Cái đẹp là nhu cầu rất quan trọng. Nó là nhu cầu có tính bản chất của con người. Dù ở đâu, làm gì, khi nào, con người luôn có xu hướng vươn lên cái đẹp. Người xưa có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Lời dạy đó không phải chỉ là nói về đạo lý mà còn có ý nghĩa mỹ học sâu sắc.
Trong bản chất sâu xa của nó, nhu cầu về cái đẹp là nhu cầu về cái gì lý tưởng, sự hoàn thiện. Thoả mãn nhu cầu đó là thoả mãn khao khát của con người về sự hài hoà, về những giá trị chân, thiện cao quý nhất. Do đó, đòi hỏi về cái đẹp là nhu cầu rất cao ở con người, nó nói lên sự tiến hoá và phong phú của con người trong hoạt động thực tiễn, nó gắn liền với quá trình phát triển thể chất và tinh thần của con người.
Cái đẹp với dân tộc ta là cái đẹp không xa rời cuộc sống, một cái đẹp chân thật, bình dị, không tô vẽ. Cái đẹp ấy có mặt khắp mọi nơi. Văn học chỉ là một phương tiện phản ánh cái đẹp và quan niệm về cái đẹp của con người. Và quan niệm thẩm mỹ về cái đẹp của người phụ nữ trong các sáng tác văn học là một trong những bình diện thể hiện nhu cầu thẩm mỹ của người Việt ta. Vậy, quan niệm này được biểu hiện thế nào qua các thời kì văn học Việt Nam?
1. Trong văn học dân gian
Từ những chuẩn mực thẩm mỹ còn đơn giản buổi ban đầu được hình dung: Đẹp như tiên, xấu như ma, hiền như Bụt, dữ như quỷ, người Việt đã bước đầu phản ánh được nhu cầu thẩm mỹ của mình đó là những ước vọng giản đơn của họ trước sự sống này. Vì là những chuẩn mực thẩm mỹ buổi ban đầu nên nó chưa thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng diện mạo của cái đẹp. Theo thời gian, diện mạo cái đẹp được hình dung rõ ràng hơn.
Nói đến cái đẹp thì đã bao hàm ý nghĩa về sự hài hoà, cân đối và dường như còn có cả sự hoàn thiện trong đó nữa. Vì vậy, không có gì phải bàn cãi khi người Việt hình dung về một vẻ toàn diện, toàn mỹ từ trong ra ngoài của người thiếu nữ đẹp:
Cổ tay em trắng như ngà,
Đôi mắt em sắc như là dao cau,
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Cô Tấm trong truyện Tấm Cám cũng có thể xem là một trong những hình mẫu tiêu biểu cho quan niệm này của người. Mặc dù ngày nay chúng ta đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau về nhân vật này, nhất là ở cái kết của câu chuyện, nhưng cũng không thể vì thế mà phủ nhận tình cảm mến yêu của người Việt bao đời đã dành cho Tấm.
Công chúa Vân Dung trong Chử Đồng Tử, cô út trong Sọ Dừa, công chúa Quỳnh Nga trong Thạch Sanh… đều là những người phụ nữ đẹp trong quan niệm của dân gian xưa.
Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn cái nào cần hơn, cái nào đẹp hơn giữa hình thức và nội dung, bề ngoài và bề trong, nhan sắc và đức hạnh, thể chất và tinh thần thì người Việt đã có một sự lựa chọn đầy quyết liệt tạo nên dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, nó cho thấy chiều sâu và chiều cao trong quan niệm của dân ta:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Hay:
Cái nết đánh chết cái đẹp.
2. Trong văn học trung đại
Cùng trong dòng chảy quan niệm Việt Nam, người phụ nữ đẹp trong văn học trung đại cũng hiện diện trong một vẻ đẹp toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là một sự kết hợp hài hoà giữa sắc – tài – tâm, giữa nhan sắc và đức hạnh với “tam tòng, tứ đức”. Như vậy, ngay trong cái nền chung trong quan niệm về người phụ nữ đẹp của người Việt đã có một sự “dị biệt” qua từng thời kì văn học. Đó là vì quan niệm thẩm mỹ vốn là một phạm trù “phụ thuộc vào chủ thể thẩm mỹ” (Chủ nghĩa Mác – Lênin), cho nên, mỗi một thời đại, tuỳ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà có những quan niệm khác nhau. Thời trung đại, với sự tiếp biến văn hoá đặc biệt là văn hoá Trung Hoa, tư tưởng của Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã chi phối đến quan niệm thẩm mỹ của thời đại. Người phụ nữ có đức hạnh theo quan niệm của Nho gia (lễ giáo phong kiến) là người phải hội tụ đủ “tam tòng, tứ đức” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; và công, dung, ngôn hạnh).
Tuỳ theo cái nhìn chủ quan của tác giả mà vẻ đẹp mỗi nhân vật nữ lại được biểu hiện không giống nhau. Đó là nàng Kiều (Truyện Kiều), người được xem là người đàn bà xinh đẹp nhất trong văn học Việt Nam. Nếu đặt Kiều vào trong vòng cương toả của lễ giáo phong kiến thì Kiều không phải là người phụ nữ đức hạnh, nhưng không vì thế mà dân tộc ta phủ nhận vẻ đẹp của Kiều từ ngoại hình đến tài năng, tâm hồn, tính cách. Như vậy, Kiều đẹp còn bởi tấm lòng nhân hậu, bao dung vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà đã Nguyễn Du kế thừa.
Nguyễn Đình Chiểu thì đưa ra một quan niệm về nguời phụ nữ lý tưởng theo quan niệm của lễ giáo phong kiến: “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”(Lục Vân Tiên).
Những người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm hay Cung oán ngâm cũng là những đại diện tiêu biểu cho quan niệm về người phụ nữ đẹp trong thời đại họ.
Nhưng với Hồ Xuân Hương, người phụ nữ “nổi loạn” của thời đại, thì bà lại có cái nhìn mới về vẻ đẹp người phụ nữ đứng ở vị trí là người phát ngôn cho vẻ đẹp của giới mình. Bà tìm thấy vẻ đẹp thực sự của họ, nêu bật vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn của họ( Bánh trôi nước, Con ốc nhồi, quả mít); ca ngợi tuổi trẻ tươi mát, trắng trong các cô gái đang xoan (Đề tranh tố nữ); đi vào đến từng chi tiết của vẻ đẹp cơ thể (Thiếu nữ)…
Tuy nhiên, trong quan niệm của dân tộc ta thời kì này thì người phụ nữ đẹp thường gắn liền với số phận bất hạnh. Điểm lại gương mặt nhân vật nữ thời kì này ta thấy một điểm chung ở họ là có một cuộc đời đầy sóng gió, bẽ bàng, không mấy người có được hạnh phúc thật sự. Đặc điểm này phải chăng là do quan niệm “hồng nhan bạc mệnh” chi phối?
3. Trong văn học hiện đại
Dưới tác động của các trào lưu văn học phương Tây và ảnh hưởng của không khí thời đại đầy những biến động, văn học thời kì này để lại những “tượng đài” về người phụ nữ cho thấy quan niệm của dân tộc về mẫu hình người phụ nữ đẹp. Do tính chất phức tạp của thời đại này, có thể tìm hiểu quan niệm này qua các giai đoạn văn học như sau:
3.1 Trước Cách mạng tháng Tám 1945
Người phụ nữ đẹp trong giai đoạn này dường như được xây dựng trong quan niệm về “hồng nhan bạc mệnh” có từ thời trung đại: Tố Tâm trong (Tố Tâm), chị Dậu (Tắt đèn), dì Hảo (Dì Hảo)… Những nhân vật nữ này phản ánh tình trạng bế tắc trong tư tưởng người Việt Nam trước Cách mạng trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến.
3.2 Từ 1945 đến 1975
Cùng với không khì hào hùng của một thời lịch sử đầy “máu và hoa” của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã có một diện mạo mới bên cạnh những nét đẹp truyền thống bao đời của người phụ nữ Việt nam: nhân hậu, thuỷ chung, chịu thương chịu khó… theo như quan niệm của thời đại.
Tiếp nối truyền thống hào hùng của bà Trưng, bà Triệu, họ bước vào cuộc chiến đấu thần thánh của đất nước, làm nên những tượng đài bất tử về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lòng dân tộc, thời đại. Họ có thể có tên hoặc không tên cụ thể, có thể là nhân vật lịch sử hay chỉ là hình tượng nhưng tất cả đều mang trong mình vẻ đẹp của thời đại không thể phủ nhận. Đó là chị Sứ (Hòn Đất), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng), chị Nguyễn Thị Lý (Người con gái Việt Nam), là những cô du kích, chị dân công…, là những bà mẹ Việt Nam nhân hậu, kiên cường, yêu nước, thương con: mẹ Suốt, mẹ Tơm, những bà Bầm, bà Bủ…
Họ không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là những anh hùng trên mặt trận sản xuất: Chị Hai năm tấn, Đào (Mùa lạc)…
Và đằng sau dáng vẻ yếu đuối của người phụ nữ là một nghị lực phi thường, một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt: Đào ( Mùa lạc), Mỵ (Vợ chồng A Phủ)…
3.3 Từ 1975 đến nay
Người phụ nữ đẹp theo chuẩn mực xã hội hiện đại không chỉ đẹp về nhan sắc, đạo đức mà còn phải là người có vẻ đẹp trí tuệ, không chỉ “giỏi việc nước” mà còn “đảm việc nhà”, vừa phát huy những truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam vừa biết tiếp biến tinh thần thời đại cho phù hợp với bản sắc dân tộc. Như vậy, cùng với sự phát triển của xã hội thì cái “gu” thẩm mỹ của người Việt cũng cao hơn. Nhưng, văn học giai đoạn này không xây dựng kiểu nhân vật điển hình cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo đúng như chuẩn mực đó của xã hội. Trái lại, văn học tìm đến cái đẹp của người phụ nữ trong chính cuộc sống sinh hoạt thường nhật của họ. Thực tế này một lần nữa khẳng định quan niệm thẩm mỹ xuyên suốt của dân tộc ta: cái đẹp gắn với cuộc sống hiện thực, bình dị, không tô vẽ. Ta có thể tìm thấy hình ảnh gần gũi, dung dị mà vẫn đầy súc hút của người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong các sáng tác của Nguyến Thị Thu Huệ, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Đỗ Bích Thuý…
Có thể thấy, ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn khác nhau văn học đều đã phản ánh quan niệm thẩm mỹ Việt Nam về người phụ nữ với những thay đổi nhất định. Nhưng, quán xuyến tất cả ta nhận ra một điều: văn học Việt Nam ít có cảm hứng thẩm mỹ để sáng tạo ra những hình tượng người phụ nữ xa rời với cuộc sống hiện thực, và dù ở thời đại nào thì người phụ nữ Việt Nam chân chính cũng luôn sáng ngời vẻ đẹp truyền thống của mình trong văn hoá dân tộc.
Lê Thị Minh Huyền