Mẹ
[ Ngày đăng: 06/11/2012 12:54:20 SA, lượt xem: 2400 ]

Người ta thường dành tình cảm biết ơn Mẹ vào mùa Vu lan báo hiếu. Với riêng tôi, sự biết ơn ấy dành cho những người mẹ Việt Nam còn sâu nặng hơn trong ngày lễ 27/7- ngày vinh danh những người con anh hùng đã xả thân vì tổ quốc.

 

 

 Hiếm có đất nước nào như đất nước tôi. Một đất nước thu hút cái nhìn của rất nhiều kẻ ngoại bang. Chính điều này đã tạo ra những cuộc chiến mà đau thương, mất mát do nó mang lại thật quá sức chịu đựng của con nguời. Ai không chạnh lòng trước hàng trăm nghĩa trang lớn nhỏ với hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ trải khắp cả nước. Đó là nỗi đau không của riêng ai, nỗi đau của những người đã khuất và cả những người ở lại. Nhưng gánh chịu tận cùng nỗi đau ấy bao giờ cũng là những người Mẹ.

 Mẹ - người đã mang nặng đẻ đau để rồi hạnh phúc ngập tràn khi nghe con khóc chào đời mà quên mất rằng mình vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau một cơn vượt cạn; người đã vui mừng biết bao khi chứng kiến con mình khoẻ mạnh và lớn lên. Rồi đến một ngày... Mẹ lại tiễn con ra trận. Để rồi! Từng ngày... từng ngày... Mẹ trông ngóng tin con nơi chiến trường xa. Cuộc chiến càng ác liệt, nét mặt của Mẹ càng hằn thêm nhiều nếp nhăn, mái đầu của Mẹ điểm thêm nhiều gam trắng. Chính cuộc chiến đã tô đậm thêm đức tính chịu thương chịu khó và đức hi sinh của mẹ. Nhưng thử hỏi những người làm cha, làm mẹ, có ai muốn con mình phải hi sinh? Vậy mà khi đứng trước nỗi đau chung của dân tộc, Mẹ phải kìm nén nỗi đau riêng. Bởi nỗi đau đó mang một phần cơ thể Mẹ. Nỗi đau làm cạn khô dòng sông nước mắt:“Nước mắt Mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi... đi mãi mãi... Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng . Nhưng vết thương lòng... Mẹ vẫn còn nặng mang”.

 Hình ảnh người Mẹ tóc nhuốm màu sương thắp hương những ngôi mộ không có tên ở các nghĩa trang đã trở thành hình ảnh cảm động và đau xót. Thử hỏi có người Mẹ nào như người Mẹ quê tôi – đi trọn cuộc đời vẫn canh cánh niềm hi vọng được một lần nhìn thấy thi thể của con mình. Để rồi... có những Mẹ phải ra đi khi hàng mi vẫn còn rướm lệ.

Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng trong lòng Mẹ, nỗi đau vẫn âm ỉ thiêu đốt tâm can. Và tận sâu trong lòng Mẹ còn là niềm tự hào - tự hào vì những gì con Mẹ đã hiến dâng cho đất nước này, dân tộc này.

Cảm ơn Mẹ! Những “vĩ nhân” đã sinh ra những anh hùng dân tộc; những người mà đức hi sinh đã trở thành lẽ sống. Nhờ có Mẹ, đất nước này, dân tộc này mãi mãi trường tồn.

Trịnh Ngọc Tường Vy