NGƯỜI CỦA MỘT THỜI - TRUYỆN NGẮN
[ Ngày đăng: 12/12/2016 10:13:54, lượt xem: 1329 ]

Những đứa trẻ sinh ra thời bình ngồi nghe chuyện chiến tranh có khác gì chuyện cổ tích, chuyện ngoài hành tinh hay đấy cũng chỉ là chuyện phim ảnh. Người có nghề kể thì văn vẻ hấp dẫn, còn những người bước ra từ cuộc chiến tranh đẫm máu phơi lòng mình thì chúng dửng dưng như không có gì. Cuộc sống suôn sẻ và không gặp nỗi đau nào có lúc làm cho cái giá của nó đánh đồng với son phấn thời hiện đại. Không ai bảo ai, đêm nay mới thật là đêm họ ngồi bên nhau để tưởng vọng một thời ký ức chạm khắc nên hình bóng không thể phai mờ. Thật lạ lùng. Một ngọn đèn được thắp lên để hồi cố trong miên man cái gió tây nam điển hình của miền nắng lửa. Người đàn ông đứng tuổi ngồi bên bốn người nữa rành rẽ:

         Những đứa trẻ sinh ra thời bình ngồi nghe chuyện chiến tranh có khác gì chuyện cổ tích, chuyện ngoài hành tinh hay đấy cũng chỉ là chuyện phim ảnh. Người có nghề kể thì văn vẻ hấp dẫn, còn những người bước ra từ cuộc chiến tranh đẫm máu phơi lòng mình thì chúng dửng dưng như không có gì. Cuộc sống suôn sẻ và không gặp nỗi đau nào có lúc làm cho cái giá của nó đánh đồng với son phấn thời hiện đại. Không ai bảo ai, đêm nay mới thật là đêm họ ngồi bên nhau để tưởng vọng một thời ký ức chạm khắc nên hình bóng không thể phai mờ. Thật lạ lùng. Một ngọn đèn được thắp lên để hồi cố trong miên man cái gió tây nam điển hình của miền nắng lửa. Người đàn ông đứng tuổi ngồi bên bốn người nữa rành rẽ:

          Nhớ hồi Canh Tuất (1970), lính bình định dồn dân gom ấp chiến lược lần hai, vùng mình đây chịu tai hoạ nhiều hơn cả. Số là nằm trong toạ độ “bình” nhiều mà “định” không nổi. Xã có con đường chạy qua trảng cát. Thời Pháp, bọn cường hào lý dịch sức đắp, đến Mỹ thì mở rộng ra thành một vạch đỏ hoét chạy từ quận cũ đến chỗ ta bây giờ. Lạ gì, đường lớn mà bước đi không thích thảng, bốt dựng đầu làng như cái gai chọc vào mắt. Trong đám lính đánh thuê ở đấy, có vài ba thằng Mỹ đánh xe cóc một ngày đôi lượt lên quận xuống đồn. Ngỡ tưởng được yên, không ngờ chúng nống ra thành chuyện lớn. Cũng vào những ngày đầu tháng năm như thế này, từ hướng quận, một đoàn xe GMC rầm rộ chở đầy lính, súng ống lịch kịch, một mạch về đỗ đầu xã. Ngày sau, trời chưa mở mắt đã nghe chúng quát tháo ầm ĩ, bắc loa gọi dân họp, đả thông “chủ trương” di dân lập ấp của chính phủ quốc gia. Không ít bà con hoang mang, sợ rời bỏ vườn tược, nơi thờ tự tổ tiên ra đi sống đời thất cơ lỡ vận, chen chúc dưới những túp lều tôn lụp xụp, bức bối. Những gia đình tỉnh táo, khôn khéo cũng không yên chỗ dung thân, chúng dùng báng súng vét đi hết trọi, chỉ có ông Thưởng là khẩn khoản, không chịu rời. Cái lý của ông: tuổi già sức yếu, một thú trồng hoa, câu cá. Không có của cải để nuôi ai, làm chi dính dáng đến đại sự! Con trai ông vờ đầu quân để vượt núi sáu bảy năm nay rồi, khai báo mất tích. Con dâu tạm cho vô ấp, luôn thể nắm tình hình, động viên hướng dẫn bà con đấu tranh chính trị; vừa là đường dây thông tin, tiếp tế các anh ở hầm, qua ông. Còn ông, thỉnh thoảng câu được con cá bự, hiến cho thằng Đãng đồn trưởng gọi là thức nhắm với dăm ba câu bốc đồng, hắn hả hê khoái chí, cho ông già chịu chơi. Đôi ba lần có gói trà ban hắn lại sai lính đem xuống cho ông, gọi là quà “tri ngộ”. Đôi bên như thế thì làm sao bức được ông lão. Gặp tụi thằng Đãng, ông đem chuyện bồn hoa chậu cảnh ra đàm luận một bề tâm đắc thú điền viên, tiêu dao thưởng nguyệt. Càng ngày, mỗi lần gặp ông, hắn say chuyện cây hơn chuyện người, ít chú ý đến sự có mặt của ông.

          Lại nữa, vùng ông ở bây giờ hiển nhiên bất an ninh, trở thành một trong những tiêu điểm pháo bắn cầm canh mỗi tối theo sự suy đoán hay ngờ vực, lo sợ của chúng. Cứ theo chu kỳ triền miên này, đến tính mạng của ông lão cũng không được đảm bảo. Anh Sơn, bí thư khuyên:

         - Hay là bác cứ vô ấp, mọi việc đã có anh em chúng tôi liệu. Bác đừng lo gì, tôi đã tính đường về lâu dài rồi.

         Ông không thuận:

         - Biết các chú thương tui, nhưng vô trong ấy các chú sống chết ra sao, không giúp đỡ được, tui sống có ích gì!

         Anh Sơn nói:

         - Cách mạng biết tấm lòng ăn ở của bác lâu ni, rứa là được rồi. Bác ưu phiền làm chi.

         Ông không chịu:

         - Tuổi già như tui chết chẳng tiếc. Mình làm được gì cho anh em, nghĩa tình trước sau như một, trọn vẹn, chết mới chịu nhắm mắt.

        Biết chẳng lay được, anh Sơn tạm bằng lòng ý ông nhưng không khỏi lo, bàn tính anh em sửa hầm hố vững chắc tránh pháo, khuyên ông khéo léo lái bọn thằng Đãng ý thức bảo vệ bờ tre mái rạ, may ra còn một chút quê kiểng trong hắn mà nương tay phá phách...

        Bấy giờ là mùa khô, trăng hạ huyền càng về cuối càng nhạt nhoà. Bầu trời như đông đặc lại. Dạo này, pháo bắn dữ. Nhiều đêm ông phải tắt đèn nghỉ sớm nhưng nghe tiếng nổ ầm ầm chát chúa xóm trên thì ông lại nhấp nhổm không yên. Quái lạ, gà gáy canh năm rồi chúng còn lo sợ nỗi gì – ông tự vấn – hay là đụng phải bên mình? Chả là bữa nay trong cái cách làm trái lệ, ông lo là phải lý lắm. Rồi cái gì đến nó sẽ đến. Sáng ngày ông suy tính mãi, lần chần chẳng chịu đi. Một ý nghĩ chợt loé lên: hay là ta xách giỏ ra bàu bắt cá, nhân đó xem sự thể ra sao.

        Vừa đến cuối làng, thằng Đãng lục lọi trong vườn chui ra, quát:

        - Ông già! Đêm qua, Việt Cộng từ trong nhà ông ra ăn pháo sắp xác đầu làng kia kìa - Vừa nói hắn vừa dang tay chỉ trỏ.

        Ông Thưởng tỉnh rụi:

        - Trung uý nói như thật ấy, phong lưu tài tử như mình họ lai vãng được gì

        Đắc chí, hắn thôi vai kịch, tự khai:

        - Hôm qua, mấy con trâu đói cỏ trong ấp bứt chuồng ra trảng, mấy vị lem nhem tưởng Việt Cộng về, choảng một trận nhuyễn cả bùn đất.

        Ông giả vờ tiếc rẻ:

        - Chà, mất chì lẫn chài bắt chẳng được chi. Trông trung uý mắt đỏ thế kia chắc là mất ngủ

        Hắn cười tít mắt:

        - Phải tỉnh chứ ông - Rồi hắn hất hàm ra lệnh mấy đứa tuỳ tùng - Về chứ chúng mày!

        Ông lão chờ chúng đi qua rồi cất tiếng rủa thầm:

        - Có mắt như mù. Đồ quân khốn nạn!

        Mấy bữa nay nghe anh em nói Sơn vô cứ có chuyện cần. Ông Thưởng đoán chắc đi họp. Thế nào rồi chúng cũng phải chấm dứt làm mưa làm gió xứ sở này. Nhìn cảnh chà đi xát lại lòng ông thấy xót. Phải đổi thay mới yên ổn được. Linh cảm ngày tình thế xoay vần, một viễn cảnh tươi rói tưởng tượng ra, ông thấy vui vui, tự nhủ: Mình phải ráng sống đến ngày độc lập. Thằng Kiều ngoài Bắc vô, con Ném trong cứ về. Cả nhà họp mặt. Ui cha, khi đó nhắm mắt cũng mãn nguyện. Nghĩ thế, cái bệnh đau lưng kinh niên mãn tính của ông ngỡ như lùi dần, sức tráng kiện thời trai trẻ bồi thêm cho ông vẻ linh lợi hơn ngày thường. Con dâu trong ấp mỗi lần ra thăm, thấy bố chồng khoẻ ra, bớt lo. Thương ông không ai túc trực chăm sóc lúc trái gió trở trời, đứa dâu thơm thảo nằng nặc xin ông theo vào cho, ông một mực phân giải mới nghe lời, chịu để ông ở lại...

       Nhưng sự đời thật đau lòng - giọng anh Thi lắng xuống - một tháng sau thì pháo bắn sập hầm, nhà cháy. Ông lão ra đi. Tên ông, chuyện về ông cũng nhạt nhoà theo thời gian. Nếu như có suy nghĩ đơn giản, vô lo anh em đàng mình chiến đấu gian khổ ngoài này, ông cứ sống một cuộc đời vô tư lự trong ấp, chắc là còn sống đến bây giờ, uống rượu làng với chúng ta hôm nay, chắc chẳng ai trách gì ông cả.

       Câu chuyện chỉ có thế, nhưng người trong cuộc từ sâu thẳm dội về những đợt sóng không cùng. Đêm lặng yên. Cơ hồ người ta rất ít có cảm giác lạc vào một thế giới khác, khi mà cuộc sống cơm áo xô đẩy con người nhắm mắt lao về phía trước, đoạn tuyệt phía sau lưng mình.

       Thi bước ra ngoài. Bầu trời xanh cao, ngàn sao lấp lánh. Một vì sao băng xẹt ngang rồi rơi vào khoảng không mênh mông...

Nhà văn Võ Văn Luyến trong một chuyến tác nghiệp

                                                                          TÁC GIẢ: VÕ VĂN LUYẾN