Dòng sông chở nặng ân tình (Minh Tứ với dòng sông ký ức)
[ Ngày đăng: 04/11/2013 9:12:41 SA, lượt xem: 1880 ]

Một giọng văn màu mật ong, ánh sáng được chắt ra từ đường bay của ý nghĩ, tâm hồn được đúc ra từ khuôn hình của tính cách: thao thức mà trầm tĩnh, nhẹ nhàng mà sâu lắng, thủ thỉ mà dồn nén. Đó là cái nhìn của tôi về nhà văn Minh Tứ. Sau "Cỏ xanh dưới chân Thành Cổ"*; "Thông điệp cho mai sau"** "Hương rừng"***, “Dòng sông ký ức”**** là cuốn sách thứ tư tiếp nối và định hình một Minh Tứ đủ để người đọc nhận cảm một chặng đường tác giả đi và viết, sống và viết bằng nội tâm tỏa sáng tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước.

 

“Dòng sông ký ức” được tác giả chia làm 3 phần và đặt tên theo nhóm đề tài:  “Quê hương” (gồm 15  tác phẩm, sau bút ký “về bên mái nhà xưa” thay lời mở đầu), “Những nẻo đường xuôi ngược” (10 tác phẩm) và “tâm tình bạn hữu” (11 tác phẩm; tập hợp những bài viết, phỏng vấn tác giả và tác giả viết về bạn văn). Hai nhóm đề tài đầu là phần sáng tạo chủ yếu của tác giả và đó là chỗ bàn tới trong bài viết này.

“Kí ức là hình ảnh, sự việc đã qua, được trí nhớ ghi lại và gợi lên” (Từ điển Tiếng Việt). Ký ức cũng là khởi nguồn, là dòng sông, là lịch sử để từ đó nhà văn làm cuộc hành hương “từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả” (Paul Éluard). Trên “dòng sông ký ức” khi mênh mang dùng dằng, lúc xiết chảy qua bao ghềnh thác với muôn nẻo sinh ly – tử biệt – đoàn tụ và hồi sinh ấy, Minh Tứ gửi đến bạn đọc những bức thông điệp tươi rói xúc cảm, mỹ cảm, nhân cảm trong lắng đọng tâm tình, trong sẻ chia đồng cảm. Ngụp lặn giữa dòng sông ấy, ta gặp không ít những thầm thỉ nằm lòng, những hồi cố rút ruột: “Mỗi dòng sông cũng như mỗi đời người, đều có gốc gác, cội nguồn, cả tình yêu và nỗi nhớ đan cài” (Dòng sông ký ức). Khi là dặm dài lữ thứ chất chứa nỗi hoài hương: ”Có những lúc mệt nhoài trên những nẻo đường rong ruổi, bỗng thèm được quay về bên mái nhà xưa, để được tĩnh tâm, chìm đắm trong miền ký ức thời thơ ấu hồn nhiên trong trẻo, để quên hết những nhọc nhằn trong gánh nặng mưu sinh”. Lúc lại chiêm ngắm và suy tưởng “Người Việt Nam mỗi lần hành hương về bên dòng Bến Hải không chỉ ngậm ngùi với những giọt nước mắt khổ đau mà còn có cả những giọt nước mắt hạnh phúc, cho dù năm, dù tháng, dù bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu” (Bây giờ, đôi dòng Bến Hải). Trong muôn lớp sóng ký ức dội về, có nước mắt xen nụ cười, có thẳm sâu tưởng tiếc xen xanh cao hạnh phúc, bởi “lịch sử đâu chỉ là chuyện của lớp người hôm qua mà nó còn thấm sâu trong lớp trẻ hôm nay, cho dù họ sinh ra và lớn lên không được chứng kiến chiến tranh và nỗi đau chia cắt một thời của dân tộc” (Bây giờ, đôi dòng Bến Hải).

Không phải ngẫu nhiên, quê hương tuổi thơ là điểm khởi nguồn (thay lời mở đầu) cho một xuất phát, một đau đáu, một thiết tha, một vọng niệm miên man trăn trở để từ đó gắn kết vận mạng mỗi người với vận mạng của dân tộc. Minh Tứ nói với chính mình, về mái nhà xưa của mình những điều thật giản dị mà thật thấm đẫm: “Ngôi nhà là nơi trú thân gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ cho đến khi lớn lên, kể cả khi nằm xuống của mỗi đời người” (Về bên mái nhà xưa). Hay khi nói về mảnh đất  “chung đúc linh khí truyền từ nghìn xưa” là làng Bích La, nơi sinh ra đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, một nhà cách mạng kiệt xuất, đã không quên tìm về nguồn cội tổ tông tận Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), anh khái quát sâu sắc như một châm ngôn:“con người đâu chỉ có một tổ quốc để cống hiến, hy sinh mà còn có một quê hương để hướng về, để thương tưởng” (Người Bích La). Tình yêu quê hương rộng lớn như thế, từ chiếc nôi đưa của mẹ ru ta đến những khoảng trời xanh mây trắng ôm ấp sự bình yên thuở nào rung lên dưới mưa bom bão đạn. Chiến tranh gây bao nỗi kinh hoàng nhưng chiến tranh lại là nơi thử lửa lòng người và làm cho con người lớn dậy với sức mạnh Phù Đổng. Tác giả ngẫm ngợi về mảnh đất chịu nhiều mất mát, đau thương; về cái giá máu xương quá đắt; về sự thông minh sáng tạo đánh giặc trên hàng rào điện tử McNamara của người đôi bờ sông tuyến viết tiếp trang sử vàng: “Lịch sử đã để lại những trang bi tráng trên mảnh đất này, cho đến mãi bây giờ 50 năm sau khi nhắc đến còn gợi lên tình cảm thiết tha, thiêng liêng”(Bây giờ, đôi bờ Bến Hải).

Cùng “Người trở lại núi Hồ Khê”- nơi “từng là chiến trường xưa ác liệt”, bây giờ đã lên xanh niềm vui họp mặt, trong anh ngập dâng xa xót lẫn tự hào về những người lính đánh giặc can trường, về bộ mặt tàn bạo của kẻ thù, chúng “đã dùng xe ủi lấp các chiến sĩ quân giải phóng vào một nấm mộ” sau một trận đánh không cân sức. Đấy có phải là hành động trả thù hèn hạ hay chiêu lên “dây cót” tinh thần của kẻ kém cỏi dũng trí?. Tàn độc hơn, kẻ thù còn rải thảm chất độc màu da cam nhằm hủy diệt sự sống. Tội ác mà ngay từ thời Nguyễn Trãi đã từng lên án “trời không dung, đất không tha”. Nhìn những đứa trẻ thân hình dặt dẹo, co quắp, ánh mắt vô hồn, anh đau nỗi đau thống thiết và lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân chịu hậu quả, nhưng cũng không quên kêu gọi “sự chia sẻ của cộng đồng để góp phần xoa dịu” và cho đó là hành động “rất cần thiết và không thể không làm” (Nỗi đau lên tiếng). Anh kính cẩn trước một Thành Cổ trong bom đạn ngút trời suốt 81 ngày đêm, con người và sắt thép, mồ hôi và máu trộn lẫn, nhưng “thật kỳ lạ, dưới đống đổ nát tan hoang tưởng như không còn sự sống đó, cán bộ chiến sĩ ta vẫn sống, chiến đấu,  vẫn nở nụ cười tươi vui, ăn cơm nắm, đọc báo, đọc thư nhà...” và không khỏi thảng thốt bởi “không nơi đâu như mảnh đất này, cứ mỗi lần người dân mở móng dựng xây nhà là gặp hài cốt liệt sĩ” (Cõi thiêng Thành Cổ).

Thăm bảo tàng Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh, anh “thấy  rõ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trên mặt trận Đường 9 – Khe Sanh, Nam Lào” và “cuồng vọng xâm lược, tội ác dã man và thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ”. Và không ngại giải ngôn bằng một kết luận thuyết phục: “Tôi nghĩ rằng quá khứ thì có thể khép lại, nhưng bài học thì không thể lãng quên. Bởi thế, Bảo tàng Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh không chỉ là nẻo tìm về quá khứ để tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc chúng tôi mà còn là nơi thắp lên khát vọng hòa bình cho nhân loại” (Bảo tàng chiến tranh – Khát vọng hòa bình). Người xa xôi đến thăm bảo tàng, theo tôi, thêm một lần mong muốn được đọc lại những dòng tâm huyết ấy.

Đằng sau những bỏng rát sự kiện, những miền đất soi chiếu hai chiều lịch sử, người viết ký không chỉ thuật tả mà còn giúp người đọc nhận chân sự kiện và phục dựng “chân dung” tạo sức thuyết phục, lay động tình cảm. Ở phương diện này, tác giả đạt được không ít thành công. Một nhà thơ đã viết rằng, “đất nước tôi chiều dài gần hơn chiều rộng”. Con đường thiên lý bắc nam bây giờ đã thuận lợi nhiều lắm, gần gũi nhiều lắm so với biển đảo Trường Sa mỏi cánh hải âu, “nơi luôn có màu trắng của cát, màu đỏ của máu và màu xanh của sự sống đang dâng trào không cưỡng được” [Đất Việt giữa trùng dương (ĐVGTD)]. Nếu một ngã ba huyền thoại Đồng Lộc khắc vào trời xanh tượng đài bất tử của 10 cô gái thanh niên xung phong năm xưa thì những chiến sĩ Trường Sa hôm qua và hôm nay luôn tiếp chuyển nhịp đập trái tim yêu nước, thương nhà trong mỗi hạt hồng cầu. “Giữa sóng gió của trùng dương, các anh gác lại bao khó khăn của hậu phương, gác lại tình cảm riêng, những trăn trở suy tư, lấy nhiệm vụ bảo vệ bình yên biển đảo thiêng liêng của tổ quốc mà bao đời cha ông đã tạo dựng để làm mục tiêu, lẽ sống cho mình” (ĐVGTD). Cuộc sống vốn sẵn bày những buồn đau, âu lo và phức tạp. Có “niềm đau lặng lẽ” của người thân tìm lại một phần máu thịt đời mình sau chiến tranh và cũng có cả những chia lìa trước thử thách thời bình. Họ “là những người anh hùng đứng trong góc khuất, là những bệ đỡ khiêm tốn, giản dị, luôn lặng lẽ” ( Dương Kim Thoa). Họ cũng có thể là những “trái đắng” của hạnh phúc. Tác giả không bình luận nhưng qua các tình tiết, chi tiết và nhân vật, cho chúng ta một thức nhận, một phản tỉnh về hậu quả đằng sau cơ chế thị trường nghiệt ngã.

Lần theo “dòng sông ký ức”, ta còn bắt gặp cơ hồ những mảng, vỉa văn hóa trầm tích nét đẹp nghìn đời của dân tộc và tiềm năng, sức sống vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta trong thời đại mới – thời đại xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng; đồng thời tác giả phác thảo đôi nét giúp ta hình dung về những đất nước láng giềng, hữu nghị.

Một Đền Đô đất thiêng khí tụ khởi dựng nhà Lý - triều đại vàng son, làm nên huy hoàng nước Việt. Một Bích La, Mai Xá, Hà Trung, Câu Nhi, Nhan Biều...giàu truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hóa góp phần tô điểm giang sơn gấm vóc. Một Tây Nguyên chất ngất âm vang sử thi ngày mới với công trình thủy điện Ialy – “nguồn vàng trắng vô biên làm giàu cho đất nước” (Trở lại Tây Nguyên). Một xứ Lạng huyền hoặc, mê dụ như trong cổ tích đang từng ngày phát triển, sôi động trong làm ăn kinh tế. Một Cát Bà, Hạ Long “thiên đường” vẫy gọi; một đất Mũi đủ gầy dựng một “thao thức về hương đất, tình người trên mỗi bước chân qua” (Phương Nam ký sự)...Hay như “về bên tây Trường Sơn”, qua những người bạn Lào nhiệt tình, gần gũi đến thân thiết, anh nhận ra “mảnh đất vàng bên dòng Mê kông, xa xôi nhưng rất gần trong tình Việt – Lào xamakhi”. Đến Pattaya, nhãn tiền thấy đối cực trong đời sống sinh hoạt của người Thái: một bên hào nhoáng phấn son và bên kia là cuộc sống ngày thường “bình lặng, hiền hòa, u tịch như ngôi chùa đổ bóng” (Pattaya – thành phố sống về đêm)

Có thể nói, Minh Tứ là một cây ký có khả năng thâu tóm, lật xới sự kiện, làm nổi bật những vấn đề nóng hổi, xã hội quan tâm hay vấn đề xưa cũ nhưng tươi nguyên “chất sống” và lay thức tâm cảm người đọc. Thêm lần nữa xác tín đối với người viết ký, điều mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) nêu ra như một điều kiện đòi hỏi về sự  “phong phú trong tư liệu, chính xác trong hiểu biết và trung thực trong tất cả những gì được rút ra từ thế giới nội tâm của người viết”. Nhưng tư liệu, sự hiểu biết và trung thực mới chỉ là lý do tồn tại của thể loại. Lý do tồn tại của người người sáng tạo là “trước khi chảy qua ngòi bút, những điều ấy đã chảy qua trái tim của anh như một dòng máu” (HPNT). “Dòng sông ký ức” chính là dòng máu nhiệt thành chảy từ trái tim thao thiết không nguôi ấy. Và ở đó, ta nhận ra thế giới nghệ thuật hòa quyện thế giới cuộc sống không thể tách rời.

      

THAM KHẢO

1. Minh Tứ: Dòng sông ký ức, tập Bút ký/phóng sự/ghi chép, NXB Văn học, 2012