển sách và bạn là những nhân vật tham gia giao tiếp. Chỉ có điều quá trình giao tiếp này diễn ra một chiều, những vấn đề tác giả nói đến đi sâu vào trí não và hình thành tư duy ở bạn thế nhưng những suy nghĩ của bạn tác giả không hề biết được nếu bạn không viết thư hay gọi điện thoại phản hồi. Quá trình giao tiếp này giúp các bạn hiểu vấn đề, biết cách trình bày vấn đề theo chiều hướng triển khai hay khái quát hợp lý, cách lý luận hay dùng dẫn chứng chứng minh cho một luận điểm nào đó. Đọc sách một thời gian lâu, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc, suông sẻ, có đầu có đũa gọn gàng dễ hiểu.

Văn hóa đọc thông qua việc đọc các tác phẩm văn hóa, tư tưởng, lịch sử, văn học nghệ thuật… ở các vùng, các miền khác nhau trong cùng một nước hay các nước khác nhau sẽ giúp con người hiểu được lịch sử, văn hóa của đất nước từ đó kích thích người ta đến tìm hiểu, nghiên cứu, du lịch, do đó con người được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, con người chỉ cần bật máy vi tính, vào mạng internet là trong một vài giây có thể đọc những thông tin từ khắp thế giới. Từ đó người ta có thể giao tiếp, trao đổi thông tin cho nhau. Văn hóa đọc góp phần to lớn vào sự đoàn kết, chia sẻ và cảm thông giữa các dân tộc. Việc đọc để hiểu đặc thù của nền văn hóa dân tộc một mặt để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, mặt khác để tránh những va chạm, hiểu lầm không đáng có trong quá trình chung sống cùng nhau trên dải đất này. Đặc biệt trong điều kiện phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, sự đa dạng và phong phú các nền văn hóa của dân tộc đang sinh sống trên đất nước sẽ là một động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần vào bức tranh chung về sự đa dạng của văn hóa thế giới.  Những tài liệu văn hóa của mỗi dân tộc anh em sẽ sẽ bổ sung vào kho tàng văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là tài sản vô cùng quý giá riêng của đất nước chúng ta.

Chức năng cung cấp thông tin, tri thức

Thông tin là những tin tức, sự kiện, những vấn đề… được truyền đi từ nơi phát sinh, sản xuất như báo chí, sách, các trung tâm khoa học kỹ thuật, dự báo khí tượng thủy văn… để cho nhiều người được biết. Trong các loại tin tức trên thì tin tức báo chí chiếm dung lượng rất lớn và quan trọng. Tin tức trên báo không chỉ là bản chất của báo chí mà còn là một loại hình văn hóa, bao hàm các giả định về các vấn đề quan tâm, vấn đề có ý nghĩa, thời điểm và địa điểm chúng ta sống và một loạt các suy xét mà chúng ta cho là nghiêm túc.

Trong cuộc sống con người cần có các thông tin để đáp ứng cho nhu cầu sinh tồn của mình. Các thông tin đó đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và một trong những nguồn tin tưởng và có giá trị nhất là sách báo. Có rất nhiều loại thông tin và các cách phân loại thông tin, căn cứ vào cấp độ, người ta có thể phân loại thông tin thành:

- Thông tin thường nhật: Về thời tiết, giá cả thị trường, các chính sách mới của Nhà nước, về các chương trình biễu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim…

- Thông tin khẩn cấp: Bão lũ, động đất, các bệnh dịch nguy hiểm…

- Thông tin bí mật: Tình báo, quân sự, vũ khí hạt nhân…

Sau khi nắm bắt được các thông tin, người ta tiến hành xử lý thông tin. Ví dụ: Sau khi nghe dự báo thời tiết ngày mai trời rất lạnh, người ta sẽ mặc thêm áo ấm để bảo vệ sức khỏe. Hay khi biết được thông tin có chương trình biễu diễn nghệ thuật hấp dẫn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) nếu thấy thích người ta sẽ đi mua vé để xem…

Ngoài nhu cầu nắm bắt các thông tin trong sách báo, con người còn có nhu cầu về tri thức để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Cũng như thông tin, tri thức có nhiều loại và nhiều cách phân loại khác nhau, căn cứ vào cấp độ, người ta phân loại tri thức thành:

- Tri thức cảm tính và tri thức lý tính.

- Tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận.

- Tri thức tiền khoa học và tri thức khoa học.

Văn hóa đọc còn cung cấp các giá trị tri thức lớn của nhân loại thông qua sách báo. Đây được xem là kho tri thức vô tận, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Đọc những cuốn sách hay, những bài báo có giá trị cung cấp nhưng tri thức và thông tin làm cho con người (nhất là giới trẻ) bị hấp dẫn vào đó mà quên đi những dục vọng, những việc làm không tốt, thậm chí là cái ác trong mỗi con người. Nâng cao tính nhân bản, hay cái phần “người” mà chúng ta thường nói, hạn chế đi phần “con” luôn tiềm ẩn ở mỗi cá nhân.

Tóm lại, đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Nếu chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò của sách cũng như  biết cách tự tạo cho mình một kỹ năng, sở thích đọc hiệu quả thì chắc chắn rằng văn hóa đọc của nước ta sẽ ngày càng phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo

1. Vài trò của văn hóa đọc trong sự phát triển nền văn hóa Việt Nam/ Lê Thị Hồng Lý// Nhân lực khoa học xã hội.- Số 4 (2013).- Tr. 46-51.

 

2. Ý nghĩa xã hội và văn hóa của việc đọc sách trong xã hội thông tin/ Markova// Thông tin và tư liệu.- Số 4 (2013).- Tr.38-42.