Tri ân
[ Ngày đăng: 06/11/2012 1:05:03 SA, lượt xem: 2034 ]

Một mùa tri ân lại về. Vào những ngày tháng 7 này, cả nước hướng về Quảng Trị - một điểm cầu tâm linh, nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Hòa vào không khí đó, ngày 23/7, gần 200 sinh viên đại diện cho thanh niên Trường CĐSP Quảng Trị đã tiến về Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, nơi có khu mộ trường nhận chăm sóc để cùng làm lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ.

 

Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng liệt sỹ đã từng chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.


 Và hôm nay, Nghĩa trang Đường 9 ngạt ngào khói hương. Hơn một vạn ngọn nến được thắp sáng trên mộ phần các liệt sĩ như chính các anh đã cháy lên rạng ngời tương lai đất nước. Những ngọn nến đêm nay rồi sẽ tắt nhưng ngọn lửa tri ân trong lòng mọi người sẽ còn mãi.


 Để truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay, Đoàn trường CĐSP Quảng Trị đã mời đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đến nói chuyện về một thời hào hùng mà ông và đồng đội của mình đã trải trong những năm tháng chiến tranh. Ở tuổi quá lục tuần nhưng “Hùm xám Đường 9” vẫn còn vẹn nguyên chất lính, ông đang tiếp tục cùng bạn bè dọc ngang Đường 9 để tìm kiếm mộ phần những đồng đội một thời vào sinh ra tử.


Là những người may mắn được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, chúng tôi và những thế hệ tiếp sau nguyện làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những thành quả lớn lao mà các anh đã tạo nên. Đó cũng là hành động thiết thực để tri ân đời đời các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian klhổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”.

Trịnh Ngọc Tường Vy