Văn chương Quảng Trị
[ Ngày đăng: 24/12/2015 10:50:28, lượt xem: 1700 ]

VĂN CHƯƠNG QUẢNG TRỊ

HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ VƯỢT DỐC

 

Nhà thơ: Võ Văn Luyến

 

       Sáng tạo văn học, một công việc nhọc nhằn, thừa thao thức và không thiếu thách thức. Thao thức để “lót ổ” cho cuộc sinh hạ và không ai dám chắc mười mươi được “quả trứng vàng”. Thật thú vị, sự thất bại của kiểu ngẫu hứng không chán nản này đem tới cho người ta nhiều niềm vui nếm trải vị đắng của hạnh phúc. Và điều đó nảy sinh thách thức. Thách thức chính mình. Thách thức trước những con chữ trơn nhẵn, cũ mòn khuôn mẫu cứng đờ như hoành phi câu đối ngàn đời nay vẫn dùng. Không phải vòng vo mà muốn nói rằng, văn học đích thực phải là một dòng chảy tâm hồn được nâng bổng giữa đôi bờ tư tưởng và nghệ thuật. Quá trình sáng tạo của một nhà văn/của một phong trào thường ít có sự liên tục mà đứt nối do điều kiện, hoàn cảnh, niềm đam mê và dĩ nhiên trong đó có nội năng của từng phong cách. Lâu nay người ta đánh đồng người viết với tác giả, nên nhầm tưởng thơ với văn vần, tiểu thuyết/truyện ngắn với chuyện kể, ký với ghi chép...và vì thế, cánh đồng văn học tuy không có cỏ độc nhưng có thừa cỏ dại.

       Nhìn vào đồng văn Quảng Trị hôm nay có gì mới? Trên hành trình đổi mới phát triển, đang ở toạ độ nào? Đi tìm câu trả lời đích đáng thật không dễ. Nhưng phải thừa nhận cái được sáng giá quả còn khiêm tốn. Sức sáng tạo dồi dào và sức bền tác phẩm của các nhà văn lớp trước như Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Lê Thị Mây... quả là điều chúng ta mong đợi, trông chờ vào sự tiếp sức mạnh mẽ của đội ngũ sáng tác mới. Công bằng mà nói, sau ngày tỉnh nhà lập lại, văn nghệ sỹ Quảng Trị đã đồng loạt ra quân cày xới trên mảnh đất mang vóc dáng biểu tượng chủ nghĩa nhân văn bằng sự háo hức chưa từng có. Mùa vụ gieo trồng đã có ngày sai quả, tuy không chắc đều nhưng sự chín tới rất đáng ghi nhận. “Lượng hoá” phẩm chất của một tác phẩm, tác giả hay một phong trào cần phải có thời gian và là công việc của nhiều người. Nhưng điều này thì có thể khẳng quyết: Văn chương Quảng Trị có nhiều nhân tố vượt qua “đường biên tỉnh lẻ” để hội nhập và được chú ý trong làng văn nghệ nước nhà. Đóng góp đó không chỉ sở hữu cái “bảo bối” đề tài, chủ đề hấp dẫn mà ở sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và thi pháp thể hiện. Một đội ngũ gần sáu mươi hội viên cắm trên các địa bàn, các ban ngành, các lĩnh vực hoạt động ở một tỉnh đất không rộng người không đông như Quảng Trị phải nói là một hạnh phúc. Nhiều cây bút đã trở nên quen thuộc với độc giả như Trần Biên, Cao Hạnh, Trần Thanh Hà, Thái Đào, Y Thi, Minh Tứ, Nguyễn Hoàn, Đinh Như Hoan, Lâm Chí Công, Lê Đức Dục, Tống Phước Trị, Nguyễn Ngọc Chiến, Lê Nguyên Hồng, Ngô Nguyên Phước, Đào Tâm Thanh, Nguyễn Trung Hữu, Văn Bốn... (văn xuôi); Phan Văn Quang, Từ Dạ Thảo, Võ Văn Luyến, Hoài Quang Phương, Võ Văn Hoa, Hải Hiền, Lê Bá Tạo, Phan Bùi Bảo Thy, Trần Đình Thành, Hoài Nhạn...(thơ) và nhiều gương mặt khác nữa. Họ là đội quân chủ lực làm nên diện mạo văn học tỉnh nhà thời đổi mới.

        Vấn đề đầu tiên, đó là sự tiếp nối dòng chảy sử thi được tạo mã (code) qua cái nhìn thế sự. Vì thế, lối dẫn cảm hứng ở phương diện này làm cho ẩn tượng chuyển dịch từ không gian lịch sử sang không gian nhân sinh. Triển khai thành thục theo hướng này có các nhà văn Hoàng Phủ ngọc Tường, Xuân Đức, Cao Hạnh, Trần Thanh Hà, Thái Đào...Song nhìn chung, ở nhiều tác phẩm, nhiều tác giả bám sát tâm thức truyền thống trong phản ánh hiện thực, ít quan tâm đến quan niệm tính trên hành trình sáng tạo nên tạo cho người đọc mang tâm lý tiếp nhận hơn là đối thoại. Do đó, cái mới đem đến là trạng thái hơn là tính chất. Tất nhiên, chiều

sâu của sự phản ánh, dù dưới vi mạch nào, cũng đều chảy về phía hằng cửu (chúng tôi nhấn mạnh) của cuộc sống con người. Ở phương diện sống còn này, văn xuôi Quảng Trị không là ngoại lệ.

       Đồng hành với văn xuôi, thơ Quảng Trị gần đây cũng đang “trở mình”. Dường như những nỗ lực tự thân của mỗi cá thể sáng tạo đã đẩy con thuyền thơ nhích lên đáng kể. Có lẽ thế mạnh của thơ là cảm xúc, không cảm xúc không thơ được và vì thế, cơ hồ món điểm tâm thú vị này không bỏ một ai. Diễn đàn thơ thật rộng rãi, có khi thật ngẫu hứng nên thơ đến bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Đấy là mặt thuận và cũng không thuận của thơ. Cái còn lại, cái trôi đi như ai đó đã nói là sự thật bình thường (hiểu theo nghĩa thù tạc). Tuy nhiên, thơ neo được không phải bao giờ cũng dễ đọc, dễ thuộc. Thời đại trí năng đòi hỏi nhà thơ phải cho cảm thức cất cánh để tạo đường bay ý nghĩ. Từ Dạ Thảo, Hoài Quang Phương, Phan Văn Quang, Võ Văn Hoa, Phan Bùi Bảo Thy...là các tác giả có dấu hiệu cho nỗ lực đổi mới. Đấy là cái nhìn chủ quan, trong thực tế, có thể nhận diện sự đổi mới ở nhiều cây bút. Vấn đề là, cần tìm tới ý thức thường trực.

       Sáng tạo nhìn ở khía cạnh nào đó chính là sự đổi mới. Mỗi cá thể sáng tạo, dù ở mức độ nào cũng có sự đóng góp. Lướt nhìn cánh đồng sáng tạo đầy những ẩn số, thành thực mà nói, bài viết chỉ dừng lại một số suy nghĩ bước đầu, với mong muốn mỗi một cây bút cần quyết liệt vượt dốc và đổi mới nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy văn chương Quảng Trị lên một bậc thang mới, góp phần vào nền văn nghệ nước nhà.