Vài điều chia sẻ với sinh viên về thực tập sư phạm
[ Ngày đăng: 28/12/2011 1:43:33 CH, lượt xem: 9877 ]

Vậy là một học kỳ nữa trôi qua, học kỳ thứ 7 trên con đường học tập, rèn luyện của một sinh viên CĐSP để trở thành người giáo viên. Trước khi lên đường tham gia thực tập sư phạm, tôi chắc hẳn các bạn cũng chuẩn bị cho mình rất nhiều điều và chắc hẳn các bạn cũng nghe được nhiều câu chuyện bi có, hài có, cả những giai thoại cười ra nước mắt từ các anh chị lớp trước; những giai thoại như đùa, như thật  ấy chắc hẳn làm cho các bạn hồi hộp, lo lắng hơn nhiều khi lần đầu đứng trên bục giảng!

 

Ngày ấy, tôi may mắn được về thực tập trên chính quê hương Quảng Trị yêu thương của mình. Tôi mãi không quên cái giọng run run của những giáo sinh lần đầu lên lớp, không thể nào quên được những giờ cặm cụi bên trang giáo án soạn - thảo luận - nhờ giáo viên hướng dẫn góp ý rồi lại chữa, lại soạn,... cả những giọt nước mắt của một cô bạn tôi, khi giờ dạy 45 phút thế mà mới được 30 phút đã hết bài nên đành bất lực đứng khóc khi học sinh quá ồn ào...
Các bạn sinh viên thân mến, để có một kỳ thực tập thành công các bạn cần phải chuẩn bị cho mình một hành trang thật đầy đủ. Phần quan trọng nhất là kiến thức chuyên môn, một kiến thức đầy đủ, hoàn chỉnh và hệ thống cùng với một kỹ năng sư phạm tốt sẽ giúp các bạn tự tin hơn rất nhiều khi đứng trước học sinh.

Chuẩn bị giáo án là bước quan trọng hàng đầu, ngoài những kiến thức đã được học, thì đọc kỹ lại sách cần dạy, sách tham khảo là điều cần thiết. Nếu sợ quên vì run, bạn có thể ghi chú riêng ra bên ngoài những gì quan trọng, bổ ích. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn biết tranh thủ ý kiến chỉ dạy của giáo viên hướng dẫn và cả những anh chị đi trước, đừng ngần ngại và đừng “giấu dốt” vì nghĩ giờ ta đã là giáo viên rồi! Hãy luôn nhớ mình đang là một người “học việc”!

Tiếp đến, phải luyện tập nhiều thì mới giúp các bạn có thể trình bày bài giảng một cách thuyết phục, giúp học sinh hiểu được bài một cách đơn giản nhất. Tốt nhất khi luyện tập nên chọn những người bạn cùng chuyên ngành để có thể bổ sung, góp ý cho nhau.

Trước khi “trình diễn chính thức”, việc  “chạy chương trình” là hết sức cần thiết. Chạy thử càng nhiều thì buổi biểu diễn chính chắc hẳn sẽ càng mỹ mãn hơn, giúp các bạn tránh tình trạng “cháy” hoặc “lụt” giáo án.

Trình bày bảng cũng là một khâu rất quan trọng, ai mà chẳng muốn nhìn một bức tranh đẹp, học sinh sẽ thấy khâm phục hơn, chú ý vào bài học hơn, khi bạn trình bày bảng một cách khoa học, rõ ràng và đẹp. Trong một tiết dạy, cũng nên một vài lần đi xuống lớp, vừa là để quan sát học sinh vừa ngoái lại nhìn xem mấy dòng chữ của mình có lên đèo, xuống dốc gì không mà điều chỉnh. Trình bày bảng không phải là một khả năng tự có, mà nó có được từ sự chăm chỉ tập luyện của các bạn!

Ngày nay, trường nào cũng được trang bị khá đầy đủ thiết bị công nghệ hỗ trợ việc dạy - học, không gì tuyệt vời hơn nếu bạn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào những giờ dạy của mình. Hãy mạnh dạn và tự tin áp dụng những gì đã được học. Nhưng nhớ, phải sử dụng nó một cách hiệu quả, đúng ý nghĩa, chứ không đơn thuần chỉ là thay đổi phương tiện “bảng đen, phấn trắng” thành “projector, powerpoint”!

Tôi vẫn nhớ lời người thầy dạy phương pháp của tôi: “Các em ạ, mỗi một bài dạy là một tác phẩm, trong đó người giáo viên vừa là tác giả,  vừa là biên đạo, đạo diễn và cũng chính là diễn viên. Hãy tích lũy cho mình đủ tất các kiến thức và kỹ năng để làm tốt tất cả các vị trí đó, các em sẽ có một bài dạy thành công”.

 Với công tác chủ nhiệm, bạn nên nắm kỹ tình hình của lớp mình chủ nhiệm, hãy cố gắng dành thời gian để tìm hiểu thực tế. Hãy gần gũi và biết lắng nghe những lời tâm sự của học sinh. Một chia sẻ với các bạn trong công tác chủ nhiệm là hãy biết đặt Ban cán sự lớp mình chủ nhiệm đúng vị trí của nó, đó là cầu nối hữu hiệu nhất giữa bạn và các học sinh khác trong lớp. Hãy xây dựng để các em là những “cộng tác viên” tích cực cung cấp cho các bạn một cách trung thực và chính xác tình hình của lớp để từ đó các bạn hoàn thành tốt công tác của mình.

 Nếu bạn có một chút năng khiếu về văn nghệ, đàn hát, kể chuyện hay thể dục thể thao cũng đừng ngần ngại thể hiện. Không gì giúp các bạn làm công tác chủ nhiệm tốt hơn khi trở thành “thần tượng” trong mắt các em.

 Các bạn sinh viên thân mến, đừng quá lo lắng về kỳ thực tập sư phạm. Dẫu biết nó là thử thách cuối cùng để các bạn trở thành một người thầy chính thức. Nhưng đó là quãng thời gian để các bạn “học việc”, nên hãy mạnh dạn thể hiện những kiến thức của mình và tranh thủ học tập kinh nghiệm của những người đi trước. Và 6 tuần thực tập sư phạm cũng chính là một khoảng thời gian ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của một người sinh viên sư phạm.

 Có những cảm xúc mà chỉ có người giáo sinh mới có được. Tôi mãi nhớ hình ảnh một người học trò có tiếng là “cá biệt” thế mà đến giờ tôi, em cũng hăng hái phát biểu, để ủng hộ thầy! Có gì thân thương hơn tiếng gọi “thầy ơi, thầy ơi...” của buổi ban đầu lưu luyến ấy? Hình ảnh những học trò thân yêu, chìa ra những cuốn sổ tay: “Thầy ơi, cho em xin một dòng, một chữ ký làm kỷ niệm” mãi là những hình ảnh đẹp trong tôi. Làm sao quên, hình ảnh sân ga Đông Hà một buổi chiều, trắng một màu áo học sinh tiễn chúng tôi, những người giáo sinh thực tập, lên chuyến tàu cuối ngày!

 Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn là ngoài kiến thức, kỹ năng, nghệ thuật sư phạm thì điều cần có là cái tâm với nghề, tình yêu nghề mến học sinh là điều quan trọng nhất giúp các bạn có thể thành công. Vẫn biết, còn rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nhưng khi đã chọn cho mình “nghề giáo”, hãy yêu và hãy có tâm với nghề, các bạn sẽ tìm thấy những niềm hạnh phúc riêng, mà không phải một nghề nào khác cũng có được.

 Chúc các bạn thành công!

                                                                           Phạm Văn Ánh