Thấy gì qua ngày thơ Việt Nam ở trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị?
[ Ngày đăng: 02/03/2006 9:08:09 SA, lượt xem: 3808 ]

Tối ngày 12 tháng 02 năm 2006, nhằm ngày Tết Nguyên tiêu (rằm thang Giêng năm Bính Tuất), tại Nhà Đa chức năng, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đồng phối hợp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ tư.

Lễ hội diễn ra trang trọng, mang không khí lễ thiêng vừa mang tính chất ngày hội phục hiện một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống từ tự phát nâng lên tự giác được dựng trên nền hiện thực mới, qui mô và hiện đại.

So với các lần trước, Ngày Thơ Việt Nam lần này đổi mới về nội dung và hình thức. Kịch bản đảm bảo phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các bài "đinh" của chương trình, đó là các bài thơ "Nam quốc sơn hà" (Lý Thường Kiệt), Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh) và hai trích đoạn trong trường ca "Ngày vĩ đại" (Chế Lan Viên), "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm) được các nghệ sĩ ngâm, đọc diễn cảm quyện hòa trong màu tranh, sắc hoa,khói trầm ngát hương tạo nên không gian thơ ấm áp, thi vị. Đặc biệt, phần hội được trả lại đúng nghĩa "ngày vui không của riêng ai". BTC đã nối nhịp cầu giao cảm bằng các hình thức thi câu đối, thi phổ nhạc thơ, đố thơ... đẩy đêm thơ chuyển nhịp lên cung bậc náo nức, vui tươi trong ngày tết cổ truyền.

Có thể nói, thơ vốn "kén" người thưởng thức, bởi nó là món "đặc sản" không dễ tiêu hóa. Công chúng đến với thơ, dù muốn hay không phải sẵn "kênh" giao tiếp phù hợp đặc trưng của thể loại mới có chìa khóa để mã hóa. Cho nên, các fan thơ không tính đến số lượng mà cần đến sự tinh lọc. Điều đáng mừng là sức hút của thơ ở sự vẫy gọi bằng siêu cảm. Dễ hiểu vì sao người yêu thơ lặn lội từ Thành cổ Quảng Trị, từ Vĩnh Linh đất thép đến với ngày hội có một không hai này. Thành công chính ở sự khích lệ cảm động đang để chúng ta vui mừng đón nhận và tin yêu cuộc sống hoa hồng đang nở rộ.

Võ Văn Luyến