Nhân lên tình yêu biển đảo trong thế hệ trẻ
[ Ngày đăng: 29/03/2017 13:39:37, lượt xem: 1381 ]

 

 

 

(QT) - Dù chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng tuổi trẻ Trường CĐSP Quảng Trị đã thể hiện tình yêu biển đảo của mình qua việc xây dựng công trình mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa ngay trong khuôn viên nhà trường. Đây thực sự là một công trình có ý nghĩa giúp học sinh, sinh viên nhà trường nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bây giờ, mỗi lần đặt chân đến Trường CĐSP Quảng Trị, nhìn từ xa đã thấy mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa hiện lên sừng sững. Trên cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như nhắc nhở thế hệ trẻ luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc.

 

Tuổi trẻ Trường CĐSP Quảng Trị tham gia triển lãm ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa

 

Đặc biệt, đây là mô hình cột mốc Trường Sa đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 với chiều cao 9m, chiều rộng chân đế 4m; gắn chữ nổi kinh độ, vĩ độ của đảo Trường Sa, cờ Tổ quốc và mặt trống đồng... Lá cờ đỏ sao vàng treo tại cột mốc này cũng được mang về từ quần đảo Trường Sa, được đóng dấu các đảo cùng chữ ký của các đảo trưởng. Là người trực tiếp khởi xướng ý tưởng xây dựng công trình mô hình cột mốc Trường Sa, anh Nguyễn Phong, Bí thư Đoàn Trường CĐSP Quảng Trị cho biết: “Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, bản thân chưa một lần được đặt chân đến đảo Trường Sa nên tôi muốn xây dựng một mô hình cột mốc ngay tại sân trường để góp phần đưa Trường Sa thân yêu đến gần hơn với mỗi đoàn viên, thanh niên.

 

Ngoài những kiến thức về biển đảo học sinh, sinh viên được tiếp nhận trên lớp hay những qua các buổi học ngoại khóa, hình ảnh cột mốc chủ quyền này chính là một cách tuyên truyền trực quan sinh động về chủ quyền của Tổ quốc, nhằm giúp mỗi đoàn viên, thanh niên có thêm lý tưởng, hoài bão, từ đó nâng cao ý thức, phấn đấu học tập tốt hơn”. Sau khi nhận được sự đồng thuận của Ban giám hiệu nhà trường, anh Phong đã tích cực đứng ra vận động đoàn viên, thanh niên trong trường tham gia đóng góp xây dựng, đồng thời nỗ lực vận động các cơ quan, đoàn thể cùng ủng hộ để công trình sớm được xây dựng hoàn thiện. Được khởi công xây dựng từ đầu tháng 12/2016, sau hơn 3 tháng thực hiện, đến đầu tháng 3/2017, công trình đã hoàn tất các hạng mục cơ bản. Sau khi xây dựng xong, công trình mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trở thành nơi sinh hoạt chính trị cho cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên nhà trường.

 

Trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, cán bộ, viên chức, giảng viên, đoàn viên và sinh viên sẽ tụ họp về đây để sinh hoạt tập thể. Sự hiện hữu của cột mốc chủ quyền sẽ nhắc nhở mỗi người ý thức hơn về chủ quyền biển đảo, ý thức về sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ đang còn làm nhiệm vụ ở biển đảo xa xôi nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trò chuyện với chúng tôi, em Hồ Thị Kềnh, xã Húc (Hướng Hóa), sinh viên của Trường CĐSP Quảng Trị cho biết: “Chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, chúng em chỉ biết tới đảo Trường Sa qua sách báo và những bài giảng của thầy cô giáo trên lớp.

 

Do vậy, việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại sân trường có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng em, qua đó nhắc nhở các thế hệ học sinh, sinh viên của trường luôn hướng về Tổ quốc, đồng thời việc xây dựng mô hình cột mốc hiện hữu ngay trong sân trường cũng đã làm cho khoảng cách giữa đảo xa và đất liền như xích lại gần nhau hơn”. Trao đổi thêm với chúng tôi về ý nghĩa của công trình mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, thầy giáo Trương Đình Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Trị nhấn mạnh: “Không phải ai trong chúng ta cũng có điều kiện được đặt chân đến đảo Trường Sa. Do đó, đứng bên cột mốc có đầy đủ những thông tin về kinh độ, vĩ độ của Trường Sa, mỗi người chúng ta như cảm nhận được rằng đang ở rất gần với Trường Sa, với biển đảo.

 

Thông qua mô hình cột mốc Trường Sa, nhà trường cũng mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu biển đảo cho các thế hệ học sinh, sinh viên, giúp các em biết được sự hy sinh to lớn trong việc giữ gìn non sông của các thế hệ cha anh. Từ đó, các em có nhận thức đúng đắn về biển đảo quê hương để mai sau góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Bên cạnh việc khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Trường CĐSP Quảng Trị cũng đã tổ chức chương trình triển lãm 30 bức ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa, thu hút trên 600 đoàn viên, thanh niên tham gia.

 

Nhiều bản đồ, tài liệu, văn bản, hiện vật... được trưng bày tại triển lãm của các học giả trong nước và quốc tế đã giúp cho người xem, nhất là đoàn viên thanh niên, được tiếp cận với những bằng chứng mang tính lịch sử và pháp lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Triển lãm cũng đã trình bày những hình ảnh sinh động về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân ta, đồng thời phản ánh sinh động cuộc sống hiện nay của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đến tham quan triển lãm, những học sinh, sinh viên Trường CĐSP đều bày tỏ sự thích thú và phấn khởi vì được tiếp cận với những bằng chứng lịch sử cũng như cuộc sống hiện thực nơi vùng biển đảo. Em Hồ Thị Ra, xã Tà Rụt (huyện Đakrông) cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một triển lãm ảnh về đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm thực sự bổ ích vì đã giúp chúng em tìm hiểu rõ hơn, tiếp cận được với nhiều tài liệu hơn về biển đảo của Tổ quốc. Đây là vốn kiến thức quý, là động lực giúp chúng em phấn đấu học tập tốt hơn nữa, có ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, do vậy, việc giáo dục, bồi đắp tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng công trình mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, tổ chức triển lãm ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo của tuổi trẻ Trường CĐSP Quảng Trị.

 

Thanh Lê - PTBT: THQ