Những cây lau bằng thép
[ Ngày đăng: 06/11/2012 1:29:51 SA, lượt xem: 2816 ]

Từ xưa đến nay, nhân loại tiến bộ vẫn ưu ái dành cho phụ nữ những mĩ từ đẹp nhất qua cách ví von như là ánh thái dương, là bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa, là những tác phẩm tuyệt vời nhất của tạo hoá… và văn chương thi phú cũng đã hao tốn biết bao giấy mực khi ngợi ca nét đẹp mềm mại, dịu hiền, bao dung nhân ái của những người phụ nữ. Bản chất của người phụ nữ bất kể thuộc dân tộc nào, thời đại nào, đều chuộng yêu hòa bình với mong muốn sản sinh và nuôi dưỡng những con người của các thế hệ nối tiếp nhau. Những người phụ nữ Việt Nam cũng vâỵ. Với bản chất bình dị, đằm thắm, chịu thương chịu khó chịu khó, họ thường rất an phận và luôn dành hết mọi sự quan tâm cho gia đình. Nhưng cũng chính tình thương yêu vô bờ bến đối với người thân, đồng bào của mình, vì quê hương đất nước, họ đã cầm vũ khí đứng lên chiến đấu kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chịu đựng sự hy sinh với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

          Mở đầu truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam là hai vị nữ anh hùng dân tộc: Trưng Trắc và Trưng Nhị với cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Vốn là những tiểu thư của Lạc tướng huyện Mê Linh chân yếu tay mềm nhưng đứng trước sự tồn vong của dân tộc, sự mất mát của người thân, họ đã quyết tâm đứng lên chống ngoại xâm, quyết tâm đó đã thể hiện trong lời thề trước giờ xuất binh:

"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này"
(Theo Thiên Nam ngữ lục)

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Hai bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.

"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"
(Theo Đại Nam quốc sử diễn ca)

Trong sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3), hai sử gia tiền bối lỗi lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã có lời ca ngợi Hai Bà Trưng như sau: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được…”(Lời của Lê Văn Hưu, trang 3a)


 
Thắng lợi của khởi nghĩa còn ghi dấu những gương phụ nữ kiệt xuất (36 nữ tướng) cùng đứng lên với Hai Bà gánh vác sự nghiệp đánh giặc cứu nước như Lê Chân được thờ ở Hải Phòng; Thiều Hoa được thờ ở Vĩnh Phú; Thánh Thiên được thờ ở Hà Bắc; Lê Thị Hoa được thờ ở Thanh Hóa...

Sau Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, một lần nữa, khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập của dân tộc với câu nói hào hùng đầy khí phách đã đi vào lịch sử: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người![ Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 1, tr. 346)]

Tài làm tướng chỉ huy chiến đấu ở trận tiền của bà khiến giặc Ngô phải khiếp sợ, chúng gọi bà là Bà Vương (Vua Bà). Là “bậc hùng tài trong nữ giới” [Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1),tr.101], sử nhà Nguyễn thế kỷ 19 còn ghi: “Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng đáng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu”[Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 3, tờ 9)].

Nối tiếp truyền thống đánh giặc cứu nước của thời kì Hai Bà Trưng, bằng những cách đánh giặc muôn hình muôn vẻ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến không ngừng tích cực tham gia vào sự nghiệp cứu nước. Đó là những phụ nữ  đem thóc gạo trong nhà làm lương ăn cho quân sĩ và mách giờ thủy triều lên xuống giúp nhà Trần lập nên chiến công sông Bạch Đằng lừng lẫy; đó còn là bà chủ quán hàng được vua Trần phong chức: Thiên Hương Ngọc Trịnh công chúa khi bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Hưng Đạo Vương tin cậy giao việc theo dõi, quan sát các đội binh thuyền của giặc và sự di chuyển hoạt động của chúng qua những binh lính vào ăn quà, uống rượu, rồi mật báo để người kịp thời đối phó.

Ngay cả trong thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỉ XV) cũng mang dấu ấn của những người phụ nữ bình dị như: Người phụ nữ họ Đào tại Mai Xá đã tham gia nghĩa quân Lam Sơn, được giữ chức Quân trung điều hộ, bà giúp đỡ nhân dân tiền gạo, thuốc men chữa bệnh. Sau khi mất, bà được nhân dân lập đền thờ, tôn là Thánh Mẫu; Cô hàng nước Lương Thị Minh Nguyệt với rượu ngon và sắc đẹp đã mê hoặc được quân tướng nhà Minh góp phần tiêu hao sinh lực địch ở thành Cổ Lộng, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân Lam Sơn trong việc hạ thành.

Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, “Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng...”[ Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam(tập 3), tr. 291.]

Thế kỷ XIX, chống lại triều đại phong kiến nhà Nguyễn “Bà Ba Cai Vàng” (tên thật là Yến Phi) chỉ huy cuộc nổi dậy của nông dân đánh chiếm thị trấn Lạng Giang (Bắc Giang), Văn Giang (Hưng Yên) và Bắc Ninh. Một bài vè còn truyền tụng mãi trong nhân dân:

“...Khen cho trí lực đàn bà
Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng
Đấu gan thi sức rõ ràng,
Vợ bé Cai Vàng đánh trận giỏi thay...”

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta và cấu kết với phong kiến thống trị nhân dân ta, các thế hệ phụ nữ Việt Nam một lần nữa đã cùng với dân tộc, phát huy truyền thống đánh giặc cứu nước.Tiêu biểu như bà Ba Cẩn - vợ ba Đề Thám. Bà vừa là vợ và là cộng sự đã sát cánh cùng chồng bàn định nhiều kế hoạch cho công cuộc kháng chiến lâu dài, gian khó. Và nhắc đến những người phụ nữ Việt Nam trung kiên trong kháng chiến chống Pháp, mỗi người dân Việt Nam hẳn sẽ không bao giờ quên đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930-1940;  Võ Thị Sáu - cô gái 14 tuổi hiên ngang trước họng súng quân thù; hay Chị Út Tịch - "Người mẹ cầm súng" với câu nói nổi tiếng: "Nó đánh mình, mình đánh nó" ;...

               
          Nguyễn Thị Minh Khai           Võ Thị Sáu                           Chị Út Tịch

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã nổi lên hình ảnh của “đội quân tóc dài” dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thị Định đã làm nên những chiến công oanh liệt trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960.


                                                         Nguyễn Thị Định

Ngoài ra còn có hàng trăm nữ anh hùng lực lượng vũ trang sản sinh ra từ trong những cuộc kháng chiến. Họ vốn là những người mẹ, người vợ, người chị, người em... những người lao động bình dị như chị Cao Thị Thả ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá), chèo thuyền xông ra biển dưới bom đạn của máy bay Mỹ, diệt cả bọn giặc lái nhảy dù lẫn máy bay của giặc nhưng trong suy nghĩ vẫn rất hồn hậu: “Phải nói công bằng rằng không có thằng giặc Mỹ thì đàn bà chúng tôi mới không phải cầm đến khẩu súng này”. Hay hình ảnh mẹ Suốt mặc đồ bà ba đen bên con đò đã quen thuộc với những chiến sĩ, dân quân trên đường vận chuyển vũ khí, lương thực qua sông Nhật Lệ trong quãng thời gian từ 1965 – 1968 và hình bóng mẹ trở thành biểu tượng của tình yêu nước, lòng quả cảm trên đất lửa Quảng Bình.


                                                               Mẹ Suốt

Kể sao hết những cống hiến lớn lao của phụ nữ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn, mảnh dẻ và vẻ ngoài giản dị dễ gợi cho người nước ngoài nghĩ đến những cây lau - thứ cây cỏ bình thường có rất nhiều ở xứ nhiệt đới: “Các chị giống như cây lau mềm mại ...” - “Nhưng cây lau đó là bằng thép!”– đó là nhận xét khá đầy đủ về người phụ nữ Việt Nam của Tổng thư ký Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế trong chuyến đi nghiên cứu phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968.

Trịnh Ngọc Tường Vy