Vài nét về văn học Thái Lan thời SUKHOTHAI
[ Ngày đăng: 17/07/2012 3:23:14 SA, lượt xem: 5142 ]


Văn học là một loại hình sáng tác nhằm tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người. Đây là một loại hình không thể thiếu trong văn hóa của các dân tộc từ xưa đến nay và ở Thái Lan cũng không ngoại lệ. Văn học Thái Lan chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo. Điều đó dễ dàng lý giải bởi hầu hết các tác giả văn học ở đây được đào luyện từ các chùa và không ít trong số họ là các nhà sư. Phật giáo đã mang lại cho văn học Thái những chủ đề phong phú, những nguồn cảm hứng dồi dào để trên cơ sở đó cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đặc sắc. Tuy ở gốc độ nào đó, văn học Thái Lan mô phỏng văn học Phật giáo của Ấn Độ nhưng nó vẫn có một dáng vẻ rất riêng và đã được Thái Lan hóa thông qua ngôn ngữ biểu đạt cuộc sống sinh động của người dân Thái. Một trong những thời kì quan trọng đã đặt những viên đá tảng đầu tiên lót nền cho sự phát triển của văn học Thái Lan là vương quốc Sukhothai.

Vương quốc Sukhothai (tiếng Thái: อาณาจักรสุโขทัย, phát âm như Xụ-khổ-thay) là một vương quốc cổ của người Thái ở nửa phía Nam của vùng Bắc Thái Lan hiện đại. Vương quốc này tồn tại từ năm 1238 đến năm 1438 và được người Thái Lan xem như là “cái nôi” của văn hoá và văn học quốc gia. Đây có thể xem là thời kì sơ khai của văn học Thái Lan. Những bài văn đầu tiên của thời kì này hầu hết được khắc trên những tấm bia đá. Nội dung thường ca ngợi và khẳng định vị trí của Phật giáo trong đời sống nhân dân và hoàng gia. Dường như trong tất cả những lời văn ca ngợi về cuộc sống yên bình, phồn vinh của đất nước hay ca ngợi công lao, đạo đức tốt đẹp, cao cả của một vị vua nào đấy cũng đều nhằm nói lên tính ưu việt của Phật giáo.

Trong kho tàng văn học Thái Lan, đã và đang lưu giữ rất nhiều tác phẩm văn học độc đáo của thời kì này. Silajaruek Sukhothai (Các bản chạm khắc đá của Vương quốc Sukhothai) là hàng trăm viên đá có chạm khắc chữ ghi lại lịch sử của vương triều Sukhothai. Hiện nay, người ta đã phát hiện hơn 40 tấm bia được viết bằng chữ Thái trong thời kì này. Đó là những tấm bia đá có khắc chữ ở bốn mặt hoặc hai mặt. Những tấm bia này cao nhất chỉ khoảng hơn 2m, rộng từ 0,55 đến 0,88m. Do có diện tích vừa phải, trên bia chỉ có thể khắc khoảng 100 đến 200 dòng, vì vậy, lối viết trên các văn bia thường rất gọn gàng, mạch lạc. Trong số này, quan trọng nhất là bia Silajaruek Pokhun Ramkamhaeng (Bản khắc đá của vua Ramkamhaeng) - tấm bia ngày nay vẫn giữ lại được. Bản khắc này được viết bằng văn xuôi trên cả bốn mặt bia cao 1,11m, được dựng vào năm 1292. Đây là bản viết đầu tiên bằng tiếng Thái Lan và là một kiệt tác văn học của thời ki này. Bài văn có phong cách Thái thực sự, lời văn ngắn gọn, vần điệu như thơ nên rất dễ nhớ. Nội dung khẳng định sự tồn tại độc lập của người Thái trên đất Thái Lan và ca ngợi triều đình của vua Ramkhamhaeng; đồng thời mô tả một cách sinh động cuộc sống yên bình của người Thái thời đó, nhưng nội dung quan trọng hơn cả là khẳng định vị trí của Phật giáo trong lòng vương quốc. Một phần bản khắc đá có nội dung như sau: “Thành phố Sukothai này thật tốt đẹp. Dưới sông có cá, trên ruộng có nước. Vua không đánh thuế những người dân tập họp thành đoàn dẫn bò đi trao đổi hàng hóa và cưỡi ngựa đi bán. Ai muốn buôn bán voi thì cứ việc, Ai muốn buôn bán ngựa thì cứ việc. Ai muốn buôn bán bạc, vàng thì cứ việc".

Đặc biệt, văn học thời Sukhoothai còn ghi dấu những cống hiến lớn lao của vua Lithay – cháu nội vua Ramkhamhaeng. Lên ngôi từ năm 1347, vua Lithay đã viết một số tác phẩm lớn nhằm khẳng định vị trí đặc biệt của đạo Phật trong lòng vương quốc. Hiện nay, ở Yhais còn lưu giữ một tấm văn bia ca ngợi công lao của vua Lithay – bài văn Mát Xaha Xạt. Bài văn được khắc trên một tấm đá dài 2,47m. Phong cách viết ở bản văn bia này có phần trôi chảy hơn, ít cầu kì hơn về nội dung và nhịp điệu so với văn bia Ramkhamhaeng. Nội dung văn bia kể lại nguồn gốc của hoàng tộc Sukhothai.
Một trong những tác phẩm văn học được đánh giá cao tiêu biểu cho thời kì này là Trayphum (Ba thế giới) do vua Lithay viết. Đây là cuốn sách đầu tiên được viết bằng tiếng Thái Lan, chỉ tiếc là bản gốc hiện nay không còn. Ba thế giới được đề cập trong tác phẩm này là mặt đất, địa ngục và thiên đường; đó là thế giới của dục vọng, của trừng phạt và của đền bù. Tray Phum là bộ sách được Phật giáo Thái Lan xếp vào loại sách thiêng. Nội dung của sách thường được dùng để minh họa trên các bức tường của những ngôi chùa và được đọc trong những buổi lễ lớn. Tray Phum được xem là bộ sách khổng lồ về vũ trụ quan và đức luân lý của Phật giáo Thái Lan. Chính những quan niệm về đạo đức của nó đã trở thành cơ sở cho học thuyết về Phật giáo của Thái Lan sau này.

Ngoài những tác phẩm trên, thời Skhothai còn có các xuphaxít – những câu châm ngôn, tục ngữ. Xuphaxít thường thể hiện suy nghĩ và quan điểm của người Thái Lan về đạo đức luân lý. Nguồn gốc của các xuphaxít một phần dịch từ các tác phẩm Pali, một phần khác được các tác giả vô danh sáng tác. Nội dung các xuphaxít thường là các kinh nghiệm, cách ứng xử và các triết lý sống... Ví như: Còn nhỏ thì phải học, lớn lên hãy làm giàu; Khi nước chảy mạnh chớ để thuyền nằm ngang; Chớ giận dữ với thầy dạy mình; Không nên đánh chó đẻ ngăn chó sủa…Tất cả đã góp phần làm phong phú thêm cho nội dung văn học thời Sukhothai.

Có thể nói, nhờ những nỗ lực của các vị vua vương triều Sukhothai mà Phật giáo đã trở nên gắn bó mật thiết với nền văn hóa Thái, sản sinh ra các hình thức cổ điển của nghệ thuật tôn giáo Thái Lan trong đó có văn học Phật giáo. Đây có thể xem là đặc trưng của văn học thời kì này. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể không kể đến những nội dung về cuộc sống của nhân dân và hoàng tộc Sukhothai. Tất cả đã trở thành một hoạt chất ươm mầm xanh tốt cho sự nở rộ của vườn hoa văn học Thái Lan sau này. Cũng giống như ý nghĩa thực sự của tên gọi Sukhothai chính là: Sự khởi đầu của hạnh phúc.

      NGUYỄN THỊ THANH NGA
TT.NCVH Tiểu vùng sông Mê Kông