Truyện ký: Cỏ khóc
[ Ngày đăng: 24/10/2013 12:14:57 CH, lượt xem: 1603 ]

 

 

 

        Lối vào căn nhà sau tán cây vú sữa im lìm tự nhiên tưng bừng trong nắng sớm. Con đường những cỏ là cỏ, cỏ như giăng mắc, như trêu chọc người ta làm mấy lần chiếc giày muốn bỏ lại đằng sau. Cỏ ở đây cũng thật lạ, thuần mỗi cây trinh nữ. Bàn chân vừa chạm đất đã thấy nó rùng mình khép lá. Hình ảnh đó búng anh sang trạng thái của người đi trên mê lộ của một ngày khác, dễ đến năm năm có lẻ.

 

            1. Mưa dội xuống những cơn cảm lạnh. Đầu óc như nhão ra, đựng đầy nước. Dù sao vẫn thấy thoải mái hơn mọi lúc (chung quanh là những tấm lòng rộng mở). Sự biệt đãi làm niềm tin con người nhiều hơn, ít ra Nhân cũng bắt gặp được may mắn đó tại nơi này. Ngày mai khi xa rời, dấu cát Bình Giang còn lại là yêu thương thầm kín, buồn vui bãng lãng, tâm tưởng vụn rời, nụ hồng khuất lấp. Đi qua gian nan để trở về với nỗi đau vụng dại, thong dong trong trường đời với eo sèo chồng chất khuôn mặt tháng năm. Đã bao mùa thu qua. Từ căn gác hào phóng ngọn gió phía con sông Trường Giang nhìn ra khu chợ Bà tấp nập phiên buổi sáng, mơ ước thầm thỉ một món quà bình thường bỗng dưng quá lớn. Tâm niệm, suy niệm rồi ra bản thể cạn kiệt, hành động như vô thức. Nỗi đau dựng dậy thật thà. Nhân tự hỏi lòng mình: Ta sống với thế giới này mãi sao?!

Ngoài kia trời vẫn sướt mướt. Tin có bão. Chợt thấy lo cha mẹ ở quê nhà. Nét già lên kín những dấu chân chim và dại khờ nghĩ, lỡ một mai băng tâm khi bước chân còn phát vãng. Vâng, mùa mưa đồng hành kỷ niệm. Thường là kỷ niệm buồn. Chứng tích thương đau. Nhân đâu quỵ ngã nhưng áp lực ngớ ngẩn cần có sức lực.

Tối đến. Cà phê Liễu quán cùng anh Lãng. Buồn vui khêu tỏ. Lẩn quẩn giữa vòng o bế. Mặc cả và tha thứ, dễ dàng chấp nhận? Ý nghĩ lại mông lung sách vở. Thanh Hiên tài hoa như thế, cuối đời tri kỷ có một. Khó khăn vậy sao? Nhiều lúc Nhân nghi ngờ ở sự khắc kỷ của người đời.

Ngày mai anh trở về. Một quyết định như kẻ dại khờ.

2. Tiểu Linh trẻ trung. Bạo liệt.  Anh lúc nào cũng trở thành mục tiêu để nàng khích tướng:

            - Thời gian như chó chạy, còn tình ta như rùa bò. Chán thật!

            Nhân hiểu lời hờn mát của Tiểu Linh. Thời đại tên lửa mà anh như trên cung trăng rơi xuống. Hai mươi lăm năm cái xuân xanh rồi còn gì. Nói đúng hơn là từ sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Trên chiếc Bờ lua bịt bùng chở người và gia tài mấy bà con chỉ vỏn vẹn bó quần áo với vài cái soong nhôm lủng lẳng, đặt chân lên mảnh đất khuất chìm dấu ái tuổi thơ, ngổn ngang gạch vụn và lau trắng, bời bời những lo âu. Lửa chiến tranh nguội tắt. Nhưng chiến tranh ném con người vào lửa nên chỉ biết co rúm mà không dám đập vỡ lô cốt huyễn hoặc đè nặng lên những ngơ ngác. Đang chòng chành như con đò trôi trong mưa lũ thì chính Tiểu Linh đã kéo anh trở về thực tại. Thật đáo để khi nàng mang vác đâu về một núi sách khai tâm anh bằng những hệ hình tư tưởng mới, quan niệm mới, làm phân tâm trăm ngả. Nhà báo Minh Đức thì bồi thêm: “Phải bách nghệ. Nhất nghệ không sống nổi đâu. Mình phải cộng một ít thực tế của người Tây phương mới hợp nhẽ”. Anh hiểu cái lý của ông nhà báo là người ta không thể nhịn đói để ngắm hoa, ít ra nó đúng hiện trạng của anh bây giờ.

            Giữa lúc anh như cậu đồ nho băn khoăn hành xử sao cho phải đạo thì nàng như con chuồn ớt hồn nhiên bờ dậu lại bay sang khu vườn khác, đầy những hương hoa không phải trong tưởng tượng mà nó thực sự là bệ phóng cho nàng bay tới chân trời lạ.

 3. Giọng Tiểu Linh  pha chút ngậm ngùi:

- Ngày đó em đa cảm quá. Chính đa cảm  làm cho cây tình yêu mau ra hoa và sớm rụng quả. Nhưng ít nhiều do cái tính không chịu đầu hàng nên đã nhảy qua được cái ba ri e mặc cảm. Hình như hạnh phúc nào cũng khó lấp nổi chỗ trống trong hình mẫu lý tưởng và tạo hoá sẵn nuôi khát vọng sống tận cùng cõi trần ai.

Về mặt này, Tiểu Linh sắc cạnh hơn anh. Còn anh, rất ít khi nhận diện ra mình đang đứng ở toạ độ nào, nghĩa là rất mù mờ về không gian. Có lúc đêm trắng đánh vật với từng con chữ đến khi đọc lại thấy nhợt nhạt, thiếu muối không chịu nỗi. Paul Eluard nói đúng, “cái hiện thực bên trong” vốn chứa đầy sự mâu thuẫn. Nó không phải là ngọn nến tự cháy đến kiệt cùng như trái tim cạn khô. Và những câu thơ từ đó ráo hoảnh đi ra mang dáng ngạo nghễ người thất trận trong cuộc chơi đẫm màu âm u của cỏ đêm.

Tay cóng khô úp lên lồng ngực

Chia tay là yêu thương trọn gói

Thôi đừng đánh thức anh dậy nữa

Trước lúc em ra đi.

Tiểu Linh bảo hình như ở đâu đó rất tình cờ nàng có đọc bài thơ này và cho rằng anh không “can trường” như nàng tưởng. Sự vụng về của anh làm nhiều lần nàng đắc chí với mỗi câu nói “vải thưa không che được mắt thánh”. Đến nước này anh không thể tự dối mình.

Anh đâu dũng khí đến thế. Đúng là ngày ấy anh buồn không thể tưởng tượng. Cuộc tình không có ma quỷ can thiệp nhưng anh nhận ra chỉ nương vào trái tim chưa đủ bởi nhịp điệu của nó quá ư phức tạp mà đôi khi mình không nhận ra mình. Sự thành thực đâu chỉ theo kiểu thẳng ruột ngựa mà cần đến sự nhạy cảm thông minh.

Nàng xí xoá:

- Gặp anh, em lại sợ mắc sai lầm lần nữa. Một người bội thực thực tế gặp một người sống theo tôn chỉ phụng thờ chủ nghĩa cô đơn phỏng cứu được gì. Em lạy anh đấy!

Anh chống chế:

- Anh là công dân cô đơn số 1. Nhưng chỉ khi nhìn vào mắt em thôi!

- Anh vẫn thích đùa vậy sao? Tiểu Linh đế vào.

- Thế em không thấy anh đang sống “nghiêm túc” đây à.

- Có nghiêm nhưng túc thì còn phải xem lại!

Anh đại ngôn vô thưởng vô phạt:

- Những bậc đại trí, đại nhân xưa nay đều cô đơn cả. Cô đơn làm nên thế giới. Ai cũng thoả mãn với tất cả thì làm gì có văn hoá cô đơn. Cô đơn muôn năm!

- Nguỵ biện vừa vừa thôi - nàng dứt khoát như nhá từng chữ - Anh phải thay đổi tình trạng này em mới hạnh phúc được, nghe chưa cụ trẻ ạ!

Tiểu Linh đã quá mệt mỏi với mớ lý thuyết màu xám khó công phá của cái le moi dường cố vẫy vùng ngoi lên đánh vật với gió, nên vừa dứt lời nàng đã đứng dậy với cái bắt tay thật mạnh rồi tam biệt.

Bây giờ thì Nhân thật sự đối mặt với chính bản thân mình, không tự đùa được nữa. Triết gia cô đơn lại mang mang nỗi nhớ mùi hương mật đọng năm nào nhưng khi ngoài kia bàn chân vừa chạm lối về, cỏ đã khóc dưới mưa mà hồ như ở trong này đêm không hề hay biết.

 

                                                     Viết xong đêm12/9/1984

                                                        (chỉnh sửa, 8/12/2008)

                                                                                                                                                                                                   võ văn luyến