Các dòng tranh Dân Gian Việt Nam
[ Ngày đăng: 11/03/2014 3:08:57 SA, lượt xem: 3763 ]

Tranh dân gian bao gồm tranh thờ cúng và tranh tết truyền thống. Nó chính là trí tuệ, có nguồn gốc rất xa xưa, được bảo lưu và phát triển ở các giai đoạn lịch sử của đất nước. Người Việt với tín ngưỡng thờ tổ tiên và nhân hóa các hiện tượng thiên nhiên thành các vị thần nên cùng với  tranh tết, tranh thờ cũng được phát triển rất sớm. Tranh tết và tranh thờ cúng đã trở thành nếp sống văn hóa, là nguồn cội của mỹ thuật dân gian và hợp thành văn hóa dân gian đương đại.

Với nhu cầu của tục lệ chơi tranh tết và thờ cúng, tranh dân gian bắt buộc phải có số lượng lớn nên ở nước ta từ lâu đã biết đến kỹ thuật khắc ván để in. Vào thời Lý (thế kỷ XII), đã có một số gia đình chuyên làm nghề ván khắc; đến cuối thời Trần đã in được tiền giấy, qua thời Lê sơ lại tiếp thu thêm kỷ thuật khắc in trên ván của người Trung Quốc và có cải tiến thêm một vài bước. Cũng từ đây, trong dòng chảy của mỹ thuật dân gian bắt đầu có sự phân hóa và ngày càng đậm nét hơn.

         Các địa bàn làm tranh dân gian trải dài trong cả nước nhưng dựa theo phong cách và kỹ thuật in, vẽ, cùng với nguyên vật liệu chế tác tranh, ta có thể phân loại dòng tranh theo địa danh xuất xứ.

        Tranh điệp Đông Hồ ở đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ thuần túy cho nông dân. Trên chất liệu giấy dó, nghệ nhân quét lên lớp điệp với những nét song hành mềm mại và phủ đầy những ánh bạc lấp lánh, lướt thêm một ít hoa hòe màu vàng hay nước gỗ vang đỏ cam, tạo cho khung nền màu sắc rực rỡ sang trọng. Trên nền giấy dó, đôi khi chỉ cần diễn hình bằng nét đen và in thêm một màu đơn sơ cô đọng, phần lớn gam màu được chiết xuất từ chất liệu có sẵn trong thiên nhiên như trắng của vỏ sò, đen của than lá tre, đỏ của gỗ vang, xanh của lá chàm, vàng của hoa hòe…rồi nhờ kỹ thuật in chồng màu mà tạo nên một số sắc màu khác.

       Nội dung của tranh Đông Hồ là những lời chúc tụng và phản ánh những sinh hoạt và quan hệ xã hội ở nông thôn Việt Nam. Ngày tết, nhà nào cũng có vài tờ tranh Đông Hồ, nó làm bừng sáng những căn nhà đơn sơ.

 

Tranh Đông Hồ - Đánh Ghen

 

        Khác với lối chế tác của tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống chỉ in nét đen rồi sau đó dựa vào đường viền để tô màu, tranh chủ yếu phục vụ thị dân. Sản xuất và bày bán giữa kinh thành. Tranh đôi khi chỉ được vẽ tay thuần, luôn mạch, ngừng bút là xong, phần lớn in nét rồi tô màu bằng tay và tạo ra nhiều sắc độ khác nhau.

       Tranh Hàng Trống dùng giấy và màu nhập ngoại, khổ lớn, sắc độ tươi tắn. Nội dung của tranh thường là chung đề tài với tranh Đông Hồ, song phổ biến là tranh thờ ở các điện, đền… không gian của tranh thoáng đãng, hoặc linh thiêng huyền ảo.

 

Tranh Hàng Trống – Tố nữ ( Tứ bình)

         Tranh Làng Sình (làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên -Huế) phần lớn là tranh thờ theo tín ngưỡng cổ sơ, lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên thần bí và linh dị được nhân hóa thành những vị thần. Tranh Làng Sình chỉ có một ván in nét lấy hình và các mảng đen, in đen xong là hoàn tất, đôi khi điểm xuyết vài vệt màu, đôi khi để nguyên màu giấy gốc. Tranh chỉ phục vụ duy nhất cho việc thờ cúng, cúng xong là đốt, đây cũng là điều khác biệt với hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống.

 

Tranh Làng  Sình - Thiếu nữ Phú Xuân ( thế kỷ XVIII)

 

        Mỗi dòng tranh có mỗi phong cách riêng, không phụ thuộc vào viễn cận một điểm nhìn mà được diễn tả theo lối quan sát di động với nhiều góc độ khác nhau. Thần thánh được vẽ to ở trung gian, còn người bình thường thì nhỏ đều nhau… Có thể thấy, trong giao lưu văn hóa, tranh dân gian Việt Nam phát triển với những tinh hoa sẵn có bởi sự tích tụ qua các thời kỳ, vừa tiếp nhận những gì thích hợp của các dòng tranh khác trong khu vực trên cơ sở dân tộc hóa, làm phong phú bản sắc của mình.

 

                                                                          Trương Đình Dung

                                         Trung Tâm NCVHTV Sông Mê Kông