Thơ: Gió cuối mặt sông
[ Ngày đăng: 12/04/2013 2:21:32 SA, lượt xem: 2045 ]

Đồng hiện “Gió cuối mặt sông

 

Thơ cũng như tình yêu đem đến phép màu hoá hiện những ngọt bùi trải nghiệm cuộc sống. Có lúc tinh khôi như buổi sớm mai thức đón bình minh, cũng có khi vô tình như ngọn heo may mang hình bóng dịu dàng đi về cuối mặt sông và trở lại gieo vào ta một ngọn gió khác, như niềm đau tấy lên những buồn vui kiếp người. Cuốn vào ngọn gió mải mê đi tìm ấy, tôi bắt gặp nhà thơ Võ Văn Hoa trên chặng đường của “gió cuối mặt sông” tràn lên yêu thương và khát vọng, dù ở đấy không thiếu sự chia sẻ hao khuyết nhằm vào những số phận. 

Gió cuối mặt sông 

Sẽ sàng đồng vọng 

Lời của gió đôi khi vô tình 

Có thể làm ta quên dặm dài cố lý 
(Gió cuối mặt sông)
 

Chạm vào tất cả, ngọn gió mong manh là thế, dữ dội nhường kia nhưng luôn giúp ta nhận ra vô vàn những trạng thái nhân thế. Có khi phải để lòng mình lắng nghe “siêu âm” từ cái vỗ cánh của bướm vang bay:
 
Thơ thẩn một chiều dạo phố
Tìm hoài loài hoa móng tay
Hoa vút như màu hồng sáo
Theo về cánh bướm vàng bay
(Hoa móng tay)
 

hay khi: 

Cánh chuồn bay trong thơ
Cũng ngân vang tiếng sóng
(Thơ tình) 

Từ “Nghịch ly ở Cửa Đại”, ngọn gió xuân tình tụ thành mắt bão: 

Con gái Việt chăm sóc làn da
Con gái Tây nằm phơi dưới nắng
Ở hàn đới nên da em trắng
Để cho anh nhiệt đới chết thèm
(Nghịch lý ở Cửa Đại)
 

Miền xúc động lơn nhất có lẽ là “cơn bão nhớ” quê nhà: 

Vắng âm thanh những chú ếch đồng
Những giun dế, côn trùng muôn thuở
Đêm thị trấn mùa mưa đầu khó ngủ
Sao nhớ hoài da diết một vùng quê!

Nhớ cuống rạ, dấu chân người lặn lội
Mùi cốm thơm trên nẻo đường làng
Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối
Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn

(Bão) 

Đấy là cơn bão chất chứa nỗi niềm lắng đọng, sau thanh tẩy nhọc nhằn bụi đất dặm trường. Cả những lúc ta bắt gặp người thơ như con ong say mê tìm mật rù rì bay trong heo hút mây ngàn gió núi cho yêu thương đậu xuống vai người: 

Krông Klang mai tôi giã bạn xa người
Em hãy hát lên - dàn đồng ca gió núi
Cho che rượu cần nghiêng
Cho mềm môi lữ khách

(Lên Krông Klang)
 
Và một khi yêu thương bọc kén, nhà thơ say trong nhiệt tình nhiệt tâm nhiệt huyết và vì thế, dễ hiểu vì sao hồn thơ gụi gần thân thuộc đời sống làng quê được chấm phá bằng mấy nét mà khảm vào trí nhớ người đọc: 

Người dân làng Rào
Khách khí mần chi cho mệt
Sống tung tẩy cho đời vui
Như giăng lưới bắt chim trời
(Làng Rào)
 

Trong cái chảy trôi của dòng đời, có mấy ai để lòng ba động với những gì bắt gặp? Nhưng thi sĩ thì “trời bắt” vướng bận với cả kiếp lãng đãng huyền phiêu của tơ trời. Với tác giả “Gió cuối mặt sông”, cuộc sống hiện hữu quanh mình luôn được bồi đắp từ suối nguồn nhân văn oà vỡ cảm xúc. Vì thế, thơ Võ Văn Hoa tươi sáng mà gan ruột, lửa tâm mà mát dịu. Bản thân nó là âm bản của con người anh. Đó là sự giàu có của tâm hồn đa mang, chia sẻ buồn vui, hạnh phúc trần thế. Cho nên, vành vạnh một chiếc nón đội sương nắng, luỵ tình giấu trong vòng sóng cuộc đời lại được neo bằng một tứ thơ “giản dị, xúc động và ám ảnh” (chữ của Trần Đăng Khoa) trong “Làng nón”: 

Mười sáu vành trăng em mười sáu
Tiếng cười làng nón khuyết vào đâu
Thăm làng mấy bữa muôn đời nhớ
Ai để bài thơ nắng lợp đầu
(Làng Nón) 

Dưới mái tình của “Gió cuối mặt sông”, ta gặp cơ man là tình tự trên những nẻo đi về trong thơ tác giả. Từ phiên chợ chiều gióng lên một chút râm ran rồi trở về trong cái mênh mang làng quê dội vào lòng anh nỗi dây dưa khó dứt: 

Đất nước có nhiều phiên chợ lạ
Có người đến thấy lòng mình thanh thản
Có người đến thấy phận mình xót đắng
(Chợ Hôm) 

Một đồng nghiệp gắn bó bên anh “những tháng năm dài gian khổ chia nhau”, trong “tình bè bạn men nồng thức trắng” đột ngột ra đi giữa lúc khát vọng tuổi trẻ chất ngất đã gây thổn thức đồng cảm bằng những câu thơ thấm đẫm: 

Trên đường làng, mình gặp những chim ri
Mắt ngấn lệ nhớ thầy chừng muốn khóc!
Bạn nằm xuống giữa những ngày dạy học
Từng trang đời mới mở - đã chia ly
(Cho người nằm xuống) 

Khởi nghiệp là nhà giáo và sau đó làm quản lý, anh thấu nỗi nhọc nhằn “khổ học” của tuổi thơ lấm láp bùn đất đến trường và thiên chức ươm mầm, chăm nụ không quản khó khăn của người mẹ tâm hồn: 

Về Càng mới thấy càng khổ học
Lội bùn cô giáo đến trường xa
Yêu thương con trẻ đâu còn nhọc
Những mâm, chồi, nụ biến thành hoa
(Về Càng)
 

Điều đáng nói là nhà thơ lần nữa giúp ta soi thấy “qua lòng em nghe hạt nẩy mầm” - từ thiên lương ngời sáng điều giản dị: 

Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn
Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm
(Bông hoa đỏ)
 

Cuộc sống “tự nhiên nhi nhiên” qua con mắt thơ luôn được hồi quy trong vẻ đẹp hướng thiện, hướng thượng, hướng mỹ nhưng lại biến hoá màu sắc, trạng thái và tính chất nhờ linh hoạt chuyển dịch điểm nhìn và kiến tạo sự giao thoa nội cảm với ngoại giới. Do đó, sở đắc được phát huy trên nền hiện thực phong phú, đa chiều. Điều này lý giải vì sao “Gió cuối mặt sông” tập trung, xuyên suốt trong một số đề tài nhưng không hề làm giảm sức lay động đối với người đọc. 

Thế giới nghệ thuật thơ Võ Văn Hoa đồng hành, đồng hiện, đồng cảm cuộc sống hồ như không thể tách rời. Nhà thơ không thiếu sự thăng hoa để tạo cho thơ vỗ cánh nhưng đó là sự bay bổng của cánh diều no gió yêu tin bởi biết mình cất lên từ mặt đất. Cho nên, dù viết gì, về ai, từ đâu, tác giả luôn để cho sự tươi rói của cuộc sống tự nói lên. Ngay cả nỗ lực đổi mới thể hiện trong một số bài thơ như: Í a xuân, Quà tặng, Tình ca Ô Lâu, Email xuân... đem lại hiệu quả đổi mới nghệ thuật khá rõ cũng được lựa chọn như chính thơ và đời sống không ngừng đi tới cùng trái tim của ngọn gió đập nhịp thanh xuân. 

Thơ đi ngang, còn em thì đi dọc
Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi
 

Không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta tin ở tác giả, ở thiên sứ tình yêu làm nẩy những hạt thơ theo gió bay về miền nhân gian làm chứng. 

        Nguyễn Phúc Bảo Châu