Thơ gieo trên cánh đồng hạn hán
[ Ngày đăng: 24/12/2015 10:42:44, lượt xem: 1467 ]

 

 

 

       
Trong tập thơ " Sự trinh bạch của ngọn nến" tôi thích nhất 2 câu này:

 

Tôi gieo chữ trên cánh đồng hạn hán

Con chữ cong khô thành dấu hỏi quay về.

 

          Hai câu thơ mang phận người, cảnh quê và những đau đáu thường nhật của một tâm hồn nhạy cảm.

 

          Tôi đã từng gắn bó với Quảng Trị quê Luyến, cái vùng quê nói mấy cũng "chưa bưa" về sự khắc bạc của thiên nhiên, hủy hoại của chiến tranh, đói nghèo của con người. Thì đây, hồi ức của Luyến còn in đậm:

 

Tuổi thơ tôi 

quấn rơm rạ ruộng đồng

nắng nôi đất ải

chạy giặc càn bàn chân toác móng...

 

Đấy là vùng quê mà cát  gió là nỗi ám ảnh của con người, cát  gió là một phần cuộc sống rất cam go của ai từng sống ở đây:

 

Sống trên cát, cái nhìn thành ảo giác 

gió ngựa lồng dáng bổ về phía trước

                             mỗi bước chân chưa cộng đã trừ đi.

 

Những câu thơ vừa trực cảm vừa nhiều suy ngẫm, tôi nghĩ thế, đủ cho ta một hình dung sắc nét về cuộc sống vùng cát Quảng Trị. Ai đã từng sống trên cát, sống với cát càng thấy diễn đạt của Luyến thật tài tình, nhất là ý tưởng gửi gắm trong câu mỗi bước chân chưa cộng đã trừ đi. Có phải vì tôi là người vùng cát, đã từng viết Cát đi mãi chẳng thành đường / tôi đi theo lối mẹ thường hát ru nên không thể không trầm trồ khâm phục và đồng cảm khi đọc những vần thơ như vậy của Luyến. Cuộc sống thật bấp bênh chìm nổi nghiệt ngã làm sao; dấu chân người vừa mới hiện ra đã bị gió xóa đi rồi và từ hình tượng cụ thể nhỏ bé đó ta cảm nhận được cái lớn hơn là những được - mất của từng kiếp sống ở chốn này. Thường thì cái mất nhiều hơn nên đồng nghĩa với cuộc sống nơi này là sự tần tảo chắt chiu để tồn tại và vươn lên. Đầy thương cảm khi nghe Luyến tâm sự:

 

Tôi đốt từng khuya lửa tự tình nhỏ bé 

Nhìn cha lui cui thu vén ngày sau 

Mẹ ru vỗ cho tròn giấc con trẻ

Như dây trầu vấn vít thân cau.

 

          Chưa hết, cái vùng đất khô hạn trong mùa nắng cũng là miền ngập nước giữa mùa mưa bão. Người dân Quảng Trị chịu đựng từ nỗi khổ này sang nỗi khổ khác, triền miên. Võ Văn Luyến xót xa:

 

                             Mênh mông nước ngập gầm trời

                             Ngọn đèn đỏ mắt cùng người con xa.

 

          Lại còn có một quê hương khắc tạc nhiều dấu vết chiến tranh, những di tích máu lửa nổi tiếng. Điều ai cũng biết là khi nói đến Quảng Trị người ta phải nhắc tới Thành Cổ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín. Là người thuộc thế hệ sau, Luyến gửi gắm tri ân vào những câu thơ đầy xúc cảm và giàu liên tưởng:

 

          Đêm cất vó câu thề ngực áo, cất nụ hôn ngọn lửa cời trăng, cất chiếc khăn đính vào kỷ niệm, cất mùi hương tóc xỏa trăm năm.

 

          Đêm muối bể thương dáng còng lưng mẹ, vết sần chai tay cha, dấu tím bầm gánh gồng vai chị và thương em vụt tắt sao băng.

 

          Ôi những miền đêm lặng yên dưới cỏ, những miền đêm ủ mầm hạt lúa, những miền đêm ánh thép xanh ngời.

 

          Và những miền đêm chúng tôi mở cửa đón niềm vui,

          Các anh đã hóa trời xanh mây trắng, hóa cuộc đời thêu hoa dệt gấm, hóa tình yêu sớm tối đi về...

 

          Lòng biết ơn với người ngã xuống có lúc được thổ lộ rất giản dị chân thật:  

                             30, 40, 50 năm

                             Gặp lại các anh ở nghĩa trang

                             Thơm thảo nén nhang nghĩa tình tươi rói

                             Chút mưa nắng lòng cúi xin tạ tội

                             Hương hoa bay nỗi nhớ vẫn đương rằm...

*

          Ngoài chủ đề quê hương được tô đậm, trong "Sự trinh bạch của ngọn nến" tôi thấy Luyến hay nói tới sự cô đơn. Cái cô đơn cũng như cái buồn vẫn thường xuất hiện trong thơ, không có gì mới cả. Nó như một đặc trưng tâm trạng của người làm thơ vốn đa mang, đa cảm. Nhưng sự cô đơn ở Luyến dường như rất lớn. Luyến ví von:

 

                             Tôi gánh ngọn núi cô đơn như lạc đà băng qua sa mạc.

 

          Ta chú ý tới phép so sánh trong câu thơ: chủ thể Tôi được so sánh với lạc đà; nỗi cô đơn được ví như ngọn núi và chính anh phải gánh lấy nó suốt cuộc đời như một định mệnh. Thân phận lạc đà băng qua sa mạc, có gì hơi quá đáng, nặng nề so với những gì Luyến đã có đang có nhưng ở đây có thể anh không chỉ nói riêng cho mình mà nói tới kiếp người chăng? Hay đấy là câu thơ được sinh ta trong một cảnh huống bi quan "Một năm áp thấp run chân / Tay luống cuống chữ xa dần câu thơ". Thơ là đời, thơ là người mà. Cuộc đời, số phận đôi khi bị vận vào thơ một cách tự nhiên siêu hình như vậy.

 

          Với Luyến anh không muốn giấu sự cô đơn. Trong tập thơ của Luyến có không ít câu thơ nói về nó.

Khi là:

                             Con bướm trắng cuối vườn bay cô độc

                             Như là tôi lạc phía ca dao

          Khi thì:

                             Gió nào đâu có biết

                             Tôi đi về một tôi

 

          Cô đơn trong từng bước chân "ta đánh bóng đôi giày ẩm mốc / bước những bước thận trọng / ra khỏi nhà mình". Cô đơn trước mênh mông trời đất " Ngước xanh cao hư ảnh một màu trời / Gió nhện giăng quấn vào tôi tơ rối / Một vì sao sa lạc giữa chơi vơi". Cô đơn khi bệnh tật: "Ở gần lại hóa xa quê / Trong tôi ngày tháng đi về một thân / Tôi thương tôi, sao bần thần / Nhặt từng viên cuội xây thành tình yêu!"...

 

          Thấm thía nỗi cô đơn đã cho Luyến một thái độ sống nhân bản. Nhân bản của anh cũng là nhân bản của thơ. Anh từng thông cảm với những nỗi đau:

                             Anh từng bật khóc

                             và từng nhìn người đời

                                                         khóc nhiều về nỗi bất hạnh

                             nhưng vẫn yêu hơn những giọt lệ nến

                             bởi chúng không như sương khói chóng tàn

                             chúng biết đóng dấu nỗi đau lên mặt đất

 

          Đó là tự phán xét, là khát khao hướng tới sự trinh bạch của tâm hồn. Ngọn nến là hình tượng mang tính ẩn dụ của anh về con người, về thi ca. Cháy hết mình, không mặc cả thiệt hơn, yêu thương đau đớn thực lòng không hề che dấu, không biết hóa trang để khi lụi tàn vẫn còn những cái gì đấy, dù nhỏ bé thôi "đóng dấu" lên mặt đất này.

 

            Cái nhìn của anh với cuộc sống cũng thật bao dung ấm áp. Anh quan sát và nhận xét: "Mọi thứ trên đời có thể làm ra / và mọi thứ có thể thành rác...". Ví như: lời nói có thể thành rác khi không còn ai nghe, son phấn có thể thành rác khi bị người ta ném ra đường...Nhưng không phải mọi thứ rác đều vô dụng. Luyến diễn đạt điều ấy giản dị làm sao:

 

                             hạnh phúc thay

                             một ngày tôi thấy

                             rác xây thành tổ ấm trên cây.

 

          Một đặc trưng cơ bản của thơ là dùng cái cụ thể, cái nhỏ bé để nói lên cái trừu tượng, cái rộng lớn. Trong trường hợp này Võ Văn Luyến đã làm được thế. Điều minh triết đôi khi lại nằm trong cách diễn đạt bình dị nhất. Từ mùa chim xây tổ anh nhìn ra bài học cuộc sống, lòng bao dung chẳng bao giờ thừa cả.

 

          Thơ Luyến đôi khi là một câu chuyện nhỏ: " Dọc đường tôi qua / gặp những bông hoa cánh rủ / bàn tay nâng niu nhặt lên / sắc hương vẫn còn quyến rũ / Bạn tôi trách: Có mà thần kinh đi yêu tàn phai! / Dọc đuờng về / trưa nồng cỏ bạch / chợt hiện / một tàn phai bóng quen". Tứ thơ rõ nhưng không lộ.

 

          Trong "Sự trinh bạch của ngọn nến", Võ Văn Luyến viết nhiều thể thơ nhưng tôi thấy thế mạnh của anh là thơ tự do. Thơ lục bát của Luyến thiếu độ nhuyển và thường cũ. Những bài thơ tự do có tứ vững là những bài đọc được của Luyến. Anh có duyên với những bài thơ ngắn.

 

          Võ Văn Luyến làm thơ đã lâu nhưng đây mới là tập thứ hai của anh sau tập "Trầm hương của gió". Tập "Sự trinh bạch của ngọn nến" đã được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2007. Nó ghi dấu sự trưởng thành của một cây bút thơ Quảng Trị. Luyến làm thơ như người gieo chữ trên cánh đồng hạn hán quê anh.

                                                               

                                                                  Nhà số 4, tháng 9 năm 2008

                                                                       NGUYỄN HỮU  QUÝ

·         Mấy cảm nhận khi đọc Sự trinh bạch của ngọn nến, Thơ Võ Văn Luyến, 
                                   NXB Hội Nhà văn, 2007