Thơ gieo trên đất trồng người
[ Ngày đăng: 24/12/2015 10:57:31, lượt xem: 1243 ]

Nhà thơ: Võ Văn Luyến

          Ai đó đã nói rằng, trong mỗi người mang một trái tim thi sĩ. Một khi trái tim cất tiếng nói “khác thường” thì thơ xuất hiện. Thơ không là tháp cổ để chiêm ngắm mà có khi nó như tay cỏ chìa vẫy cơn mưa đầu mùa xanh lên khát vọng. Đọc 92 bài thơ của 88 tác giả là thầy cô giáo và học sinh của ngành Giáo dục Hải Lăng, tôi hoá mát lành trong cơn mưa thơ thấm đẫm tình yêu xứ sở, yêu phấn trắng bảng đen, yêu ánh mắt hồn nhiên thơ ngây trong sáng, yêu nỗi thao thức mòn đêm đèn sách và yêu cả nỗi buồn vui sẻ chia ở cõi nhân gian lạ lẫm mỗi ngày hằng sống. Quả thực, thơ nẩy mầm trên mảnh đất trồng người không lạ, mà lạ ở chỗ người cầm ngọn nến soi dẫn từng bước chân non biết đánh thức cái melody sâu thẳm tâm hồn thi ca vốn dễ bị lực hút theo lối rẽ tiếp nhận hơn là sáng tạo. Đó là điều đáng mừng và đáng để người đọc trân trọng về một nỗ lực của những người hành “ nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng).

            Lần giở những trang tình nhà giáo, ta bắt gặp không ít những bài thơ, câu thơ neo lòng người đọc. Sự neo giữ không phải bằng đánh vật mệt nhoài với từng con chữ theo cách của Lê Đạt từng làm mà hồn nhiên như trời trong mây trắng. Đó là tiếng nói thuần khiết của tình cảm cảm xúc. Thêm nữa, cả tập thơ dường như không dành giãi bày những tâm tình thế sự, trắc ẩn. Có thể giải thích điều này bằng môi trường giáo dục, nhà giáo bao giờ và ở đâu cũng ý thức thường trực bổn phận cao cả, thiêng liêng về sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, lẽ huyền diệu không cầm bước chân giới hạn, tình yêu nghề nghiệp nhiều lúc lặn sâu trong tình yêu cuộc sống mà ở đó luôn hiện hữu khát vọng hoá thân:

Ước gì anh hoá nắng vàng

Phơi khô lối cũ cho nàng bước đi

                (Mưa chiều - Trần Đới)

            Cũng có khi như con sóng trào lên nỗi niềm, thương bên lở nhớ bên bồi nhưng niềm tin tận cùng duyên phận không tắt:

Chênh chao bờ muộn vô biên

Hanh hao chút nắng làm duyên cuối ngày

                  (Nỗi niềm - Nguyễn Thị Lai)

            Dẫu sự mơ mộng đến “cuối ngày” vẫn đồng hành với tình yêu, chỉ tình yêu mới có sức mạnh chiến thắng thời gian, tuổi tác và cái chảy trôi được quay về thuwor nguyên đán chớm nở:

Tôi phải lòng một ánh trăng

Để cho muôn ánh sao băng hiện về

Tôi phải lòng một luỹ tre

Thả thuyền lá xuống đêm hè mộng mơ

              (Phải lòng - Văn Ngọc Lợi)

            Có lẽ vì thế nên:

Bắt đầu biết đến lặng thinh

Bắt đầu thấy trái tim mình đổi thay

Bắt đầu người lớn nào hay

Bắt đầu tạm biệt những ngày trẻ thơ

               (Bắt đầu - Đặng Thị Vân)

            Trên lộ trình tâm linh, đường dây siêu dẫn ấy nối “thung lũng đâu thương ra cánh đồng vui” (Chế Lan Viên) vẫn khôn nguôi giục bước chân mải miết:

Có một nơi xa nào!

Chim rừng động cánh

Em vẫn đi dọc Trường Sơn

Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa

              (Có một nơi xa nào - Võ Văn Hoa)

            Dễ thấy, con đường tơ lụa của thơ dẫn về muôn nẻo của cuộc sống chân - thiện - mỹ. Thơ của các nhà giáo Hải Lăng cũng vậy, không đóng khung trong giới hạn nào. Tuy nhiên, dường như nội dung tập thơ tập trung vào ca ngợi “ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, mái trường, tình nghĩa thầy trò...”(Cùng bạn đọc).

            Nhà giáo lão thành Phan Văn Vinh thanh xuân trở lại nhờ niềm tin nhuận sắc tuổi mình:

Hải Lăng bây giờ nắng ấm sang xuân

Con đi tới chân trời tươi sáng

Bốn mươi năm tuổi Đảng

Nguồn cội quê hương sâu nặng đến vô cùng

               (Đảng là niềm tin - Phan Văn Vinh)

            Hợp lẽ thường tình, cái tâm “chở đạo” của nhà giáo không nhằm đến sự thăng hoa cao xa mà gần gụi như bài học dành di dưỡng tâm hồn các em:

Lúa gạo nuôi ta một đời no ấm

Ca dao nuôi ta bằng tiếng hát thương nhau

              (Cảm nhận từ một bài học - Lê Đức Diệu)

            Từ trang sách ra cuộc đời rộng lớn, hơn bất cứ lúc nào, chính “người mẹ hiền thứ hai” yêu thương và chia sẻ những dại ngộ:

Cỏ Ría rục mình hoà vào xác pháo

Ánh mắt cô nhìn đậm nét yêu thương

               (Viết nốt nhan đề - Trần Thị Thu Hà)

            Vượt qua thao thức trăn trở đời thường, lắm lúc sự vắt kiệt tâm lực cho sự nghiệp trồng người của nhà giáo được đền bồi bằng khoảnh khắc của thơ:

Cơn mưa nào bất chợt

Lóng cóng cả cành khô

Se sắt chiều nghiêng nước

Ướt đẫm cả hồn thơ

               ( Ngẫu hứng - Châu Lệ Chi)

            “Hồn thơ” nhà giáo đang chín tới, và hy vọng lại bắt đầu nẩy mầm từ những hồn thơ áo trắng khăn quàng:

Cho con xin một vần thơ lạ

Tặng mẹ ngày mồng tám tháng ba

              (Cho con xin - Phan Ngọc Giang*)

            Hay như chút thảo thơm sáng trong đáng nhớ:

Ngày về con nguyện dâng lên

Chút thơm thảo vẫn vẹn nguyên ơn thầy

              (Ơn thầy - Nguyễn Thị Phương Thuý*)

            Công bằng mà nói, thơ gieo trên đất trồng người ở Hải Lăng đã thành phong trào trong đội ngũ nhà giáo và học sinh hơn mười năm nay. Nhưng đến “Phấn trắng”, tập thơ đầu, mới chứng tỏ sự mạnh dạn và cố gắng lớn cho một tình yêu. Nói như nhà giáo Trần Đới - Trưởng phòng Giáo dục Hải Lăng, “Phấn trắng” còn là điểm giao thoa tâm hồn giữa người dạy và người học. Họ có cùng mẫu số chung trong hành trình đến lớp, đến trường để hôm nay họp mặt trong một tập thơ khiêm tốn của ngành”(Cùng bạn đọc). Chúng ta chúc cho hành trình đó luôn được cất cánh cùng thơ.

 

 

 

 

         1. Tập thơ Phấn trắng, Phòng Giáo dục Hải Lăng ấn hành

        (*)Tên của các tác giả nhí.