TẢN MẠN NHÂN NGÀY SÁCH
[ Ngày đăng: 21/04/2016 09:22:12, lượt xem: 1157 ]

Điều mình luôn tự hào về gia đình mình đó là sự giàu có. Sự giàu có này không như nhiều người vẫn ước ao và có lúc trong khó khăn của thời kỳ bao cấp, sự giàu có này có khi còn bị người khác gièm pha. Vâng sự giàu có đặc biệt mà mình muốn nói đến chính là sách!

 Nói đến sách, mình không thể không nói đến ba- người đã hun đúc cho lũ trẻ con chúng mình từ nhỏ đã có niềm đam mê về sách. Câu chuyện về ba sẽ còn rất dài, hôm nay mình sẽ chỉ nói đến thú đọc sách của mấy anh em nhà mình thôi.

Hồi đó anh em mình còn rất nhỏ nhưng mê đọc sách lắm. Có hôm phát hiện ba trèo lên tra rất lâu sau mới xuống và giấu theo một cuốn sách. Thế là trí óc non nớt của anh em mình hơi bị nhạy cảm. Đợi mệ, ba me đi làm, ru em ngủ xong mình hì hục trèo lên tra và thấy rất nhiều thùng cát- tông. Lục một thùng cát-tông nằm ngoài cùng, mình sung sướng phát hiện ra những tờ tạp chí “Tuổi Ngọc” và thế là bị cuốn vô bởi những câu chuyện của “Dũng Đakao”, “Ngựa chứng trong sân trường”, gì gì nữa giờ cũng quên mất …của Duyên Anh thì phải. Rồi “Lứa tuổi thích ô mai”, “Khi xưa ta bé”,….Mình thích những minh họa vô cùng dễ thương trên mỗi bài viết đến nổi bây chừ vẫn có thể vẽ theo được, hehe. Mình đọc say sưa nhưng cũng lúc đó còn nhỏ quá nên cũng không hiểu hết chỉ thích cái độ dễ thương tinh nghịch của các anh chị học trò, hình như có yêu đương gì gì đó nữa…Rồi những thùng đựng truyện như “Gánh hàng hoa”,”Hồn bướm mơ tiên”, “Hai đứa trẻ”… của nhóm Tự lực văn đoàn. Thùng đựng sách nghiên cứu của ba, thùng sách giáo dục của ba, mình nhớ có một câu nói nổi tiếng mình rất thích của Ianosơ Consơtrắc: “Như đồng hồ mà lại không có kim, chim mà lại không có cánh, nhà giáo dục sẽ không làm tốt công việc của mình nếu như không nhận thấy những thay đổi dù là nhỏ nhất ở những đứa trẻ”. Rồi những câu cách ngôn trong “Luân lý Giáo khoa thư”,…. Rồi thùng đựng những tập nhạc lớn có, bé bằng bàn tay cũng có, như tờ giấy gấp đôi minh họa thiệt đẹp của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Hoàng Thi Thơ, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy,…nhiều nhiều không nhớ hết được.

Ở trên tra nóng và ngột bởi toàn mùi sách cũ và ẩm mốc, thiếu ánh sáng nhưng không hiểu sao những lúc ấy mình sung sướng kỳ lạ đọc ngốn ngấu đến nổi có khi em ngủ dậy khóc và lật rớt ra khỏi nôi, nghe thét đựng mới giật mình trèo xuống. Hôm đó về bị me cho một trận quắn đít. Thế mà lần sau vẫn không chừa trèo lên đọc tiếp. Có hôm đụng anh cũng ở trên ấy, anh cốc cho một cái đau điếng vào đầu đuổi xuống. Không ai chịu ai, thế là cùng thỏa thuận. Cho đến khi chuyện đọc trộm sách vỡ lỡ, ba phát hiện ra và cấm đọc, ba nói còn nhỏ chưa được đọc những loại sách báo đó. Rồi ba mua cho mấy quyển truyện tranh, chủ yếu là chuyện cổ tích, có Ngọc Hoàng sai Thiên lôi đi đánh người, người mưu kế trãi rau mồng tơi quết nhỏ lên nóc nhà khiến Thiên lôi ngã uỵch không đánh được…. Sau này có quyển truyện tranh màu cực kỳ đẹp: “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino” sướng mê, đọc đi đọc lại hàng chục lần không chán đến bay chừ vẫn nhớ. Rồi “Sao khuê lấp lánh”, những sách viết về các nhà bác học, danh nhân vĩ đại như Galile, Evarit GaLoa, Miken Lăng giê lô, Ê đi xơn, … sách ba mua cho anh em mình nhiều lắm không nhớ hết được….

Rồi những năm đầu của thập niên 80, nghèo đói, vất vả, cả nhà chỉ trông chờ vào 13 kg gạo độn và một ít tem phiếu của me cùng ít tiền lương của ba và mấy sào ruộng của mệ cho cả nhà gần 10 miệng ăn, sách bị me giấu đem đổi bột sắn làm bánh tu huýt. Lúc đó chưa biết, chỉ thấy sách ngày càng ít dần. Có hôm cả mấy anh em gào lên khóc vì bị mất sách nhưng me vẫn lặng thinh, chỉ khóc. Sau này phát hiện sách bị làm giấy gói hàng mới hay. Chao ôi, lúc đó giận và trách me lắm lắm, có nghĩ được như bây giờ đâu. Tiếc là bây giờ có điều kiện để mua nhiều sách thì lại không có nhiều thời gian, mắt lại kém rồi, hu hu!!!

                                                                                                Nguyễn Thị Trầm Ca