Lễ hội Loy Krathong – nét văn hóa độc đáo của Thái Lan
[ Ngày đăng: 14/11/2011 4:15:46 SA, lượt xem: 3434 ]

Thái Lan là một vương quốc với những ngôi đền biểu trưng cho nền văn hóa nông nghiệp - Phật giáo, “Đất nước của những nụ cười  thân thiện ” và đặc biệt là “ Vương quốc của những mùa lễ hội ”. Tại đây, các lễ hội được tổ chức với quy mô rộng lớn, thu hút sự chú ý của nhiều người dân và khách thập phương muốn tìm hiểu và thưởng thức nét văn hoá độc đáo của Thái Lan. Một trong những lễ hội đáng chú ý sắp diễn ở Thái là lễ hội Loy Krathong.

 

Lễ hội Loy Krathong diễn ra vào khoảng một tháng sau mùa Kết Hạ (kỳ tu kín của các tăng ni Phật giáo), vào những ngày trăng sáng và tròn nhất trong tháng 12 theo Âm lịch Thái Lan, thường vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Dương lịch (tháng Mười lịch âm của Việt Nam. Thời gian này, nước các sông ở Thái Lan lên đầy và mùa mưa cũng bắt đầu chấm dứt, trời sáng trong hơn, không khí không còn ẩm ướt nữa. Mọi người ở thôn quê đều rảnh rỗi vì chưa đến mùa gặt. Vậy nên, lễ hội này đã thu hút rất nhiều người tham gia và trở thành một lễ hội lớn, phổ biến ở Thái Lan. Người Thái ở khắp nơi trên đất nước đều hướng về các con sông, ao hồ và các kênh mương để thả những chiếc Krathong.

Theo tiếng Thái, “Krathong” là chiếc “bát lá” hay “hoa đăng” làm bằng thân và lá chuối được trang trí dùng để đựng đồ cúng, “Loy” nghĩa là “thả trôi”. Loy Krathong là thả trôi những chiếc bát lá theo dòng nước. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của lễ hội này. Cách giải thích phổ biến nhất cho rằng: Đây là một lễ hội có xuất xứ từ Ấn Độ với tín ngưỡng thờ phụng nữ thần sông Ganga (sông Hằng) như vị thần mang lại cuộc sống và sự sinh sôi. Quan niệm này đã được du nhập vào Thái Lan dưới Vương triều Shukhothai khoảng 700 năm trước, trong đó, tên sông Ganga được phiên âm thành Khongkha. Đời Vua Ramkhamhaeng, vị vua vĩ đại của Vương triều Shukhothai, có một cô gái tên là Nang Nopamas, con gái của một thầy tu Bà la môn trong hoàng cung thường hay cúng lễ thần sông khi mùa mưa kết thúc. Nàng đã bắt chước tục lệ Bà la môn của cha mình, làm một chiếc khay đựng đồ cúng để dâng lên Mee KhongKha (Mẹ Nước). Nàng lấy thân và lá cây chuối để kết chiếc bát lá đựng đồ cúng trong hình dạng một bông sen mãn khai; sau đó, với lòng kính trọng, nàng dâng chiếc Krathong đầu tiên này cho đức vua, người đã nhận và thả xuống sông. Cách thức mới lạ và ý nghĩa của chiếc bát lá đã cuốn hút người dân Shukhothai và họ đã sáng tạo ra lễ hội này. Có thể chính vì nguyên nhân này mà cuộc thi chọn hoa hậu “Nang Nopamas” ra đời. Và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào cuối năm 1991.

          Những chiếc Krathong cổ truyền vẫn có kiểu dáng hoa sen, làm bằng thân hoặc lá cây chuối và được trang trí bằng các loại hoa. Trải qua nhiều năm, những cuộc thi bình chọn Krathong đẹp nhất đã được tổ chức và có thêm nhiều kiểu dáng mới xuất hiện như chim, thuyền và các hình tượng khác. Các vật liệu trang trí nhiều màu sắc được sử dụng tối đa để Krathong có màu sắc sặc sỡ thật bắt mắt. Tuy nhiên, trong một Krathong luôn phải có 3 thứ là nến, hương, hoa (nhiều loại, nhiều màu). Có khi, cờ giấy cũng được gắn vào Krathong, bay phất phơ theo những cơn gió nhẹ. Người ta còn nhét cả tiền xu vào các cánh lá của Krathong. Tiền xu là đồ cúng một cách tượng trưng cho thần sông, nhưng trong những năm gần đây, tiền xu lại được xem như là một hành vi công đức cho người nghèo, những người sau đêm hội đi tìm kiếm Krathong để lấy tiền.

    Hoàng gia cũng tham gia và tổ chức những lễ hội Loy Krathong rất quy mô với những Krathong Yai (Krathong lớn). Các Krathong này như một chiếc thuyền có thể chở được nhiều nhạc công, ca sĩ, vũ công để họ biểu diễn hát múa trong ánh đèn đuốc sáng trưng. Những Krathong hoàng gia không chỉ lớn mà còn có hình dạng rất phong phú: Hình hoa sen nở, hình thuyền mành, thuyền rồng... Nhà vua cùng hoàng gia ngồi xem Loy Krathong trên một đình tạ lớn nổi lên trên mặt nước nhờ những thuyền nhỏ ghép lại thành phao...

Năm nay, mặc dù gặp không ít khó khăn trong cơn “Đại hồng thuỷ ” vừa qua nhưng lễ hội Loy Krathong vẫn được tổ theo đúng quy định của Tổng cục Du lịch Thái Lan (viết tắt TOT) vào ngày 10 / 11 (Dương lịch) hay 15/10 (Âm lịch). Bên cạnh quy mô rộng lớn trên toàn đất nước, Loy Krathong năm nay sẽ có nhiều điểm đáng chú ý hơn mọi năm , đặc biệt là ở các tỉnh thành.

Tại Bangkok , Loy Krathong sẽ được tổ chức trên toàn thành phố. Các buổi biểu diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống của Thái, bắn pháo hoa, giải trí dân gian . Tại Trung tâm Nghệ thuật dân gian và Thủ công mỹ nghệ của Hoàng gia  (Bangsai, Ayuthaya ) trước khi khai mạc, du khách có thể thưởng thức các buổi trình diễn nếp sinh hoạt truyền thống, nghệ thuật dân gian và cách làm hàng thủ công mỹ nghệ trong dân gian và chương trình văn nghệ tạp kỹ . “ Festival Yi Peng Chiang Mai ”  nghi thức thường là thả đèn lồng kiểu Lanan bay lên bằng hơi nóng ( đèn trời ). Theo tín ngưỡng truyền thống, người Thái tin rằng khi những chiếc đèn lồng bồng bềnh trên không sẽ mang theo những phiền não của cư dân trong cộng đồng . Tỉnh Tak có truyền thống Loy Krathong độc đáo: từng lễ vật riêng được kết vào nhau và thả cùng lúc để tạo thành một chuỗi ánh sáng bay lên trên sông Ping, làm gợi nhớ một chuỗi hạt lấp lánh nên có tên gọi là Loy Krathong Sai.

Trong quá trình thả Krathong, người ta có thể cắt một ít móng tay,  tóc và một đồng xu bỏ vào Krathong vì tin rằng như thế sẽ xua đuổi được mọi điều xấu xa , may mắn  đến nhiều hơn.
 
Dựa vào những tài liệu nói về sự ra đời của Lễ hội Loy Krathong thì nghi thức thả hoa đăng không có mối quan hệ ràng buộc nào với tín ngưỡng tôn giáo, nó đơn thuàn chỉ là một hoạt động vui chơi. Tuy nhiên, căn cư vào chính hệ thống tín ngưỡng tinh thần mạnh mẽ của người dân Thái Lan đối với Mẹ Nước - thả Krathong là một cử chỉ thể hiện lòng tôn kính Mẹ Nước và cầu xin Mẹ tha thứ cho những việc làm không tốt trong quá khứ. Nhìn chung, chính tín ngưỡng cùng với nhu cầu vui chơi giải trí đã hoà trộn với nhau, tạo nên tin thân của lễ hội.

                                             Nguyễn Thị Thu Chi
                                   (Trung tâm NCVH Tiểu vùng sông Mêkông)