Hội nhập Văn hóa
[ Ngày đăng: 17/07/2012 3:25:52 SA, lượt xem: 7615 ]

VĂN HÓA VIỆT NAM, LÀM GÌ TRƯỚC HỘI NHẬP?

Trước cơn bão toàn cầu hóa, hội nhập văn hóa trở thành một điều tất yếu… và câu chuyện được, mất trong hội nhập văn hóa phụ thuộc vào cách ứng xử của nền văn hóa đó trước sự xâm nhập một cách tự nhiên của các nền văn hóa mới được đặt ra như một điều cấp thiết.

“Thời cơ vàng” của hội nhập văn hóa
Nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra, có thể thấy rằng, chưa bao giờ đời sống văn hóa tại Việt Nam lại trở nên sôi động và nhiều màu sắc như thời gian 5 năm trở lại đây, Đông và Tây, Truyền thống và Hiện đại…tất cả hiện diện đầy đủ trong đời sống của người Việt, đi qua các vùng nông thôn đến thành thị, từ người trẻ đến người già…

Là thời cơ vàng, bởi lẽ chưa bao giờ văn hóa giữa các quốc gia có thể được tiếp xúc với nhau dễ dàng hơn giai đoạn này, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, chúng ta thực sự đã trở thành một cư dân trong ngôi làng toàn cầu mà nhiều người ví von. Đó là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp thu và chia sẻ với thế giới vốn văn hóa được xây dựng từ hàng nghìn năm của mình. Không quá lạc quan khi nhiều người cho rằng, Việt Nam có thể trở thành một nơi hội tụ của văn hóa thế giới nếu chúng ta làm đúng cách.Và phương châm được chúng ta chọn trong cuộc chơi toàn cầu này là “Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và đưa văn hóa thế giới đến Việt Nam”.

Mấy năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm đến của các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Khi bước chân vào lãnh thổ Việt Nam triển khai các dự án, thành lập doanh nghiệp, chính họ cũng đã phải xây dựng một môi trường doanh nghiệp phù hợp với đặc thù văn hóa của Việt Nam, hành xử theo văn hóa Việt Nam. Đó chính là hội nhập. Rõ ràng, thông qua sự hội nhập trên nhiều khía cạnh, văn hóa của Việt Nam đã và đang thể hiện được sức ảnh hưởng sâu rộng của mình.

Đó còn chưa kể hàng nghìn lượt khách du lịch đến Việt Nam mỗi ngày, họ là những chiếc cầu nối đưa văn hóa nhân loại đến Việt Nam và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Chưa lúc nào mô hình du lịch văn hóa lại trở nên sôi động như thời gian vừa qua, điều đó chứng tỏ sức thu hút của văn hóa Việt Nam đối với thế giới. Và Văn hóa còn được chọn là một trong những điểm nhấn, để cùng với cảnh quan thiên nhiên, làm nên thế mạnh của ngành du lịch. Nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta phải nhận diện được những điểm thu hút này và chọn một kênh truyền bá văn hóa phù hợp.  

Liều thuốc thử văn hóa quốc gia

Quá trình hội nhập và tiếp cận với những nền văn hóa mới được xem như là một liều thuốc thử bản lĩnh văn hóa quốc gia trước sự xâm nhập của những thứ văn hóa mới. Văn hóa là những gì còn lại sau khi quên đi tất cả, tồn tại gắn bó với tâm thức con người nhưng văn hóa bản địa, trong mức độ nào đó, cũng dễ lung lay trước làn sóng dồn dập của văn hóa ngoại lai. Trong bối cảnh khi gia nhập WTO, điều chắc chắn sẽ xuất hiện là những di sản phi vật thể của các nước khác có cơ hội tràn vào Việt Nam. Ví dụ lối sống, phong tục tập quán đến từ các doanh nghiệp, công nhân, khách du lịch vào Việt Nam. Tất cả những điều ấy đều ảnh hưởng tới những phong tục, tập quán Việt Nam. Vì vậy, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hoá- Thông tin cho rằng: "Phải tạo cho thế hệ trẻ có đầy đủ "những kháng thể" để có thể đủ sức loại bỏ những cái gì không phải là bản sắc văn hoá, tâm hồn, tính cách Việt Nam. Bởi vì lớp trẻ chính là lớp người dễ tiếp thu và tiếp thu nhanh văn hóa, kể cả văn hóa ngược chiều, nếu không có sự định hướng phù hợp thì sẽ rất nguy hiểm.

Mặt khác, sự bùng nổ công nghệ thông tin đã giúp cho thế giới xích gần lại nhau một cách nhanh chóng hơn, đó là một cơ hội lớn để văn hóa Việt Nam có thể tiếp cận với văn hóa thế giới nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn, bởi vì quan internet, những rào cản thông tin gần như đã bị xóa bỏ, rất khó để có thể sàng lọc và định hướng; vì thế, điều duy nhất có thể định hướng chính là nền tảng và bản lĩnh văn hóa trong mỗi người Việt Nam.
Đến thời điểm này, văn hóa Việt Nam được cho là vẫn giữ được nét riêng của mình, điều đó có được từ việc xây dựng và gìn giữ văn hóa từ nhiều thế hệ trước, nhưng rõ ràng, thế giới đang biến động rất nhanh, và ngày càng có nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta…
Gần đây, người ta đã chứng kiến sự đảo lộn về giá trị, chuẩn mực đạo đức, văn hóa diễn ra rất phổ biến trong giới trẻ. Tất cả những điều đó cũng là một hệ quả của văn hóa trong hội nhập, và nếu không sớm thay đổi, đó sẽ là một nguy cơ rất lớn đối với văn hóa Việt Nam về lâu dài. Vì thế, điều mà nhiều người lo ngại đối với văn hóa khi hội nhập là làm sao giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình chúng ta mở cửa, khi văn hoá nước ngoài tham gia vào văn hoá chung của Việt Nam. Con đường quan trọng nhất chính là giáo dục, giáo dục sẽ tạo ra một nền tảng văn hóa vững chắc cho thế hệ trẻ, để họ có thể nhận diện được và từ đó biết trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần thực sự của đất nước mình.

Thế giới giờ đây được ví như một ngôi làng toàn cầu, nếu đã trong cùng một cái làng thì chắc chắn, những sự khác biệt sẽ dần dần bị xóa nhòa. Chúng ta là ai trong ngôi làng toàn cầu đó, chúng ta có giữ được bản sắc riêng của mình hay không, điều đó phụ thuộc vào những gì mỗi người xây dựng và định hình ngày hôm nay.

                               
                                    Nguyễn Thị Thanh Nga
                        TT. Nghiên cứu văn hoá TV sông MêKông